Mỹ sẽ xé hiệp định tên lửa tầm trung INF từng ký với Liên Xô?

Vĩnh Thụy |

Chính phủ Mỹ đang tính những bước gây sức ép về ngoại giao, kinh tế và quân sự với Nga, sau khi kết luận Moscow vi phạm Hiệp định về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Còn có thông tin từ nội bộ Tổng thống Donald Trump nêu: các nghị sĩ Mỹ gồm cả nhiều thành viên đảng Cộng hòa có thể đã gây sức ép để Nhà Trắng phải xé INF, rút khỏi hiệp định này.

Cách đây 30 năm, ngày 8.12.1987 tại Nhà Trắng, Tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký duyệt INF. Hiệp định này nhằm cấm mỗi bên dàn tên lửa tầm ngắn và trung bình (có tầm bắn từ 500 - 5.500km) có thể gắn đầu đạn hạt nhân ở châu Âu.

INF được ghi nhận là một hiệp định lịch sử, giúp kết thúc cuộc chạy đua vũ trang Chiến tranh lạnh giữa Xô-Mỹ. INF cũng giúp giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Mỹ sửa lại phương án quân sự để tự vệ trước tên lửa Nga

Tuy nhiên, theo báo Washington Times, dưới thời Tổng thống Nga Vladimir Putin, quân đội Nga liên tục triển khai tên lửa tầm trung đến gần biên giới phía tây. Phe chỉ trích nói Nga vi phạm trắng trợn INF. Năm 2014, chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa tin Moscow còn phóng thử một loại tên lửa bị cấm.

Theo báo Washington Times ngày 8.12 (giờ Mỹ) Bộ Ngoại giao Mỹ không nói rõ sẽ thực hiện các bước nào, nhưng khẳng định hành động của Điện Kremlin khiến lo ngại cho tương lai của INF.

Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chuẩn bị ngưng các chương trình nghiên cứu-phát triển, nếu Nga không giải quyết chuyện vi phạm INF.

Các quan chức Nga luôn bác bỏ cáo buộc Nga vi phạm INF. Ngày 8.12, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố, một lần nữa khẳng định Nga không hề vi phạm INF, và chỉ trích điều Bộ này gọi là “ngôn ngữ kiểu tối hậu thư” của Washington.

Cùng ngày 8.12, ông Gorbachev nói với hãng tin nhà nước Nga RIA Novosti: đích thân hai vị lãnh đạo Nga-Mỹ, ông và ông Trump cần tránh làm sụp đổ INF, nếu không thì sẽ có nhiều thế lực “thủ” vũ khí hạt nhân ở châu Âu. Ông nói đấy là những hậu quả rất nghiêm trọng, nhất là việc Nga cùng các nước châu Âu dàn tên lửa ở vùng biên giới nhằm đề phòng lẫn nhau.

Ông Gorbachev nói: “Tôi tin rằng nếu cả hai vị tổng thống đều thúc đẩy, quân đội và ngoại giao hai nước có thể thương lượng về những vấn nạn kỹ thuật. Điều chủ đạo là INF là nền tảng của sự ổn định chiến lược, và không thể trở thành nạn nhân của vài tình huống chính trị”.

Ông cũng trách chính phủ Mỹ không chịu đối thoại với Nga, khi Nga-Mỹ hiện đang căng thẳng với nhau: “Cho đến nay, việc hai nhà lãnh đạo chỉ mới gặp nhau bên lề một hội nghị thượng đỉnh lớn hơn là hoàn toàn bất bình thường”.

Nghị sĩ Mỹ tái sản xuất tên lửa hành trình tầm trung thế hệ mới

Ngày 17.7, thượng nghị Mỹ Tom Cotton cáo buộc Moscow liên tục vi phạm INF, nói Mỹ cần phải ép Nga tuân thủ hiệp định này, đồng thời phải hiện đại hóa quân đội.

Nói chuyện tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), vị nghị sĩ đảng Cộng hòa nói: “Chúng ta đang cạnh tranh chiến lược với Nga. Điều cần làm là phải hiện đại quân đội, nhất là bộ binh”.

Trước đó, hồi tháng 3, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận đúng là Nga vi phạm INF, khi Nga “bí mật triển khai một khẩu đội tên lửa hành trình SSC-8” ở biên giới với các nước châu Âu.

Theo giới quan sát, nhiều khả năng đây là phiên bản trên bộ của tên lửa Kalibr phóng từ tàu ngầm và tàu chiến, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân

Qua tháng 4, ông Cotton cùng 2 thượng nghị sĩ Marco Rubio và Ron Johnson trình dự thảo luật Bảo tồn INF nhằm buộc Nga tuân thủ hiệp định, đồng thời tăng cường khả năng phòng thủ của Mỹ.

Dự luật này đề nghị phát triển những tên lửa hành trình tầm trung mới, chi 500 triệu USD cho khả năng phòng thủ, chuyển công nghệ tên lửa hành trình cho các đồng minh, cấm giải ngân cho hai hiệp định mà Nga muốn giữ, cho đến khi nào Nga tuân thủ INF.

Nhưng những đề nghị của ông Cotton lúc đó vướng những rào cản, như Mỹ đang trong giai đoạn cắt giảm chi quốc phòng, khiến không thể hiện đại hóa Bộ binh Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại