Sohu: Nga đã "xỏ mũi" thế giới suốt thời gian qua về vũ khí siêu thanh, TQ mới là vua giấu mặt

Bảo Lam |

"Chúng ta có thể dũng cảm kết luận rằng, trong suốt thời gian qua người Nga đã 'xỏ mũi' chúng ta, và trên thực tế họ không hề có vũ khí siêu thanh trong biên chế" - Sohu viết.

"Nga có thể đã lừa dối chúng ta"

Một bài viết đăng trên trang mạng Sohu của Trung Quốc cho hay, Nga là quốc gia đứng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo vũ khí siêu thanh, song có điều gì đó không hợp lý ở đây. Cả thế giới đều nghe về tên lửa Zircon (hay Tsirkon) và Avangard nhưng tại sao cho đến nay vẫn không ai được tận mắt nhìn thấy chúng?

Trong thời gian gần đây, những cuộc tranh cãi nảy lửa về vũ khí siêu thanh chưa hề dừng lại. Đề tài về tên lửa Dongfeng-17 (DF-17) - lần đầu tiên được trình làng trong Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Quốc khánh Trung Quốc hôm 01/10/2019 - thường xuyên được nhắc đến.

Các chuyên gia phân tích cho biết, tên lửa này của Trung Quốc có khả năng xuyên phá cực mạnh để tiếp cận mục tiêu, nó được phóng theo kiểu thẳng đứng. Phần lớn quỹ đạo bay được thực hiện theo hình parabol.

Căn cứ vào nhiệm vụ trước và sau khi trở về tầng khí quyển, tên lửa có thể thay đổi quỹ đạo trong hành trình bay. Những tính năng như thế sẽ gây khó khăn cho đa số các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có trên thế giới.

Tuy nhiên, những tranh cãi mới đây trên internet về tên lửa DF-17 bất ngờ khiến người Trung Quốc nhận thấy một điều không thể phủ nhận: "Nga trong suốt thời gian qua có thể đã lừa dối chúng ta".

"Mặc dù người Nga khẳng định rằng họ đã đưa vào vận hành các tên lửa siêu thanh, tuy nhiên trên thực tế, tên lửa DF-17 có thể là vũ khí siêu thanh duy nhất đã được đưa vào biên chế quân đội trên thế giới" - Sohu viết.

Mỹ cũng đã chế tạo tên lửa siêu thanh nhưng vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Tính tới năm 2020, Mỹ đã thực hiện ít nhất 48 cuộc thử nghiệm tên lửa loại này.

Tên lửa Avangard của Nga rời hầm phóng. Nguồn: RT

Trung Quốc mới là "vua giấu mặt"

Theo Sohu, Nga đã đạt được những kết quả nhất định trong lĩnh vực chế tạo tên lửa siêu thanh. Đầu thập niên 90, Nga từng thực hiện nghiên cứu dự án “Kholod” với sự tài trợ của Mỹ. Dự án này nhằm chế tạo một dạng động cơ siêu thanh, nó đã được thử nghiệm lắp đặt.

Dự án thành công, tuy nhiên người Mỹ đã lấy toàn bộ kết quả. Sau này họ cũng nhận dữ liệu về “nguyên mẫu máy bay siêu thanh thử nghiệm” - một phần của dự án tên lửa Kh-90 và đã được chế tạo trên cơ sở tên lửa chống hạm Kh-22. Người Mỹ tự sao chép mẫu máy bay siêu thanh thử nghiệm và hoàn thành bay thử.

Dựa trên dữ liệu của Mỹ, Nga hiện nay cho ra đời 3 loại tên lửa siêu thanh: Avangard, Kinzal và 3M-22 Zircon.

Sohu: Nga đã xỏ mũi thế giới suốt thời gian qua về vũ khí siêu thanh, TQ mới là vua giấu mặt - Ảnh 2.

Hình ảnh mô phỏng Zircon trong khi bay; Nguồn; videowebtube.news

Động cơ lắp đặt trên tên lửa Zircon và trên mẫu máy bay siêu thanh thử nghiệm X-51A của Mỹ có nhiều điểm tương đồng.

Cần lưu ý rằng, Zircon đã là mẫu vũ khí chiến đấu, trong khi X-51A chỉ là thiết bị bay thử nghiệm. Thêm vào đó, Zircon đã phóng thử nghiệm thành công từ bệ phóng thẳng đứng trên tàu chiến của Nga. Điều này cũng có nghĩa Nga đang bỏ xa Mỹ trong lĩnh vực chế tạo vũ khí siêu thanh.

Tuy nhiên, theo Sohu, mặc dù Nga khẳng định rằng Zircon đã được khai thác nhưng trên thực tế, tên lửa này chưa một lần được giới thiệu. Các quan chức Nga cho đến nay vẫn chưa xác nhận sự tồn tại của nó.

Trang mạng Trung Quốc nhận định, căn cứ vào "phong cách" công bố thông tin của Nga trước nay, nếu trong trường hợp này, đúng là tên lửa trên có tồn tại thì chính phủ Nga đã không giữ bí mật.

Điều tương tự cũng có thể xảy ra với tên lửa siêu thanh Avangard. Bất chấp việc các hình ảnh về bệ phóng và ống phóng đã được công bố, nhưng người ta vẫn chưa nhìn thấy tận mắt tên lửa siêu thanh Avangard.

"Do đó, chúng ta có thể nghi ngờ về sự tồn tại của tên lửa này" - Sohu kết luận.

Sohu: Nga đã xỏ mũi thế giới suốt thời gian qua về vũ khí siêu thanh, TQ mới là vua giấu mặt - Ảnh 3.

Tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga. Ảnh: Aviationist

Liên quan tới mẫu tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Kinzal phóng từ mặt đất và máy bay, theo Sohu, nó không phù hợp với định nghĩa khoa học của tên lửa siêu thanh.

"Chúng ta có thể dũng cảm kết luận rằng, trong suốt thời gian qua người Nga đã 'xỏ mũi' chúng ta, và trên thực tế họ không hề có vũ khí siêu thanh trong biên chế. DF-17 là mẫu tên lửa siêu thanh duy nhất được đưa vào biên chế quân đội trên thế giới" - Sohu kết luận.

Cuối cùng, theo trang mạng Trung Quốc, những thông tin từng đăng tải tại Mỹ trước đây đã cho thấy Trung Quốc có số vụ thử nghiệm được tiến hành thành công nhiều hơn cả, và không có lý do để “trả lại” ưu thế này cho Nga.

Mặc dù các phương tiện truyền thông Mỹ khẳng định rằng Nga là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh nhưng Sohu khẳng định, trên thực tế chính Trung Quốc có thể mới là “ông vua giấu mặt” trong lĩnh vực này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại