Mới đây, Nga vừa giới thiệu tổ hợp phát sóng vô tuyến cao tần mới với tên gọi Listva. Tổ hợp vũ khí này này có khả năng quét sạch các thiết bị nổ điều khiển vô tuyến, cũng như các loại thiết bị điện tử trong phạm vi 100m mỗi lần phát xung.
Quân đội Nga dự kiến trang bị tổ hợp Listva đặt trên phương tiện chiến đấu để phát hiện các thiết bị nổ vô tuyến cài đặt ven đường và dùng xung vô tuyến cao tần để vô hiệu hóa chúng.
Vũ khí tương lai
Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự quốc tế, vũ khí tạo xung vô tuyến cao tần sẽ là phương thức tác chiến hoàn toàn mới và Nga là quốc gia đầu tiên thử nghiệm thành công. Dòng vũ khí này có thể dễ dàng vô hiệu hóa thiết bị điều khiển tên lửa hoặc trang bị điện tử trên máy bay trong khoảng cách nhiều km.
Vũ khí sóng vô tuyến cao tần sử dụng xung điện tần số cao (UHF) để đốt cháy và vô hiệu hóa phương tiện, sinh lực của đối phương.
Sự nguy hiểm vũ khí sóng vô tuyến cao tần là không sử dụng sát thương vật lý thông thường như vũ khí hạt nhân, mà sử dụng chùm hạt năng lượng cao để sát thương và phá hủy.
Về nguyên tắc hoạt động, vũ khí tạo xung vô tuyến cao tần có nhiều nét giống với vũ khí tạo xung điện từ (EMP) tạo ra xung điện tần số cao khiến các thiết bị điện tử của đối phương bị quá tải, đoản mạch và bị phá hủy.
Với Quân đội các nước hiện nay, một vụ tấn công bằng vũ khí vô tuyến cao tần đồng nghĩa với việc bị tê liệt hoàn toàn. Điểm đặc biệt của vũ khí xung vô tuyến cao tần là chúng cũng có khả năng sát thương đối với các sinh vật sống.
Xét ở nhiều khía cạnh, bom xung vô tuyến cao tần nguy hiểm hơn vũ khí hạt nhân khi nó có thể vô hiệu hóa cả quân đội đối phương khi được sử dụng đúng thời điểm.
Không giống như các thiết bị gây nhiễu chỉ tạo ra hiệu quả tạm thời, ngắn hạn, vũ khí xung vô tuyến cao tần gây hư hỏng nghiêm trọng đối với các phương tiện tác chiến, sinh lực của đối phương, kể cả khi nằm trong các hầm ngầm dưới lòng đất.
Cách đây vài ngày, giới truyền thông Nga từng công bố thông tin, Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đã thử tên lửa Alabuga được trang bị công nghệ tạo xung vô tuyến cao tần cực mạnh. Một đạn tên lửa Alabuga có khả năng phá hủy tất cả thiết bị điện tử của đối phương trong phạm vị 3,5km.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, vũ khí tạo xung vô tuyến cao tần cơ bản sẽ xóa sổ hệ thống dẫn đường của đối phương khi toàn bộ thiết bị điện tử bị biến thành "đồ đồng nát"; gây két hệ thống nạp đạn trên xe tăng, pháo binh, thậm chí gây nổ đạn trong nòng pháo; tiêu diệt sinh lực đối phương trong phạm vi ảnh hưởng.
Nga dự kiến sẽ ứng dụng công nghệ vũ khí xung vô tuyến cao tần lên máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 do nó có khả năng vô hiệu hóa phi công đối phương bằng chùm phát mang năng lượng cao.
Cuộc đua phát triển vũ khí xung năng lượng cao
Cùng với Nga, cả Mỹ, Israel và Trung Quốc cũng có các chương trình phát triển vũ khí xung năng lượng cao của mình. Trong chiến tranh Vùng Vịnh lần 1, năm 1991, Mỹ từng sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk để phát tán các sợi vật liệu các-bon siêu nhỏ. Đây chính là những thiết kế đầu tiên của vũ khí xung năng lượng cao.
Dòng vũ khí xung vô tuyến cao tần trên đã đạt hiệu quả ngoài mong đợi khi phá hủy hoàn toàn hệ thống điện lưới của Iraq để từ đó vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng và hệ thống phòng không của Baghdad.
Tất cả các thiết bị sử dụng điện đều là mục tiêu trực tiếp của vũ khí sóng vô tuyến cao tần.
Vũ khí xung vô tuyến cao tần tiếp tục được Mỹ và NATO sử dụng trong cuộc không kích nhằm vào Liên bang Nam Tư năm 1999. Trong hai tuần đầu không kích, hơn 400 quả bom điều khiển chứa vật liệu graphic và kim loại được sử dụng để vô hiệu hóa hệ thống phòng không của Nam Tư.
Các chương trình phát triển vũ khí xung vô tuyến cao tần của Israel và Trung Quốc dù không được công khai, nhưng chúng vẫn đang được âm thầm phát triển.
Dù được nhiều quốc gia ứng dụng, nhưng thử nghiệm thành công vũ khí tạo xung vô tuyến cao tần mới đây của Nga đã tạo ra dấu mốc mới của dòng vũ khí năng lượng cao này.
Giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định, vũ khí xung vô tuyến cao tần đang và sẽ tạo ra một cuộc chay đua phát triển vũ khí năng lượng cao mới, cũng như cách đối phó với chúng ở nhiều quốc gia trên thế giới.