Các vòng đấu giao hữu quốc tế của Siêu trí tuệ Việt Nam vẫn đang là chủ đề nhận rất nhiều sự quan tâm và theo dõi của dư luận. Cuộc đối đầu thứ 4 của chương trình cũng không kém phần kịch tính và thú vị so với những cuộc đối đầu trước đó.
Mai Tường Vân (28 tuổi) - cô gái duy nhất trong biệt đội Siêu trí tuệ Việt Nam sẽ thử tài cùng Johannes Mallow (39 tuổi), người được coi là bậc thầy trí nhớ thế giới, nắm trong tay 15 năm kinh nghiệm thi đấu cùng rất nhiều thành tích, kỷ lục - 2 lần vô địch giải trí nhớ thế giới, 4 lần vô địch giải trí nhớ Đức.
Anh Johannes tốt nghiệp ngành công nghệ truyền thông thuộc đại học Magoeburg của Oto-von Guericke, hoàn thành luận án tiến sĩ vào năm 2016 của đại học Duisburg - Essen. Ngoài ra, anh còn là một HLV trí nhớ và là một nhà khoa học.
Mai Tường Vân và Johannes Mallow.
Đến với Siêu trí tuệ Việt Nam, Johannes sẽ thi đấu với Mai Tường Vân trong thử thách mang tên: Dịch chuyển không gian. Đề bài của thử thách đưa ra là một hệ thống lưới gồm 100 ô vuông đã được mã hoá sẵn toạ độ. Mỗi ô vuông có hình ảnh của 100 con bướm bay và đậu được sắp xếp theo cách ngẫu nhiên, tổng số con bướm lên tới 10.000.
2 tuyển thủ sẽ có 20 phút để ghi nhớ các ô vuông chứa 100 con bướm và toạ độ ban đầu của chúng. Các thành viên trong BGK sẽ có 8 lượt hoán đổi các vị trí cột ngang và cột dọc, không trùng nhau.
Cả 2 tuyển thủ sẽ phải bịt mắt để nghe MC thông báo vị trí hoán đổi của những cột ngang và cột dọc. Sau khi hoàn thành việc hoán đổi, họ sẽ chỉ có 20 giây để tái cấu trúc lại hành trình trí nhớ của mình đối với vị trí 100 ô vuông ban đầu và sau khi hoán đổi.
100 ô vuông xuất hiện trên màn hình, mỗi ô vuông lại chứa 100 con bướm bay, đậu sắp xếp ngẫu nhiên. Việc ghi nhớ từng ô vuông, nhớ vị trí ban đầu của chúng, rồi nhớ cả vị trí của chúng sau khi đã hoán đổi là thử thách ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.
Các thành viên trong BGK sẽ chọn những ô vuông bất kỳ, 2 tuyển thủ phải xác định đồng thời toạ độ cũ và mới. Thời gian quan sát và bấm chuông tối đa là 40 giây, thời gian đưa ra câu trả lời là 10 giây. Nếu tuyển thủ bấm chuông trước trả lời đúng thì sẽ giành được 1 điểm, trả lời sai thì điểm sẽ thuộc về người còn lại. Người ghi được 5 điểm trước sẽ giành chiến thắng.
Nghe đề bài của chương trình các thành viên trong BGK cũng như khán giả gần như không thể tưởng tượng được việc ai đó có thể vượt qua thử thách này. Đây thực sự là thử thách vượt ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.
Còn đối với Johannes, anh chia sẻ rằng đây là một thử thách hoàn toàn mới mẻ và khác so với những thử thách trước đây mà anh từng trải qua. "Tôi đã có 15 năm nghiệm nghiệm thi đấu và điều khác biệt nhất là thường chúng ta phải ghi nhớ càng nhanh càng tốt, nhưng lần này không chỉ ghi nhớ mà còn phải hồi tưởng lại trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể", anh Johannes cho biết.
2 tuyển thủ phải bịt mắt để nghe MC Trấn Thành thông báo sự hoán đổi của các cột ngang và cột dọc
Sự bình tĩnh của người đàn ông Đức và bài học lớn dành cho cô gái Việt Nam
Bước vào cuộc đối đầu với bậc thầy trí nhớ thế giới, Mai Tương Vân đã lựa chọn chiến thuật bấm nút nhanh rồi tận dụng 10 giây trả lời để truy xuất thông tin, đưa ra đáp án. Đây có thể xem là phương án hợp lý của cô gái, tuy nhiên đây cũng trở thành áp lực đối với cô.
Trong 6 lượt, Mai Tường Vân giành quyền trả lời trước tới 4 lần, nhưng chỉ đúng 1 lần đưa ra được đáp án chính xác, 3 lần còn lại cô đều không kịp có câu trả lời và để đối thủ được điểm. Trái với sự mất bình tĩnh, căng thẳng của Tường Vân, Johannes lại tỏ ra rất điềm đạm, mỗi câu trời anh đưa ra đều rất chính xác.
Cuối cùng, anh đã giành chiến thắng một cách thuyết phục với tỉ số 5-1. Tài năng của Johannes thực sự khiến người ta phải kinh ngạc, "ngả mũ thán phục". Không chỉ thế, sự điềm tĩnh và tính chính xác của anh trong thi đấu chính là bài học, kinh nghiệm quý báu đối với riêng cô gái trẻ Mai Tương Vân.
Mai Tương Vân giành quyền trả lời trước tới 4 lần nhưng chỉ có 1 lần đưa ra được đáp án chính xác trong 10 giây.
Màn đối đầu giữa hai tuyển thủ thực sự rất căng thẳng, hồi hộp.