Kể từ khi máy bay tàng hình xuất hiện, nhiều quốc gia đã nhanh chóng phát triển phương án đối phó. "Một trong giải pháp sáng tạo đó là hệ thống radar Struna-1/Barrier-E của Nga", nhà bình luận về các vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia Charlie Gao đã nhận định như vậy trong bài báo mới đây trên Tạp chí Mỹ The National Interest.
Ngoài lớp sơn hấp thụ sóng radar, tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 của Mỹ phải dựa vào hệ thống gây nhiễu để đảm bảo khả năng tàng hình của mình trước radar đối phương. Hệ thống tác chiến điện tử trên các tiêm kích này sẽ nhận ra những tần số radar đã được nhận dạng từ trước và có biện pháp gây nhiễu thích hợp.
Tuy nhiên, không chỉ F-22 mà ngay cả F-35 cũng không thể mang chiếc áo tàng hình hoàn hảo như Mỹ tuyên bố. "F-22 và F-35 của Mỹ sẽ trở nên lạc hậu và dễ dàng bị hệ thống radar Struna-1/Barrier-E của Nga phát hiện", chuyên gia phân tích Charlie Gao khẳng định.
Hệ thống radar Struna-1/Barrier-E của Nga là sản phẩm của Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Vô tuyến Nizhny Novgorod (NNIIRT) trực thuộc Tập đoàn Almaz-Antey. Almaz-Antey là nhà sản xuất các hệ thống phòng không hàng đầu ở Nga.
Họ đã chế tạo các hệ thống phòng không như Tor, Buk và S-400 cũng như các hệ thống radar phát hiện mục tiêu. Hệ thống Struna-1 được phát triển vào năm 1999. Còn hệ thống Barrier-E được giới thiệu tại Triển lãm Hàng không quốc tế MAKS 2007. Theo nhiều nguồn tin, các hệ thống này sẽ được triển khai xung quanh Moscow.
Điểm khác nhau cơ bản giữa những hệ thống radar này so với các hệ thống radar thông thường chính là vị trí đặt máy thu và máy phát radar. Radar thông thường đều đặt máy thu và máy phát radar ở cùng một vị trí, khiến tín hiệu nhận được từ mục tiêu kém 4 lần cho với tín hiệu phát đi.
Điểm yếu này của radar thông thường tạo cơ hội cho máy bay tàng hình đối phương khó bị phát hiện. Trong khi đó, Struna-1 giải quyết vấn đề này bằng cách bố trí máy phát và thu tín hiệu ở hai vị trí khác nhau, làm tăng công suất so với radar thông thường. Điều này giúp radar nhạy hơn trước tín hiệu phản hồi từ mục tiêu.
Tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Nguồn: RIA Novosti.
Theo các nguồn tin của Nga, thiết kế này giúp tăng diện tích phản xạ radar (RCS) của mục tiêu gấp 3 lần so với radar thông thường, đồng thời vô hiệu hóa khả năng tán xạ sóng radar của vật liệu tàng hình.
Điều này cho phép phát hiện không chỉ máy bay tàng hình mà còn các vật thể khác có RCS nhỏ như tàu lượn và tên lửa hành trình. Dự kiến, Nga sẽ triển khai ít nhất 10 cụm đài thu- phát Struna-1 với khoảng cách tối đa giữa các cụm này là 50km.
Hệ thống radar Struna-1 có mức tiêu thụ năng lượng tương đối thấp, khiến chúng ít bị tổn thương trước vũ khí chống bức xạ của đối phương. Struna-1 với khả năng di động tạo điều kiện cho việc triển khai ở khu vực tiền phương khi nổ ra xung đột. Các hệ thống radar Struna-1 sử dụng sóng cực ngắn để kết nối với nhau cũng như liên lạc với trạm giám sát, được đặt cách xa hệ thống radar.
Các máy phát và máy thu được đặt độ cao cách mặt đất khoảng 25m, cho phép Struna-1 phát hiện mục tiêu tầm thấp tốt. Đó là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất đối với radar thông thường. Tuy nhiên, trạm radar Struna-1 cũng có nhược điểm như tầm hoạt động ngắn, chỉ theo dõi được mục tiêu ở độ cao tối đa 7 km.
Nhà bình luận Charlie Gao kết luận, Struna-1 sẽ trở thành mối đe dọa thực sự đối với máy bay của các nước NATO trong các cuộc xung đột tương lai. Hệ thống này kết hợp với các hệ thống radar khác của Nga sẽ đảm bảo cho việc cung cấp những thông tin quan trọng về vị trí, hướng chuyển động của các máy bay tàng hình.