Sở hữu lợi thế áp đảo, chiến thuật triển khai UAV của Nga có gì khác Ukraine?

Kiều Anh |

Trong khi Ukraine chỉ triển khai UAV khi “có mục tiêu" thì Nga, với lợi thế áp đảo về số lượng, đã triển khai liên tục phương tiện này để phát hiện các mục tiêu tấn công.

Nga sở hữu lợi thế lớn so với Ukraine về số lượng máy bay không người lái với tỷ lệ 7:1, Yuriy Fedorenko - Chỉ huy Đại đội Achilles thuộc Lữ đoàn 92 của Ukraine cho hay.

Theo ông Yuriy Fedorenko: "Trên những khu vực tiền tuyến ưu tiên, chúng tôi đang chứng kiến tỷ lệ sau: Đó là 1 UAV của chúng tôi phải đối phó với 5 - 7 UAV của đối phương".

Sở hữu lợi thế áp đảo, chiến thuật triển khai UAV của Nga có gì khác Ukraine? - Ảnh 1.

Binh lính Ukraine điều khiển UAV ở khu vực Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters

Sĩ quan Ukraine cũng cho rằng, các chiến thuật mà quân đội hai bên sử dụng khác nhau bởi sự không cân bằng, theo đó Ukraine buộc phải sử dụng UAV một cách thận trọng hơn.

Ukraine chỉ triển khai UAV khi "chúng tôi có mục tiêu" trong khi Nga có "lợi thế hoạt động liên tục" với các UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) vận hành trên không phận Ukraine nhằm phát hiện ra thứ gì đó để tấn công.

Máy bay không người lái đã trở thành một nhân tố định hình cuộc xung đột ở Ukraine với việc cả Moscow và Kiev đều không ngừng nâng cấp các mô hình và chiến thuật mới. Gần đây, Ukraine đã tiết lộ một loạt UAV mới, trong đó có Backfire chống gây nhiễu và UAV mặt đất Ratel S cùng với phương tiện không người lái dưới nước Marichka.

Ukraine tấn công các vị trí nằm sâu trong các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát bằng các xuồng không người lái như ở Crimea, gây ảnh hưởng không nhỏ đến Hạm đội Biển Đen vào cuối tháng 8. Các UAV của Kiev cũng làm nhắm vào máy bay chiến đấu của Nga ở một số khu vực và tấn công các tòa nhà ở Moscow hồi tháng 7.

Trong khi đó, Nga tăng cường sản xuất UAV giá rẻ và triển khai các UAV tầm xa như Italmas, Lancet và Shahed do Iran chế tạo. Nước này cũng phát triển các UAV cảm tử dựa trên thiết kế của Shahed.

Moscow đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công UAV vào sâu trong lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả ở Kiev và các cảng biển của nước này.

Bất chấp những cải tiến về công nghệ của cả hai bên, Ukraine vẫn đi sau Nga về phát triển UAV, Melinda Haring, học giả cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận định với Business Insider. Bà cũng dẫn ra việc Ukraine thiếu phi công điều khiển UAV cùng số lượng máy bay không người lái hạn chế và các thiết bị chất lượng kém.

Bob Hamilton, Đại tá nghỉ hưu thuộc Lục quân Mỹ, đồng thời là người đứng đầu nhóm nghiên cứu Chương trình Á - Âu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại hồi tháng 8 cho rằng Ukraine không có khả năng sử dụng máy bay không người lái "tấn công sâu vào lãnh thổ Nga với đủ mục tiêu để làm xói mòn ý chí chiến đấu của Moscow".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại