Ở Singapore, những địa điểm ăn uống được thiết lập rất rõ ràng, mỗi khu dân cư đều có địa điểm ăn uống chứ không có tình trạng hàng quán lề đường như nhiều nước trong khu vực. Muốn ăn, người ta phải tìm đến các foodcourt hoặc hawker center.
Trong đó, hawker center chính là nơi các tiệm ăn đường phố tụ tập lại, có thể không có điều hòa nhưng quy củ, sạch sẽ hơn đường phố, lại có bàn ghế gọn gàng.
Với những người đi du lịch bụi, hawker chính là thiên đường, bởi đó là nơi bạn được thưởng thức những món ăn ngon với giá hợp lý - điều thực sự tuyệt vời ở một nước có mức sinh hoạt cao như Singapore.
Một hawker center ở Singapore - Ảnh: Singapore Travel Guide
Những khu ăn uống hawker có vô vàn quầy hàng hấp dẫn và xuất hiện khắp Singapore.
Từ thế kỷ 17, các hawker ven đường đã trở nên phổ biến ở đảo quốc sư tử, bán đủ thứ, từ thức ăn mới nấu tới đồ khô, thường là giá rẻ cho tầng lớp công nhân.
Phần lớn trung tâm này được hình thành trong làn sóng di dân muốn biến Singapore thành ngôi nhà mới của mình.
Việc ăn ở đây giúp họ tiết kiệm tiền, nhất là với những người nghèo, không nghề nghiệp hay học vấn.
Ảnh: The City Lane, danielfooddiary.
Các di dân này thường đem theo di sản từ quê hương. Bạn có thể biết một người từ đâu đến dựa trên món ăn họ nấu hay nơi họ dựng quầy.
Ví dụ, người đến từ Triều Châu (Trung Quốc) thường bán sỉ hoa quả và rau củ, trong khi người Malaysia hay Jave thường đứng quạt than nướng thịt xiên satay.
Các quầy hàng của người Ấn Độ thường có những món ăn vặt ngon lành, như kacang puteh, các loại hạt đựng trong phễu giấy hay muruku rán giòn.
Ảnh: sgstyle
Vào thời điểm ấy, các hawker trở thành một phần của cuộc sống thường nhật tại Singapore, nhưng lại có nhiều vấn đề phát sinh.
Thiếu vệ sinh và ngộ độc thực phẩm trở thành một nỗi lo lớn, do chúng dẫn tới bệnh dịch và đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện tràn lan của các quầy hàng chiếm chỗ trên vỉa hè và làm tắc nghẽn đường, chiếm các khu vực thương mại chính phủ muốn tái thiết, thậm chí còn gây ra việc tranh giành địa bàn có liên quan tới các băng nhóm.
Vào đầu thế kỷ 20, thực dân Anh ban hành luật lệ quy định mọi hawker phải có giấy phép và cố gắng quản lý giờ giấc, địa điểm của các khu vực này. Tuy nhiên, đến những năm 1960, khi Singapore dành được độc lập, việc này mới được xem xét nghiêm túc.
Luật đăng ký hawker được áp dụng rộng rãi, cộng với việc chính phủ xây dựng các công trình làm trung tâm ăn uống vào thập niên 70 và 80 dẫn tới sự hình thành của các trung tâm hawker chúng ta yêu thích ngày nay.
Ảnh: TheSmartLocal,
Ảnh: BBC
Singapore có khoảng 100 khu ăn uống hawker, từ những nơi có quy mô nhỏ dưới các khu chung cư tới các tòa nhà cao tầng hiện đại.
Nhiều trung tâm được cải tạo và nâng cấp trong những năm gần đây, có nơi còn nhận được sao Michelin, tiếp tục là điểm đến được yêu thích của cả người dân địa phương và du khách.
TheSmartLocal
misstamchiak
Chợ Taman Jurong ở phía tây Singapore là trung tâm hawker đầu tiên đi vào hoạt động từ thập niên 70, khi đó chợ có tên trung tâm hawker Yung Sheng.
Ngày nay, trung tâm ăn uống lớn nhất Singapore nằm ở khu Tổ hợp Chinatown, với hơn 200 gian hàng chiếm trọn tầng hai của tòa nhà.
Một số trung tâm hawker nằm trong danh sách "phải đến" của du khách là Newton, Lau Pa Sat, trung tâm Đường Sân bay cũ, Tekka, Changi Village hay Chomp Chomp.
Các khu ăn uống trong nhà ở trung tâm thương mại thường có điều hòa và được những người sợ nóng ưa thích, nhưng chúng không có các hương vị và trải nghiệm tuyệt vời như một hawker thứ thiệt.
Còn bạn, nếu đến Singapore, bạn có muốn trải nghiệm ở một khu ăn uống hawker như người dân thứ thiệt của đảo quốc này không?