Soi sức mạnh biến thể Abrams M1A2 SEPv3 của Mỹ

Lê Ngọc |

Xe tăng giữ vai trò chủ chốt trong bất cứ quân đội hiện đại nào và là biểu tượng sức mạnh của các siêu cường quân sự thế giới.

Dòng tăng Abrams trứ danh

Xe tăng được coi quả đấm thép của Lục quân, sở hữu một lực lượng tăng hùng mạnh đồng nghĩa với cơ hội chiến thắng trên chiến trường rất cao.

Trong kỉ nguyên của chiến tranh du kích và đối đầu tầm xa, tuy không còn là tiêu chí hàng đầu để đánh giá sức mạnh của quân đội một quốc gia, các chiến xa này vẫn giữ vai trò chủ chốt trong bất cứ quân đội hiện đại nào và là biểu tượng sức mạnh của các siêu cường quân sự thế giới.

Abrams là xe tăng do hãng General Dynamics của Mỹ sản xuất năm 1980, theo thiết kế của Chrysler Defense, mang tên Abrams-để vinh danh Creigton W Abrams Jr (1914-1974) - cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (cũng từng là Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở miền Nam Việt Nam (1968-1972)), nhằm thay thế M26 Persing được quân đội Mỹ dùng từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đến những năm 1980.

Abrams đã tham gia chiến tranh vùng Vịnh, Afghanistan, một số xung đột khác ở Trung Đông và hiện đang có trong trang bị quân đội 7 nước.

Tăng Abrams có 10 phiên bản, với IPM1 - phiên bản đầu và M1A2 SEPv3 là phiên bản mới nhất. Abrams nặng 67-73 tấn, dài 9,77m, rộng 3,66m, cao 2,44m, kíp xe 4 người; tầm hoạt động khoảng 450km, tốc độ đường nhựa khoảng 60-70 km/h, việt dã 45 - 55km/h; có thể vượt dốc 30 độ, tường cao 1,2m, hào rộng đến 2,77m và ngầm sâu 1,2m.

Dòng tăng M1 đầu tiên có pháo nòng rãnh xoắn cỡ 105mm, các biến thể về sau sử dụng pháo nòng trơn 120mm. Ước tính, hơn 9.000 chiếc đã được chế tạo (giá 9,5-12 triệu USD/phiên bản M1A2, thời giá 2015).

Abrams được lắp hệ thống chống vũ khí hủy diệt lớn - lọc độc không khí và tạo áp suất dư trong khoang chiến đấu. M1A2 là xe tăng đầu tiên trên thế giới sử dụng động cơ tua bin khí (AGT-1500 suất 1.500 mã lực) đa nhiên liệu, ngoài ra, được gắn các thiết bị cảm biến phát hiện vũ khí hóa học, sinh học và phóng xạ, thiết bị phòng cháy.

Nó có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 3.000m ban đêm và 1.200m - trong điều kiện sương mù. Với hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, M1A2 có thể bắn hạ mục tiêu ở khoảng cách 1.850m bằng một viên đạn khi đang hành tiến với tốc độ 40km/h.

Có khoảng 5.000 xe tăng M1 với các biến thể đa dạng đang thuộc biên chế của bộ binh và lính thủy đánh bộ - là “xương sống” của các đơn vị bọc thép Mỹ trong suốt 30 năm qua.

Nhờ không ngừng cải tiến, được trang bị giáp uranium, theo xếp hạng top 10 loại xe tăng tốt nhất thế giới năm 2018 của trang Military Today, phiên bản M1A2 SEP xếp thứ 3 - trên Armata và T-90 của Nga, chỉ xếp sau K2 Black Panther (Hàn Quốc) và Leopard 2A7 (Đức).

Mỹ đang phát triển phiên bản mới М1А2 SEPv4 (M1A2D) nhẹ hơn SEPv3 nhờ giảm thiểu khối lượng trang thiết bị điện tử, đồng thời nâng cao khả năng hệ thống giáp phòng thủ.

Phiên bản mới sẽ được trang bị thiết bị đo xa bằng laser và tích hợp với trí tuệ nhân tạo, kết nối các xe tăng với các phương tiện khác (phương tiện mặt đất không người lái, máy bay không người lái), sử dụng đạn dẫn đường chính xác tấn công các mục tiêu ngoài tầm nhìn.

Pháo cải tiến, hoặc biến thể nòng dài hơn cỡ 120mm hoặc lớn hơn có thể sẽ là một phần của biến thể mới trước khi Mỹ chuyển sang phát triển dự án xe tăng chủ lực mới trong tương lai.

Sức mạnh đáng gờm của biến thể Abrams M1A2 SEPv3

Lầu Năm Góc đang yêu cầu Quốc hội Mỹ chi tới 718 tỷ USD cho ngân sách tài khóa 2020, trong đó có 2,2 tỷ USD cho 165 xe tăng Abrams nâng cấp và 6 tỷ USD tổng thể, cho tăng chủ lực M1 Abrams lên chuẩn M1A2C - còn gọi là M1A2 SEPv3 (System Enhancement Package - SEP - gói nâng cấp hệ thống) - bao gồm tích hợp hệ thống kiểm soát hỏa lực tinh vi, hiện đại hóa hệ thống điện tử thân xe, thay thế động cơ và tăng cường pin nguồn bổ sung.

