Theo nhà phân tích Michael Peck trên tạp chí National Interest, nếu dự án này thành công thì những tiêm kích đánh chặn ở độ cao lớn, có tốc độ Mach 3 này đã khiến cho các chiến đấu cơ thời nay phải "ngửi khói".
Những dự án tham vọng
Nhằm đáp ứng đề nghị của Không quân Mỹ năm 1949 về việc phát triển tiêm kích đánh chặn siêu thanh, vào năm 1951, công ty Republic Aviation đã đưa ra ý tưởng về XF-103, một loại máy bay sử dụng động cơ ramjet (nhưng nhìn giống một loại rocket có cánh hơn) với tốc độ tối đa Mach 3 và trần cao tối đa 24km.
Tuy nhiên, do công nghệ đi trước thời đại quá xa nên dự án này không bao giờ tiến xa hơn được mức nguyên mẫu thử nghiệm dưới mặt đất, sau này nó đã bị hủy bỏ.
Mẫu XF-103. Ảnh: Wiki
Mặc dù vậy, Không quân Mỹ vẫn tiếp tục tìm kiếm mẫu máy bay đánh chặn mới. Năm 1955 là thời điểm chứng kiến sự khởi đầu của Chương trình thử nghiệm máy bay đánh chặn tầm xa.
Năm 1957, công ty North American Aviation giành được hợp đồng phát triển mẫu XF-108, tiêm kích đánh chặn 2 chỗ ngồi có khả năng di chuyển với tốc độ Mach 3, có tầm hoạt động 1.600km, trần cao tối đa 21km.
Có vẻ đây không phải là một sự tình cờ khi hai tiêu chí, gồm tốc độ Mach 3 và độ cao 21km, cũng được áp cho mẫu máy bay ném bom chiến lược XB-70 Valkyrie do hãng North American chế tạo.
North American cũng đã đề xuất XF-108 (tên chính thức là Rapier) đảm nhận vai trò tiêm kích hộ tống cho XB-70.
Trên thực tế, hai mẫu máy bay này trông có phần giống nhau và có lẽ đã chia sẻ một số thiết bị chung, đáng chú ý là động cơ General Electric YJ93 và capsule thoát hiểm cho kíp lái.
Ngoài tầm hoạt động xa, XF-108 còn được trang bị radar Hughes AN/ASG-18, đây là loại radar xung doppler đầu tiên của Mỹ, cũng như là loại radar đầu tiên có thể vừa dò quét, vừa khóa mục tiêu cụ thể.
Nguyên mẫu XF-108. Ảnh: Wiki
XF-108 được xem là một công cụ lấp chỗ trống cho các radar cảnh báo sớm từ xa (DEW).
"Nếu được bố trí ở các sân bay xa xôi tại Bắc Cực, các máy bay XF-108, với số lượng đủ lớn, có thể hoạt động như máy bay cảnh báo sớm để xóa bỏ những lỗ hổng còn tồn tại trong tầm bao phủ của các loại radar tại đó.
Trong mỗi giờ, một chiếc F-108 có thể dò quét trên khu vực có diện tích khoảng 720.000km2 – lớn hơn một chút so với bang Texas" – Hai tác giả Dennis Jenkins và Tony Landis viết trong cuốn "Experimental & Prototype U.S. Air Force Jet Fighters".
Do đó, có thể nói F-108 sẽ giữ chức năng như một trạm radar tầm xa nhưng được vũ trang các tên lửa không-đối-không Falcon.
Sụp đổ
Trong khi XF-103 bị hủy bỏ vì công nghệ đi quá xa trước thời đại thì vấn đề với XF-108 là nó vượt quá ngân sách cho phép. Tổng thống Mỹ Eisenhower khi ấy phàn nàn rằng nếu mua tới 408 chiếc F-108, Không quân Mỹ sẽ tiêu tốn tới 4 tỷ USD (tương đương 33 tỷ USD theo giá trị hiện nay) – mức giá quá cao vào thời điểm đó.
Quan trọng hơn cả là, tới cuối những năm 1950, các loại ICBM bắt đầu thay thế máy bay ném bom có người lái, trở thành mối đe dọa hạt nhân lớn nhất đối với Mỹ. Và trong cuộc chiến giành ngân sách quốc phòng, không quân Mỹ không tránh khỏi sự thất bại.
Chương trình XF-108 bị hủy bỏ hoàn toàn (hoặc gần như bị hủy bỏ hoàn toàn) vào tháng 9/1959. Các tính năng của nó sau này được chuyển sang mẫu A-5 Vigilante của North American. Đây là một trong những mẫu máy bay có kích cỡ lớn nhất hoạt động từ tàu sân bay của Mỹ.
Theo nhà phân tích Michael Peck, tốc độ Mach 3 thật ra không quá đáng sợ. Nếu F-108 thành công và được đưa vào biên chế, thì Mỹ sẽ có một phi đội gồm các tiêm kích có tốc độ rất lớn nhưng đồ sộ và thiếu cơ động, để chống lại mối đe dọa (phần lớn là tưởng tượng) từ máy bay ném bom Nga.
Chúng sẽ không thể phát huy nhiều hiệu quả với vai trò máy bay chiến thuật trong chiến tranh Việt Nam – nơi sự cơ động và khả năng mang bom đạn là hai yếu tố quan trọng ngang với tốc độ.
Mặc dù các máy bay chiến đấu thời nay có tốc độ chậm hơn nhưng chúng lại cơ động hơn nhiều, có các cảm biến tiên tiến và khả năng tàng hình.
Nói là vậy nhưng theo ông Peck, cũng phải thừa nhận rằng mẫu tiêm kích Mach 3, nếu thành công, vào những năm 1950 sẽ là một thành tựu tương đối ấn tượng.