Hôm 23/3, Bộ Tư lệnh Lực lượng Tác chiến Đặc biệt của Ukraine đã công bố một video cho thấy các lực lượng nước này tấn công một hệ thống radar Zoopark của Nga ở khu vực Donetsk. Trong thông báo trên Telegram, cơ quan báo chí của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết: "Các binh sỹ thuộc Lực lượng Tác chiến Đặc biệt đã phối hợp với một đơn vị của Lực lượng Phòng vệ phá hủy một mục tiêu lớn theo hướng Donetsk, đó là hệ thống radar trinh sát và điều khiển hỏa lực 1L220 Zoopark-2 của Nga". Động thái này diễn ra hai ngày, sau khi Điện Kremlin tuyên bố phá hủy 3 hệ thống radar phản pháo AN/TPQ-37 "Firefinder" do Mỹ cung cấp cho Ukraine.
Tổ hợp radar Zoopark-1M của Nga. Ảnh: Reuters
Phát biểu với Newsweek, ông Matthew Cancian, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Chiến tranh Hải quân (Naval War College) cho biết: "Cả hai loại radar này đều được sử dụng để chống lại hỏa lực của đối phương. Điều này có nghĩa là trong trường hợp bị pháo binh tấn công, nếu có các radar đó, chúng ta sẽ biết vị trí khai hỏa của đối phương ở đâu và có thể sử dụng pháo binh để tấn công đáp trả. Việc sử dụng các radar này cho thấy tầm quan trọng của pháo binh trên chiến trường Ukraine. Mặc dù có sự xuất hiện của nhiều vũ khí công nghệ cao, nhưng pháo binh vẫn đóng vai trò thiết yếu trong suốt cuộc xung đột, đặc biệt là những hệ thống pháo sử dụng các loại đạn nặng tới 45kg".
Khu vực Donetsk tiếp tục tâm điểm chú ý của cả quân đội Nga và Ukraine. Thành phố Bakhmut ở Donetsk đã trở thành điểm nóng nhất trên mặt trận miền Đông kể từ tháng 7/2022, nơi chứng kiến những cuộc giao tranh dữ dội trong bối cảnh cả Ukraine và Nga đều đổ quân, xe tăng và pháo binh về đây.
Hệ thống radar Zoopark của Nga
Có hai phiên bản của hệ thống radar Zoopark gồm Zoopark-1 và Zoopark-2.
Zoopark-1 là radar trinh sát và điều khiển hỏa lực của Nga do công ty Tula Strela phát triển, bắt đầu đưa vào hoạt động năm 1989. Hệ thống được trang bị một radar mảng pha quét điện tử thụ động. Phiên bản Zoopark-1M của hệ thống được triển khai từ năm 2016. Zoopark có thể phát hiện đến 70 trận địa pháo trong vòng một phút, đồng thời có thể theo dõi đến 12 mục tiêu.
Mạng tích hợp dữ liệu OE (ODIN), chuyên phân loại vũ khí trên toàn thế giới cho rằng, 1L260 Zoopark-1M, có thể tự động xác định tọa độ các phương tiện hỏa lực đối phương khi khai hỏa, chẳng hạn như súng cối, lựu pháo, bệ phóng tên lửa và tên lửa đạn đạo chiến thuật. Tổ hợp radar này cũng được sử dụng để tính toán quỹ đạo đường đạn và điều chỉnh hỏa lực của lực lượng pháo binh. Một hệ thống Zoopark-1M chuẩn một có xe chở hệ thông trinh sát mặt đất 1L216, một xe bảo trì 1I38 và một xe chở máy phát điện ED60.
Deagel - trang web chuyên cung cấp thông tin về thiết bị quân sự và hàng không dân dụng cho biết, Nga cũng có thể sử dụng hệ tổ hợp này để giám sát các hệ thống pháo binh của chính họ. Theo một số báo cáo, tổ hợp radar Zoopark-1 có thể phát hiện vị trí khai hỏa đạn pháo từ 82 đến 120 mm, ở khoảng cách 17 km; lựu pháo cỡ 105 đến 155 mm ở khoảng cách 12 km; hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) ở khoảng cách 22 km và tên lửa chiến thuật cách xa tới 45 km.
Theo ODIN, tổ hợp radar Zoopark-2, ra mắt vào năm 1999, có khả năng phát hiện vị trí của súng cối, đại bác, rocket và các khẩu đội tên lửa chiến thuật. "Zoopark-2 có thể tính toán các điểm tác động của hỏa lực đối phương. Tổ hợp này có một hệ thống điều hướng bên trong cho phép nó hoạt động tự động. Ngoài ra, tổ hợp còn được trang bị một bộ thông tin liên lạc cho nhiệm vụ chỉ huy và kiểm soát", theo cáo báo của ODIN.
Ông Jordan Cohen, nhà phân tích chính sách quốc phòng và đối ngoại tại Viện CATO nhận định: "Zoopark-2 về cơ bản đã giải quyết các vấn đề liên quan đến độ chính xác mà Zoopark-1 gặp phải thông qua việc tích hợp phần mềm và phần cứng mới, giúp khảo sát thực địa hiệu quả hơn".
Radar AN TPQ-37 đang làm nhiệm vụ. (Nguồn: Top War)
Hệ thống radar phản pháo Firefinder
Theo ODIN, hệ thống radar phản pháo AN/TPQ-37 Firefinder do Công ty Máy bay Hughes phát triển vào cuối những năm 1970 và được triển khai vào năm 1980. Sau đó, nó tiếp tục được Northrop Gumman và Raytheon Systems sản xuất từ năm 1982 đến nay. Ngoài Mỹ và Ukraine, nhiều quốc gia khác như Australia, Bồ Đào Nha và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sử dụng hệ thống này.
ODIN cho biết: "AN/TPQ-37 là radar điều khiển điện tử, quét một khu vực với góc rộng 90 độ để phát hiện tên lửa, đạn pháo hoặc đạn súng cối của đối phương đang bay tới. Khi phát hiện đường đạn của đối phương, hệ thống sẽ xác định vị trí khai hỏa, sau đó sẽ bắt đầu theo dõi và tiếp tục tìm kiếm các mục tiêu mới".
Tổ hợp AN/TPQ-47 là phiên bản cải tiến của hệ thống AN/TPQ-37. ODIN cho biết, phạm vi rà soát của AN/TPQ-47 lớn hơn so với hệ thống cũ, ngoài ra, thời gian lắp đặt và thay thế nhanh hơn, đồng thời cần rất ít nhân lực cho quá trình vận hành hoặc bảo trì.
Theo nhà phân tích Cohen, Zoopark có phạm vi hoạt động lớn hơn so với Firefinder. Để khắc phục vấn đề này, Mỹ đã cung cấp cho Ukriane hệ thống radar AN/MPQ-64 Sentinel 3-D có phạm vi hoạt động tương đương với Zoopark.
Biên tập viên Guy McCardle của tạp chí quân sự SOFREP (Mỹ) cũng cho rằng, Zoopark vượt trội so với Firefinder về phạm vi hoạt động. Ông lưu ý, Zoopark có thể phát hiện vị trí khai hỏa đạn pháo cách xa hơn 22km và tên lửa cách xa 45km. Trong khi đó, Firefinder chỉ có thể phát hiện vị trí khai hỏa đạn pháo ở khoảng cách 14km và tên lửa ở khoảng cách 24km./.