Phiên bản M1A2 SEPv3 được coi là xe tăng kỹ thuật số tiên tiến nhất trên thế giới với hỏa lực nâng cấp, mức độ bảo vệ và cơ động vượt trội, có tính năng kỹ chiến thuật vượt xa những biến thể cũ M1A1 và M1A2, thậm chí còn trội hơn cả T-90M Proryv-3 của Nga.

M1A2 SEPv3 được trang bị đại trà hệ thống phòng vệ chủ động Trophy do Israel sản xuất, có khả năng vô hiệu hóa mọi loại đạn xuyên lõm, đạn xuyên động năng.

Các xe tăng M1A2 của quân đội Mỹ tại Grafenwöhr (Đức) đã được trang bị tổ hợp TUSK vào hồi đầu 2017, tuy nhiên khi tác chiến trong đô thị, tổ hợp này chỉ bảo vệ phía sườn của phần thân và tháp pháo trước các loại đạn xuyên lõm.

Soi sức mạnh biến thể Abrams M1A2 SEPv3 của Mỹ - Ảnh 1.

M1A2C - phiên bản Abrams mới nhất. Ảnh: General Dynamics Land systems

Trophy với 4 radar mảng pha chủ động EL/M-2133 có thể phát hiện mục tiêu 360 độ quanh xe và 2 hộp phóng đạn phân mảnh kiểu cò quay trên tháp pháo M1A2 SEPv2/3 sẽ bảo vệ xe tăng này khỏi tên lửa chống tăng của đối phương tấn công từ mọi hướng.

Để qua “cửa” này, đối phương phải phóng liên tục (với tần suất ngắn) vài quả tên lửa chống tăng hoặc sử dụng đạn loại 7P53 «Kryuk» (RPG-30) giả làm tên lửa để đánh lạc hướng nhận diện đạn phân mảnh của Trophy.

Thân xe và tháp pháo tích hợp các tổ hợp mới ngăn chặn nguy cơ từ các loại vũ khí nổ tự chế (IED), hệ thống tác chiến điện tử CREW Duke V3 chống vũ khí nổ tự chế điều khiển radio IED (RCIED).

Thông tin chi tiết về loại giáp phản ứng nổ trên biến thể M1A2 SEPv3 chưa được công bố, nhiều khả năng đây là sản phẩm của chương trình phát triển gói áo giáp thế hệ tiếp theo (NGAP).

Hai bên tháp pháo gắn hệ thống phóng lựu đạn khói sáu nòng M250 ngoài khả năng tạo màn khói từ hệ thống ống xả khí thải động cơ. Các thiết bị này sẽ được lắp đặt trên các xe tăng M1A2/SEP của 3 lữ đoàn tăng thiết giáp quân đội Mỹ đang đồn trú tại Trung và Đông Âu, cũng như tại các nước Baltic (chủ yếu tại Latvia).

M1A2 SEPv3 có vũ khí chính là pháo nòng trơn M256 120mm, có thể bắn đạn xuyên giáp dưới cỡ BOPS M829A4 (thế hệ 5) và đạn đa nhiệm (AMP) tiên tiến tiêu diệt xe bọc thép, sinh lực và các phương tiện bay tầm thấp, ngoài súng máy 12,7mm trên tháp pháo, súng máy đồng trục 7.62mm.

Nó được trang bị động cơ tua-bin khí Honeywell AGT1500 (1.500 mã lực), có mức tiêu hao nhiên liệu thấp hơn các phiên bản trước đó, được trang bị trạm nguồn phụ, đáp ứng năng lượng cho các trang thiết bị thân xe không cần nổ máy động cơ chính trong trường hợp đỗ tại chỗ và nạp điện cho ắc quy.

M1A2 SEPv3 được trang bị hệ thống kính ngắm hồng ngoại bước sóng trung bình và dài cải tiến (IFLIR) để phát hiện và ngắm bắn mục tiêu tầm xa hiệu quả hơn. Hệ thống điều khiển vũ khí từ xa CROWS được trang bị một camera quan sát ngày nâng cấp công nghệ hình ảnh kết hợp với hình ảnh của các camera (FOV) khác nhau.

Xạ thủ có trường nhìn lớn hơn đến 340% so với trước đây.

Xe tăng có hệ thống cơ sở dữ liệu đạn pháo (ADL - Ammunition DataLink) đảm bảo lập trình cho các loại đạn M829A4 và AMP, gồm bệ khóa nòng sửa đổi, hệ thống kiểm soát hỏa lực điện tử và nâng cấp phần mềm xử lý trung tâm, cho phép bắn đạn được lập trình với phạm vi từ 50m đến 2.000m.

Hiện tại quân đội Mỹ có 16 lữ đoàn tăng và Lầu Năm Góc đã quyết định sẽ trang bị lại cho các lữ đoàn này phiên bản M1A2C vào năm 2025 - phiên bản đã tham gia tập trận quốc tế mang tên Justice Eagle 18 tại thị trấn Smardan (Romania).

Nhằm tạo áp lực lên Nga và trấn an các quốc gia đồng minh thuộc khối NATO, Mỹ mới đây tuyên bố sẽ triển khai một lữ đoàn xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại hóa sâu thuộc biến thể M1A2C tới khu vực châu Âu sát biên giới Nga với kỳ vọng sẽ bẻ gãy đợt tấn công bằng chiến thuật "dòng thác xe tăng" mà lục quân Nga vẫn thường sử dụng, màu sơn của những chiếc M1A2C mới sẽ mang sắc xanh lá chứ không phải vàng sa mạc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại