Ngày nay để tìm được một môi trường làm việc lý tưởng không hề dễ dàng. Phỏng vấn giờ đây cũng không chỉ dựa vào bản CV, nhà tuyển dụng còn xem xét trên nhiều yếu tố. Muốn vào được những công ty hàng đầu, CV đẹp thôi chưa đủ bạn phải có thêm những điều kiện khác như EQ cao, tích cực sáng tạo, tính cách tốt…
Quy trình phỏng vấn là một trong những giải pháp hiệu quả giúp nhà tuyển dụng xác định mức độ phù hợp của ứng viên với yêu cầu công việc và văn hóa công ty.
Để tìm ra những mảnh ghép phù hợp, xứng đáng nhất, nhiều nhà tuyển dụng đã đưa ra những tình huống đánh đố, những câu hỏi khó đoán cho các ứng viên, nếu ai trả lời một cách thông minh người đó sẽ là người chiến thắng.
Một nữ sinh vừa tốt nghiệp ra trường, có bằng thạc sĩ trong tay nhưng vẫn thất nghiệp dù đã gửi hồ sơ đến rất nhiều công ty.
Trải qua nhiều lần bị từ chối, lần này, nữ sinh viên rút ra bài học kinh nghiệm đắt giá: Nghiên cứu rất kỹ về công ty mà mình ứng tuyển.
Mọi cách thức phỏng vấn và quy trình tuyển dụng đều được cô nghiên cứu kỹ càng thông qua nhiều nguồn thông tin.
Do đã chuẩn bị kỹ càng, cô sinh viên đã thể hiện rất tốt trong những vòng tuyển dụng đầu tiên và thành công tiến vào vòng hỏi đáp cuối cùng.
Tại vòng phỏng vấn, không có những câu hỏi mang tầm vóc vĩ mô, giám đốc bộ phận nhân sự bất ngờ đưa ra một câu hỏi khiến tất cả ứng viên đều ngỡ ngàng: "Nếu cho bạn 1 triệu đô để ngồi tù trong vòng 1 năm, liệu bạn có đồng ý hay không? Các bạn hãy cho tôi câu trả lời sau 3 phút cân nhắc".
Sau ba phút, một thanh niên giơ tay trả lời câu hỏi. Nam thanh niên cho biết: "Trước hết, tôi cho rằng câu hỏi này không hề thực tế. Dựa vào quy chế luật pháp hiện hành, sẽ chẳng có ai được phép bỏ ra 1 triệu đô để nhờ người khác ngồi tù thay cả. Vì vậy, câu trả lời của tôi chính là không có câu trả lời cho tình huống giả lập sai lầm này".
Người phỏng vấn chỉ mỉm cười.
Một cô gái khác đứng dậy và đưa ra câu trả lời hoàn toàn khác: "Số tiền 1 triệu đô này thực ra có thể coi như một khoản lương ứng trước cho cả năm. Nếu coi 'đi tù' là một công việc, một nhiệm vụ được cấp trên giao phó để hoàn thành, sau khi thực hiện tốt có thể nhận mức lương là 1 triệu đô, vậy tôi nghĩ chẳng có lý do gì không chấp nhận nó cả."
Vị giám đốc ngạc nhiên với cách tư duy khác lạ của nữ ứng viên này.
Lúc sau, một người đàn ông trông già dặn và giàu kinh nghiệm, vô cùng tự tin nói ra: "Đầu tiên, tôi sẽ chấp nhận yêu cầu và nhận lấy 1 triệu đó, nhưng tôi sẽ không đi tù. Có 1 triệu đô trong tay, tôi sẵn sàng bỏ ra một nửa để tìm một người khác sẵn sàng đi tù thay. Thế là mọi chuyện được giải quyết dễ dàng".
Vị giám đốc nghe xong câu trả lời vô cùng ấn tượng với phản ứng nhạy bén, linh hoạt của người đàn ông này.
Cuối cùng, đến lượt nữ sinh viên nọ. Thật bất ngờ khi cô là người duy nhất đanh thép từ chối thẳng thừng yêu cầu ấy: "Xin lỗi nhưng tôi sẽ không bao giờ đồng ý với cách trao đổi này.
Đầu tiên, không bàn đến vấn đề cả đời này tôi có kiếm nổi 1 triệu đô đó hay không. Nhưng tôi chắc chắn rằng, người nào nên chịu trách nhiệm trước pháp luật thì phải chấp hành. Dù là đi tù 1 năm, hay chỉ 1 ngày, thì cũng bắt buộc phải tự mình chấp hành theo đúng luật pháp.
Việc dùng tiền để lách luật hoặc làm trái với pháp luật là một điều không thể chấp nhận. Tôi không cho rằng đồng tiền có thể giải quyết tất cả vấn đề, kể cả những sai lầm không thể cứu vãn. Đã làm sai thì phải chấp nhận bị trừng phạt xác đáng!".
Sau khi nghe câu trả lời của cả bốn người, vị giám đốc suy nghĩ kỹ càng một hồi rồi đứng dậy bắt tay với nữ sinh viên. Ông quyết định chọn cô và tuyên bố rằng: "Xã hội bây giờ, mọi người ngày càng tài năng, nhưng cũng ngày càng đánh mất giới hạn và lòng tự trọng của chính mình. Trước thành nhân, sau mới thành tài.
Lòng chính trực là đức tính tốt đẹp của mỗi người
Giữ gìn sự chính trực là vô cùng quan trọng đối với cuộc sống và công việc. Một nhân viên chân chính mà chúng tôi cần tìm phải là người biết giữ lòng chính trực như cô gái này, có như vậy, họ mới trung thành và tận tâm cống hiến, không bị mua chuộc bởi tiền bạc mà làm ra hành vi bán đứng công ty!".
Theo Aboluowang