Su-25 Nga phơi mình cho tên lửa phiến quân "thịt": Giá đắt - Cơn choáng váng sẽ tiếp diễn?

Bình Nguyên |

Xem những hình ảnh tác chiến gần đây của máy bay chiến đấu Nga ở Syria, trong đó có cường kích Su-25 dễ thấy phi công Nga đã chủ quan, để máy bay phơi mình trước hỏa lực của phiến quân.

Chủ quan và cái giá quá đắt

Hơn 2 năm tham chiến ở Syria, các lực lượng vũ trang Nga trong đó có Không quân đã đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm quý báu, tuy nhiên đâu đó vẫn còn có sự chủ quan chết người và đã không ít lần phải trả giá rất đắt.

Vụ máy bay cường kích Su-25 của Không quân Nga bị phiến quân bắn rơi bằng tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) hôm 03/02/2018 vừa qua là hậu quả tất yếu. Chiến tranh là thế, không có chỗ cho sự chủ quan khinh địch.

Thứ nhất, Không quân Nga thừa biết phiến quân có trong tay những tổ hợp tên lửa phòng không vác vai hiện đại bởi trước vụ việc đau lòng trên, có một số máy bay chiến đấu của Không quân Syria đã bị bắn hạ, nhưng dường như họ vẫn tự tin vào hệ thống phòng hộ Vitebsk-2 với tính năng kỹ chiến thuật rất ưu việt, đủ sức bảo vệ Su-25 trước các loại tên lửa phòng không.

Nhưng thực tế không như vậy, chiếc Su-25 của Nga đã không may mắn khi bị MANPAD của phiến quân bắn trúng cho thấy dường như trong vụ này, hệ thống phòng hộ Vitebsk-2 vì lý do nào đó đã hoạt động không hiệu quả.

Thứ hai, gần đây ta thường thấy cường kích Su-25 và Su-24 của Nga lao xuống phòng rocket vào mục tiêu như chỗ không người và ở độ cao rất thấp, chỉ vài trăm mét, trong tầm xạ kích hiệu quả của các loại hỏa lực phòng không tầm thấp như pháo cao xạ 23mm hay tên lửa vác vai. Như vậy rõ ràng là nó đã phơi mình cho MANPAD của phiến quân làm thịt.

Biên đội cường kích Su-25 Nga bổ nhào bắn rocket vào mục tiêu khung bố ở Syria mà không bắn mồi bẫy.

Nhẽ ra, khi lao xuống ở độ cao thấp như vậy, phi công Nga phải liên tục bắn mồi bẫy để đề phòng tên lửa phòng không của phiến quân bắn từ dưới đất lên, nhưng có thể trong vụ này phi công đã "quên" làm động tác này.

Trong cuộc chiến ở Donesk, các phi công Su-25 của Không quân Ukraine luôn cẩn thận, cứ bổ nhào phóng rocket là bắn mỗi bẫy, bất biết là có tên lửa từ dưới đất phòng lên hay không. Rõ ràng cẩn thận không bao giờ là thừa.

Cường kích Su-25 của Không quân Ukraine liên tục bắn mồi bẫy khi lao xuống tấn công mục tiêu ở Donesk.

Thứ ba, Không quân Nga đã tiết kiệm, khá hạn chế sử dụng vũ khí có điều khiển chính xác, liên tục để máy bay cường kích bổ nhào bắn, ném vũ khí không điều khiển ở độ cao thấp phơi mình trước hỏa lực phòng không đối phương thì trước sau gì cũng phải trả giá đắt.

Phiến quân đã chọn đúng thời cơ phóng đạn

Khoan chưa nói đến loại tên lửa mà phiến quân đã sử dụng vì còn nhiều tranh cãi về chủng loại và xuất xứ của nó (có thể là của Trung Quốc, Ukraine hay thậm chí của Mỹ) nhưng như đã phân tích ở trên Không quân Nga (cụ thể là trong trường hợp này) chủ quan và phải trả cái giá rất đắt.

Một số chuyên gia cho rằng trong nhiều ngày liền, các máy bay cường kích của Không quân Nga sử dụng đường bay giống nhau, cách thức tấn công vẫn là bổ nhào bắn rocket hay ném bom "ngu" trên một khu vực mục tiêu có diện tích không lớn và phiên quân đã nhận rõ quy luật hoạt động này để phục kích, chớp thời cơ ra đòn chính xác.

Chúng chỉ việc yên tâm rung đùi ngồi chờ máy bay Nga dẫn xác đến và thế là "A lê hấp! Ngon ơ".

Trước vụ Su-25 Nga bị bắn hạ chỉ vài ngày, một chiếc Su-25 khác cũng suýt bị bắn rơi bởi pháo phòng không của phiến quân. Theo đó, khi chiếc cường kích này lao xuống phòng rocket vào mục tiêu, phiến quân đã sử dụng ít nhất 2-3 khẩu pháo phòng không ZU-23-2 cỡ nòng 23mm ngắm bắn và nã đạn tới tấp.

Có những viên đạn đã nổ ngay gần sát máy bay, tuy không hạ được nhưng có thể đã gây hư hại cho máy bay. Phi công Nga an toàn nhờ lớp giáp phòng hộ bao kín buồng lái có khả năng chống được đạn pháo tới 30mm.

Phiến quân nã đạn vào máy bay cường kích Su-25 Nga tóe lửa

Rõ ràng đây là lời cảnh báo trực tiếp và mạnh mẽ về nguy cơ bị phòng không mặt đất tấn công nhưng dường như Không quân Nga vẫn chẳng mấy bận tâm vẫn cho phi công lao vào khu vực mục tiêu ở độ cao thấp.

Đó là chưa kể tới khả năng phiến quân có thể triển khai trận địa phục kích với ít nhất 2 xạ thủ bắn cùng lúc nhằm tăng xác suất trúng đích. Tất nhiên kịch bản có thể không phải dễ dàng như thế bởi để bắn trúng được máy bay Nga còn phụ thuộc vào trình độ của xạ thủ tên lửa vác vai.

Và phiến quân đã làm được điều đó, không quân Nga phải trả cái giá rất đắt: mất máy bay, mất luôn cả phi công.

Dù sao thì hành động dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng của thiếu tá phi công Nga trước vòng vây của hàng chục tên khủng bố cũng khiến cả thế giới nể phục, anh xứng đáng được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga.

Sau vụ việc đau lòng này, chắc chắn Không quân Nga sẽ lại tiếp tục phải rút kinh nghiệm để tránh lặp lại những sự cố đáng tiếc như vậy.

Xe tăng bay Su-25SM3 của Không quân Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại