Sử dụng AI trong nhà tù: Câu chuyện từ Mỹ và Trung Quốc

Tùng Phong |

Trí tuệ nhân tạo (AI), ngoài những ứng dụng thường thấy trong thương mại hay tài chính, còn đang dần ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà tù tại một số quốc gia.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang liên tục được phát triển và đưa vào ứng dụng trong hàng nghìn công việc và lĩnh vực khác nhau, từ thương mại điện tử, tài chính, y tế, nông nghiệp, kinh doanh, nhân sự cho đến nhiều loại dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, một khía cạnh khác của việc ứng dụng AI mà ít người để ý đến, nhưng vẫn đang được nghiên cứu, phát triển và triển khai ứng dụng là việc sử dụng AI để quản lý nhà tù.

Tuy đều được coi là AI, cách công nghệ này được sử dụng ở những nhà tù khác nhau lại có thể vô cùng khác biệt, với những hàm ý đa dạng nhưng cùng mang hệ quả tương tự đối với việc quản lý cũng như lo ngại về quyền lợi của phạm nhân. Dưới đây là cách mà AI được sử dụng trong nhà tù tại Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ: Sử dụng AI để giám sát lời nói trên điện thoại của phạm nhân

Từ năm 2019, Hạt Suffolk (bang New York) đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống AI Verus của công ty LEO Technologies trong các trại giam hạt. Hệ thống này sử dụng công nghệ nhận dạng giọng nói và chuyển thành văn bản (speech-to-text) của Amazon để chuyển thành văn bản các cuộc gọi của phạm nhân nếu xuất hiện từ khóa định sẵn.

Sử dụng AI trong nhà tù: Câu chuyện từ Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 1.

Một mô tả từ khóa của LEO Technologies. Nguồn: LEO Technologies.

Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Suffolk nói rằng hệ thống Verus là một công cụ then chốt trong đấu tranh tội phạm bạo lực và hoạt động liên quan đến các băng đảng. Tuy nhiên, các trại giam hạt Suffolk lại theo dõi cả những cuộc gọi có chủ đề rộng hơn phạm vi nêu trên rất nhiều, với thời lượng cuộc gọi được hệ thống Verus quét kéo dài tới 600,000 phút mỗi tháng, theo tài liệu do Thomson Reuters Foundation thu thập.

Hạt Suffolk là một trong nhiều nơi có trại giam hạt và nhà tù liên bang ở 7 tiểu bang của nước Mỹ sử dụng hệ thống Verus để giám sát cuộc gọi điện thoại của phạm nhân, bao gồm cả một số đô thị lớn như Houston (bang Texas) và Birmingham (bang Alabama).

Sử dụng AI trong nhà tù: Câu chuyện từ Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 2.

Bên trong nhà tù Yaphank tại hạt Suffolk, bang New York. Ảnh: Newsday / J. Conrad Williams, Jr

Hệ thống Verus được mô tả là nổi trội hơn so với một số đối thủ cạnh tranh khác nhờ khả năng phân tích gần thời gian thực và xuất báo cáo rõ ràng. Verus còn được ca ngợi là phương thức giúp lực lượng thực thi pháp luật xác định thành viên băng đảng thông qua việc đánh dấu “mô thức hành vi của phạm nhân và người có liên quan”. Kevin Catalina, cảnh sát phụ trách văn phòng cảnh sát trưởng, nói rằng hệ thống này “cho phép nhân viên sử dụng thời gian hiệu quả hơn bằng cách tập trung vào các từ khóa theo mục tiêu nhất định”.

Tuy nhiên, những hệ thống như Verus có thể được dùng với mục đích không hoàn toàn tốt đẹp. Một số luật gia và nhà nghiên cứu hệ thống theo dõi cuộc gọi cho rằng AI hoàn toàn có thể bị lạm dụng để che giấu thông tin không có lợi cho quản lý nhà tù và bịt miệng những phạm nhân muốn đưa thông tin như vậy ra bên ngoài.

Trung Quốc: “Nhất cử nhất động” của phạm nhân được AI theo dõi

Còn tại Trung Quốc, nhà tù Yên Thành (Yên Giao, tỉnh Hà Bắc) rộng 40 ha đã sử dụng một hệ thống kết hợp mạng lưới nhiều camera, cảm biến bí mật và một máy tính sử dụng AI nhằm giám sát hành vi phạm nhân.

Yên Thành là nơi giam giữ một số phạm nhân “cao cấp” như Cốc Khai Lai (vợ thứ hai của cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai), Nhuế Thành Cương (người dẫn chương trình trên CCTV-2), Trương Thự Quang (cựu phó kỹ sư trưởng tại Bộ Đường sắt) và Nam Dũng (cựu phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc).

Sử dụng AI trong nhà tù: Câu chuyện từ Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 3.

Cổng vào nhà tù Yên Thành. Ảnh: Nhân dân Nhật báo.

Hệ thống AI tại nhà tù Yên Thành, được nhiều viện nghiên cứu bao gồm cả Đại học Thiên Tân hợp tác phát triển cùng công ty thiết bị giám sát Tiandy, thu thập hình ảnh và dữ liệu khác từ các camera và cảm biến nhằm nhận diện, theo dõi và giám sát các phạm nhân 24/7.

Vào cuối ngày, hệ thống này xuất một báo cáo toàn diện về mỗi phạm nhân, bao gồm cả phân tích hành vi thông qua nhận diện khuôn mặt và phân tích cử chỉ - chuyển động. Hệ thống này ra cảnh báo mỗi khi có điều gì bất thường được ghi nhận. Ví dụ, nếu như phạm nhân đi qua đi lại liên tục trong phòng mình, hệ thống sẽ coi đó là hành vi đáng nghi và khuyến nghị điều nhân viên an ninh đi kiểm tra tận mắt.

Sử dụng AI trong nhà tù: Câu chuyện từ Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 5.

Hoạt động của phạm nhân bên trong nhà tù Yên Thành. Ảnh: Nhân dân Nhật báo.

Một nhân viên của Tiandy nói rằng hệ thống giám sát bằng AI này có khả năng biết được từng phạm nhân đang làm gì và ở đâu, chủ yếu dựa vào khả năng giám sát tới 200 khuôn mặt cùng lúc của mỗi camera. Dù phạm nhân có thể hối lộ quản giáo để tìm cách vượt ngục, hệ thống AI được tin rằng sẽ vẫn phát hiện phạm nhân đó và ra báo động nếu cần thiết.

Tất nhiên, việc giám sát nhất cử nhất động phạm nhân 24/7, cao hơn cả mức mà con người làm được, gây một số lo ngại nhất định. Có người cho rằng việc bị AI theo dõi sẽ gây ảnh hưởng tâm lý quá mức cần thiết đến phạm nhân và một số phạm nhân hiểu biết có thể dùng điểm yếu nhất định của hệ thống nhằm trục lợi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại