Sự việc đã dấy lên hoài nghi về chất lượng của máy bay Su-34, nhưng luận điểm này đã bị giới chuyên gia quân sự phản bác. Việc xảy ra tai nạn va chạm máy bay chiến đấu trên không trong diễn tập là khá hiếm và nguyên nhân tai nạn có thể vì nhiều lý do khác, chứ không đơn thuần quy là do vấn đề kỹ thuật.
Ngày 18-1, Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố chính thức về việc va chạm của hai máy bay Su-34 trên biển Nhật Bản. Vụ việc xảy ra khi hai máy bay cách bờ 35km và đang trong lịch trình tập trận thường niên.
Khi vụ va chạm xảy ra, hai chiếc Su-34 không mang theo vũ khí và đang thực hiện các bài tập cơ động trên không. Cả 2 chiếc Su-34 đều thuộc biên chế Trung đoàn ném bom 277, đóng tại Khurba gần Komsomolsk-on-Amur.
Dù lúc xảy ra va chạm đang có bão biển, nhưng trực thăng cứu hộ Mi-8 đã tìm thấy 2 phi công gặp nạn sau vài giờ tìm kiếm.Vụ va chạm đã làm một chiếc Su-34 rơi xuống biển, nhưng cả 2 phi công điều khiển nhảy dù an toàn.
Chiếc máy bay còn lại trở về căn cứ với một động cơ bị hỏng. Theo hãng thông tấn TASS, hai máy bay đã va chạm trong điều kiện thời tiết xấu. Một trong 2 máy bay đã mất dấu nhau trong mây. Sự cố xảy ra khi hai máy bay không thể giữ cự ly hợp lý với nhau.
Những thông tin về về vụ va chạm giữa hai máy bay Su-34 không được công bố nhiều, nhưng từ những thông tin được công bố cũng giúp giới chuyên gia đưa ra những đánh giá sơ bộ về nguyên nhân xảy ra vụ việc.
Theo Thiếu tá, phi công thử nghiệm Andrei Krasnoperov, nguyên nhân chính của vụ va chạm là sự vi phạm các quy tắc hoạt động hàng không quân sự. Các máy bay đã cố gắng hoạt động trong thời tiết xấu và hạn chế tầm nhìn do mây mù.
"Thường trong nhiệm vụ như được công bố. Hai máy bay sẽ bay theo đội hình dọc. Một chiếc bay đầu hoa tiêu cho một máy bay tấn công bay sau. Trong điều kiện thời tiết xấu, máy bay sau có thể mất dấu chiếc bay trước. Đây có thể là nguyên nhân dẫn tới va chạm", Thiếu tá Andrei Krasnoperov nói.
Theo đánh giá của Thiếu tá Andrei Krasnoperov, chính tình trạng của chiếc Su-34 trở về căn cứ đã chứng minh điều này. Do không giữ được cự ly, chiếc Su-34 bay sau đã va chạm vào đuôi chiếc bay đầu. Vụ va chạm đã khiến một động cơ của máy bay Su-34 bay trước bị hỏng, còn chiếc bay sau đã bị hư hại nặng hơn và rơi.
Chiếc Su-34 gặp nạn khi hệ thống bung dù hãm bị lỗi.
Về vụ va chạm, Thiếu tướng, phi công bậc nhất, Vladimir Popov cho biết, luôn có nguy cơ trong các lần diễn tập quân sự. Đặc biệt, khi yêu cầu của các bài tập phức tạp và thực hiện trong điều kiện thời tiết xấu.
"Để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, kể cả trong diễn tập, các máy bay thường phải giữ cự ly rất gần nhau. Nếu máy bay dài 25-30m, thì giãn cách cự ly chỉ dưới 100m. Các bạn có thể hình dung, máy bay chiến đấu bay với tốc độ 700-900km/giờ. Điều khiển khối kim loại nặng hàng chục tấn trên không trong điều kiện chiến đấu phức tạp khiến mọi việc có thể xảy ra trong tích tắc. Điều này càng có nguy cơ hơn trong điều kiện thời tiết xấu", Thiếu tướng Vladimir Popov nói.
Đồng quan điểm với Thiếu tướng Vladimir Popov, phi công thử nghiệm, Anh hùng Liên bang Nga, Alexander Garnaev cho biết, việc phối hợp tác chiến theo tổ đội trên không là hoạt động vô cùng khó khăn và phức tạp. Việc này cũng giống như giữ thăng bằng trên dây. Mọi hoạt động phải đồng đều và nhịp nhàng.
"Đó là bài tập rất khó. Tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Điều này không chỉ xảy ra ở Nga, mà ở mọi quân đội trên thế giới", ông Alexander Garnaev nói.
Theo phi công Alexander Garnaev, điểm khó có bay nhiệm vụ chiến đấu là phi công buộc phải tắt cảnh báo va chạm để máy bay có thể hoạt động gần nhau hơn. Tất cả sẽ phụ thuộc vào kinh nghiệm và kỹ năng của phi công.
Các chuyên gia đều thống nhất quan điểm rằng, sự cố máy bay quân sự va chạm trên không trong các nhiệm vụ quân sự là rất hiếm gặp. Ở Nga, sự cố như vậy xảy ra gần nhất vào năm 2009.
Hai máy bay Su-27 va chạm ở Zhukovsky. Vụ việc đã khiến đội trưởng đội bay biểu diễn Hiệp sĩ Nga, Igor Tkachenko thiệt mạng. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đánh giá, vụ tai nạn không tạo ra nghi vấn về tính năng kỹ thuật của máy bay Su-34. Đây vẫn là dòng máy bay tiêm kích-bom tin cậy và hiệu quả.
Tại Syria, Su-34 đã chứng minh là dòng máy bay tiêm kích-bom uy lực và hiệu quả.
Máy bay tiêm kích-bom Su-34 bắt đầu phục vụ Không quân-vũ trụ Nga từ năm 2014 để thay thế cho Su-24 với vai trò máy bay ném bom tiền tuyến. Sau vụ va chạm, toàn bộ các chuyến bay của Su-34 đã bị đình chỉ để điều tra nguyên nhân.
Trong suốt thời gian phục vụ Không quân Nga, mới chỉ có hai vụ tai nạn của máy bay Su-34. Tháng 7-2018, tại Khabarovsk, một máy bay Su-34 đã trượt khỏi đường băng 500m do lỗi hệ thống bung dù.
Máy bay cơ bản không bị hư hại và không ghi nhận có thương vong. Trước đó, hồi tháng 4-2015, một máy bay Su-34 cũng do lỗi hệ thống phanh hãm đã mất lái và lật úp. Không có thương vong trong sự việc.
Trong khi đó, ở chiến dịch chống khủng bố ở Syria, các máy bay Su-34 phải hoạt động chiến đấu với cường độ xuất kích lớn, nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ và an toàn.