Sân chơi chỉ của Nga và Trung Quốc
Theo các điều khoản của Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) về thỏa thuận hạt nhân của Iran ký năm 2015, lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Iran sẽ hết hạn vào tháng 10 năm 2020.
Từ những nguồn tin đáng tin cậy cho biết, khi lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran kết thúc, Tehran dự kiến sẽ công bố đơn đặt hàng cho ít nhất một lớp máy bay chiến đấu mới vào cuối năm nay, hoặc đầu năm 2021, để thay thế đội máy bay chiến đấu đã hết date của nước này.
Các quốc gia phương Tây có khả năng cung cấp máy bay chiến đấu đã bị loại khỏi danh sách các nhà xuất khẩu thiết bị quân sự tiềm năng của Iran và như vậy chỉ có Nga và Trung Quốc, là nhà cung cấp chính máy bay chiến đấu trong giai đoạn này.
Do lệnh cấm vận kinh tế của phương Tây kéo dài nhiều năm, cộng với việc giá dầu lao dốc, nên Iran đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, ngân sách quốc phòng bị cắt giảm sâu. Do vậy, họ không đủ kinh phí dư dả để mua loại máy bay chiến đấu có nhiều tính năng vượt trội như loại Su-35 của Nga.
Thậm chí cả ngay khi các nước phương Tây đi ngược ý chí của Mỹ, kiên quyết cung cấp máy bay chiến đấu cho Iran, thì Iran cũng không thể đủ "hầu bao" để tậu. Ví dụ, chiến đấu cơ Rafale với mức giá 200 triệu USD (tùy theo cấu hình), và việc mua những loại máy bay như vậy sẽ không nằm trong kế hoạch mua sắm ngắn hạn của Tehran.
Năm 2015, khi JCPOA mới được ký kết, lúc đó Không quân Iran coi máy bay chiến đấu của Nga là sự lựa chọn duy nhất không thể tranh cãi. Điều này đã được cả phương tiện truyền thông Tehran và Nga đưa tin.
Khi đó đã có những cuộc tiếp xúc đàm phán bí mật giữa Nga và Iran để cung cấp loại chiến đấu cơ đa nhiệm hạng nặng Su-30 và 30 chiếc máy bay huấn luyện Yak-130 cho Không quân Iran.
Nhưng trong 5 năm trôi qua, tình hình quốc tế và chiến lược phòng thủ của Iran đã có nhiều thay đổi. Iran từ bỏ máy bay chiến đấu hạng nặng, để chuyển sang các loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ, chỉ với nhiệm vụ đảm nhiệm phòng không trong không phận. Do vậy, Tehran không còn cần máy bay tầm xa hạng nặng như Su-30.
Hiện nay, để đảm nhiệm tiến công tầm xa, Iran đã có tên lửa đạn đạo tầm xa và các loại máy bay không người lái vũ trang hạng nặng. Nhiệm vụ quan trọng trước mắt là bảo đảm an ninh không phận trong nước bằng những máy bay đánh chặn hạng nhẹ, có sức cơ động tốt, nhưng giá thành vừa phải.
Hai loại máy bay có thể được Iran lựa chọn là MiG-35 của Nga và J-10C của Trung Quốc, cả hai loại máy bay này đều thuộc thế hệ 4++, mới được nâng cấp và phát triển, dễ dàng có thể tích hợp vào mạng lới phòng không của Iran và có giá tương đối dễ chịu, nguồn cung tương đối nhanh.
MiG-35 là loại máy bay hai động cơ, còn J-10C của Trung Quốc là loại một động cơ, rẻ hơn MiG-35, nhưng không quá nhiều.
Các tiêm kích thế hệ 4++: J-10C (trái) của Trung Quốc và MiG-35 của Nga. Ảnh: MW
Thuyết âm mưu chống lại máy bay của Nga
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, MiG-35 thích hợp với không quân Iran hơn J-10C với các lý do. Thứ nhất, MiG-35 có khả năng cơ động tốt hơn và phù hợp hơn để đánh chặn những mục tiêu trên không.
Thứ hai, vũ khí của MiG-35 có khả năng đe dọa với máy bay phương Tây hơn là vũ khí của Trung Quốc.Ví dụ, tên lửa không đối không R-37M, có khả năng tấn công chính xác, xa và nhanh hơn so với tên lửa cùng loại PL-15 của Trung Quốc.
Thứ ba, các phi công và kỹ thuật viên Iran sẽ không cần phải đào tạo lại trong một thời gian dài, bởi vì họ có kinh nghiệm khá tốt trong việc vận hành MiG-29A, đã có trong biên chế lực lượng không quân Iran từ đầu thập niên 1990.
MiG-35 có một số điểm cộng, nhưng theo các đánh giá của các chuyên gia quân sự, có thể Iran sẽ "chấm" J-10C. Lý do là gần đây, truyền thông Iran bắt đầu có những bài viết chỉ trích về việc "bắt cá hai tay" của Nga trong việc mua bán các loại vũ khí, khí tài quân sự.
Trong khi đó, Bắc Kinh biết bảo vệ những giá trị của họ, mặc dù họ là đối tác thương mại số 1 của Mỹ, nhưng khi cần thiết, họ vẫn đứng ra bảo vệ Iran.
