Một trong những trở ngại lớn nhất cho bất kỳ đất nước nào muốn xây dựng ngành công nghiệp ô tô mang tên mình là cái bóng quá lớn của nhà sản xuất toàn cầu kỳ cựu gắn liền với quốc gia quê hương của họ. Họ đã có được mọi thứ, vốn, lao động, trí thức, thị trường và những sản phẩm gần như không thể thay thế ngoài chính "anh em trong nhà".
Thế nhưng, khi bước vào nguyên của những chiếc xe điện, một lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ngay cả những nhà sản xuất kỳ cựu, thì khoảng cách ấy được thu hẹp lại đáng kể. Có thể nói, xe điện có thể ví von "hòn sỏi" chàng David dùng để đánh bại gã khổng lồ Goliath hay chính là cơ hội để "san bằng lại tỷ số". Vậy thì, những nền công nghiệp ô tô "tân binh" này sẽ mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm xe điện đầu tiên như thế nào?
Thổ Nhĩ Kỳ
Năm 2018, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố về một kế hoạch xe hơi nội địa hoàn toàn được sản xuất trong nước vào năm 2021.
Nay, đúng như kế hoạch, mục tiêu đó đang gần hiện ngay trước mắt. Chiếc ô tô "cây nhà lá vườn" đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến tới sản xuất với việc lắp ráp thân xe ban đầu đã được hoàn thành.
Sản phẩm đến từ Tập đoàn liên doanh ô tô Thổ Nhĩ Kỳ (TOGG), một chiếc là sedan nhỏ gọn và chiếc còn lại là SUV phân khúc C. Cả hai xe đều có hệ thống truyền động hoàn toàn bằng điện. Việc sản xuất chiếc SUV sẽ bắt đầu vào năm tới còn chiếc sedan sẽ được thực hiện ngay sau đó. TOGG cũng đang chuẩn bị thêm ba mẫu xe nữa cho đến năm 2030.
Nguyên mẫu chiếc SUV điện đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Carscoops
Những chiếc SUV và sedan phiên bản đầu tiên sẽ đi kèm với một động cơ điện duy nhất đặt ở phía sau cho công suất 200 mã lực. Những khách hàng tìm kiếm thêm sức mạnh có thể sử dụng phiên bản biến thể với động cơ điện thứ hai đặt phía trước, tạo ra tổng công suất 400 mã lực. Chúng được trang bị pin dung lượng lớn (con số cụ thể chưa được công bố) cho phép xe có thể đi 500 km trong một lần sạc đầy và điều kiện lái lý tưởng. Xe cũng có khả năng sạc đầy 80% chỉ trong vòng chưa tới 30 phút.
Ảnh: Twitter Thổ Nhĩ Kỳ.
Malaysia
Thực tế, Malaysia đã làm ra được chiếc xe điện đầu tiên vào năm 1997, nhưng việc sản xuất và sử dụng khá hạn hẹp trong sự kiện thể thao hay trong doanh nghiệp, gần giống với xe golf hơn là một chiếc ô tô thực thụ.
Phải đến những năm gần đây, khi chính phủ ra Chính sách Ô tô Quốc gia 2020 (NAP2020) và Dự án Ô tô quốc gia mới (NNCP), các công ty mới thực sự bắt tay phát triển EV đầu tiên cho Malaysia.
Tuy nhiên, khác với Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia chưa có một cái tên nào rõ ràng khi NAP2020 bị chỉ trích vì thiếu sự rõ ràng và dứt khoát dành cho xe điện, khiến các công ty tỏ ra ngần ngừ.
Tuy nhiên, gần đây dự án xe điện "MyKar" (tên tạm gọi) của công ty khởi nghiệp EV Innovations đang tỏ ra nổi bật hơn cả.
MyKar có ngoại thất vay mượn từ Honda Jazz, nội thất ít tiện nghi, pin sạc lâu, công suất yếu, gói an toàn ở mức cơ bản. Đổi lại, nó có mức giá dự kiến dưới 300 triệu đồng.
Không có nhiều thay đổi với ngoại thất kể từ khi được giới thiệu vào tháng 11/2019. Nhìn chung, ngoại thất "MyKar" vay mượn đường nét từ Honda Jazz thế hệ trước, với cửa và hệ thống treo được lấy trực tiếp từ chiếc xe tài trợ này. Vỏ thân bằng sợi thủy tinh tổng hợp của EV, được chế tạo bởi DK Composites, nằm trên khung hình ống do EV Innovations chế tạo.
Bù lại, có những chỉnh sửa về động cơ. So với khi được trình diện vào tháng 9, MyKar được nâng cấp lên bộ pin dung lượng 28,7 kWh, tăng gấp đôi phạm vi di chuyển lên 300 km. Thời gian sạc đầy 4,3 giờ. Công suất vẫn như cũ, ở mức 24 kW (32 mã lực) và 295 Nm, nhưng hai động cơ trung tâm 12 kW dẫn động bánh sau đã được cấu hình lại về hiệu suất, đưa tốc độ tối đa lên 140 km/h.
MyKar có nhiều khả năng trở thành chiếc EV có giá thương mại tương đương 276 triệu đồng, nhưng công ty nói rằng bản thân họ không đủ lực để sản xuất ra một chiếc xe như vậy. Mục đích chính của công ty chỉ là nghiên cứu, phát triển công nghệ xe điện cho chính phủ. Khả năng sản xuất thương mại sẽ không quá xa vời khi công ty đã ký một biên bản thỏa thuận với Viện Ô tô, Robot và IoT của Malaysia (MARii) về tiềm năng của dự án để sẵn sàng đưa vào sản xuất. Có lẽ điều này sẽ giúp MyKar tránh vết xe đổ của chiếc SPA1 bên Thái Lan.
Thái Lan
Năm 2019, công ty điện lực Energy Absolute Pcl tuyên bố sẽ sản xuất đại trà chiếc xe điện có giá khoảng 38.000 USD, rẻ hơn chiếc xe điện Kia Soul hay Nissan Leaf. Về cơ bản, đó là một chiếc hatchback chạy điện 5 chỗ ngồi với phạm vi hoạt động 200km.
Chiếc xe điện SPA1 của Mine Mobility đã trình diễn tại triển lãm Bangkok Motor 2019. Khi ấy, công ty đã nhận được hơn 4.500 đơn đặt hàng.
Từng được xem như Tesla của Thái Lan nhưng chiếc xe điện SPA1 của Mine Mobility không gặp thời.
Tuy nhiên, COVID-19 đã khiến công ty taxi hủy đơn đặt hàng do làm ăn thua lỗ và SPA1 chưa hẹn ngày trở lại.
Không rõ số phận SPA1 sẽ ra sao, khi công ty điện lực Energy Absolute Pcl quyết định chuyển chiến lược xe điện từ ô tô con sang xe buýt, xe tải và tàu hỏa.
Phó Giám đốc điều hành Amorn Sapthaweekul nói với Bloomberg: "Xe buýt và xe tải sẽ là thị trường trọng điểm của chúng tôi. Chúng tôi không loại bỏ xe du lịch, nhưng chúng tôi phải đánh giá thị trường."
"Nếu chúng tôi nhảy vào thị trường đó ngay bây giờ, chúng tôi sẽ không tồn tại được. Khi tạo dựng được uy tín thương hiệu và mọi người tin tưởng vào thương hiệu của chúng tôi thì công ty có thể chuyển sang xe du lịch."
Việt Nam
Sau khi mát tay sản xuất ra xe máy điện, từ tháng 4/2021, VinFast chính thức công bố nhận đặt hàng mẫu ô tô điện đầu tiên VF e34, dự kiến sẽ bàn giao cho khách hàng vào tháng 11/2021. Mẫu xe này có giá niêm yết là 690 triệu đồng, đặt cọc trước với giá ưu đãi giảm 100 triệu đồng.
VinFast VF e34 được hãng xe Việt định vị ở phân khúc crossover hạng C nhưng có kích thước nhỏ gọn (4.300 x 1.793 x 1.613mm) phù hợp với không gian đô thị.
Xe sử dụng động cơ điện có công suất 110 kW, mô-men xoắn 242 Nm, kết hợp hệ dẫn động cầu trước và hộp số vô cấp. Bộ pin dung lượng 42 kWh, phạm vi hoạt động 300 km sau khi được sạc đầy ở điều kiện lý tưởng. Đặc biệt, VinFast có kế hoạch xây dựng hệ thống hơn 2.000 trạm sạc xe điện trên khắp Việt Nam đến cuối năm 2021, nên chủ xe không lo hết điện giữa đường.
Tuy nhiên, xe điện Việt Nam nói chung và VF e34 nói riêng, có thể vẫn chưa thực sự "bung lụa". Ngược lại với những nước trên, có chính sách thì có xe, ở Việt Nam, doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất xe điện với quy mô lớn, phát triển hạ tầng trạm sạc, nhưng chiến lược tổng thể phát triển xe điện đến nay lại chưa có.
Điều đó dẫn đến việc ô tô điện, mặc dù sử dụng công nghệ sạch, vẫn nằm trong danh mục đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ. Dù thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn so với xe chạy xăng, nhưng chừng nào còn bị đánh thuế thì rõ ràng ô tô điện vẫn đang bị kìm hãm phát triển bởi loại thuế này vốn đánh lên những mặt hàng tiêu dùng không khuyến khích.