Tiêm kích J-10, một ứng viên có khả năng được lựa chọn cho Không quân Iran
Danh sách bất bình của Iran đối với Moscow khá nhiều, mặc dù xem Iran là đồng minh không tuyên bố, nhưng Nga đã không có những hành động trợ giúp Iran trong việc chống lại đại dịch Covid-19, nhưng lại có hành động trợ giúp Mỹ.
Nhưng sự việc trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm giữa hai nước, gần đây truyền thông Iran cáo buộc Nga đã cung cấp cho Israel những thông tin tình báo có giá trị, bao gồm các mã bí mật của mạng lưới phòng không Syria, cho phép không quân Israel tấn công vào các mục tiêu trong lãnh thổ Syria, mà mạng lưới phòng không của Syria dù nhiều tầng, nhưng không thể ngăn chặn được Không quân Israel.
Đối với đồng minh Syria đã là như vậy, điều gì sẽ ngăn Moscow giải mật mã cho R-37M để ngăn chặn việc sử dụng các tên lửa này chống lại máy bay của Israel?
Có thể đó chỉ là nguồn tin của thuyết âm mưu nhưng các nhà báo Iran khẳng định, họ trích dẫn các nguồn tin bí mật của họ từ trong giới tình báo quân sự (?).
Cơ sở để họ có niềm tin vì, hệ thống phòng không của Syria được Nga trang bị và nâng cấp, do vậy không có lý do gì mà không thể bắn hạ được máy bay của Israel, nếu không có sự tiết lộ bí mật của Nga về hệ thống phòng không của Syria cho phía Israel?
Máy bay MiG-29UB của không quân Iran
Lý do nào khiến Iran không chọn MiG-35?
Thứ nhất, tình hình mua bán trên thị trường vũ khí toàn cầu đã thay đổi trong 5 năm qua, đây là thực tế hết sức quan trọng. Cách đây 5 năm, khi đó J-10C chưa được thương mại hóa, vẫn đang sản xuất phục vụ nhu cầu của Không quân Trung Quốc.
Khi đó, Iran chỉ có sự lựa chọn là Nga nhưng hiện nay, khi nhu cầu của Không quân Trung Quốc được đáp ứng tương đối đầy đủ, thì lợi thế của MiG-35 với J-10C sẽ không còn như trước.
Thứ hai là do ảnh hưởng của lệnh cấm vận (các giao dịch bằng USD với Tehran vẫn bị Washington cấm), nên Iran không dồi dào ngoại tệ để mua máy bay chiến đấu bằng "tiền tươi".
Có vẻ như Iran đã đề nghị Moscow và Bắc Kinh lựa chọn "đổi dầu lấy máy bay". Nga lại đang là quốc gia xuất khẩu dầu đứng đầu thế giới, và họ không muốn làm điều đó nhưng Trung Quốc có thể dễ dàng thay thế đồng USD bằng dầu của Iran.
Dù rất cố gắng, tiêm kích thế hệ 4++ MiG-35 là dòng chiến đấu cơ lận đận nhất của Nga
Thứ ba, trên thực tế, Nga cũng là quốc gia chịu nhiều sức ép của Mỹ và phương Tây khi cung cấp vũ khí cho nước thứ 3. Có thể kể ra đây đó là việc Nga "đóng băng" hợp đồng vũ khí với Iran vào đầu những năm 1990, khi có ý định bán cho Iran nhiều MiG-29 và cả MiG-31.
Cũng dưới áp lực của phương Tây, Nga đã từng đình chỉ việc cung cấp hệ thống phòng không S-300, mà Iran đã đặt mua vào đầu những năm 2010, cũng như việc hủy bỏ kế hoạch cung cấp cho Syria, một đối tác quốc phòng thân cận của Iran loại máy bay đánh chặn MiG-31.
Thứ tư, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều tiền vào một số loại tên lửa không đối không, đã thẳng thắn tuyên bố rằng, tất cả đối tác mua J-10, sẽ tự động được tiếp cận với các loại vũ khí hàng không, mới được phát triển ở Trung Quốc.
Do việc hiện đại hóa tên lửa tiến công ngoài tầm nhìn PL-15, Trung Quốc tạo ra loại tên lửa hàng không tiên tiến, cộng với giá rẻ, khiến J-10C của Trung Quốc có triển vọng bán hàng tốt hơn MiG-35 của Nga. Có lẽ đây là một động thái tiếp thị, tuy nhiên, đã làm tăng đáng kể sức hấp dẫn của J-10C đối với khách hàng bị cấm vận gay gắt như Iran.
Từ những vấn đề trên, các chuyên gia quân sự Nga đã phải cay đắng thừa nhận rằng, Người Iran sẽ báo hiệu sự kết thúc kỷ nguyên vĩ đại của máy bay chiến đấu Liên Xô mà Nga đang được thừa hưởng, cùng với đó là sức ép của Mỹ và phương Tây đối với vũ khí của Nga, đã tạo ra những rủi ro nguy hiểm cho tương lai của ngành công nghiệp quốc phòng Nga./.
MiG-35, tiêm kích thế hệ 4++ của Nga phô diễn sức mạnh