Do kinh doanh thua lỗ, phải trả lãi suất cao, từ tháng 5/2011 đến 9/2011, khi còn là kiểm sát viên, quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, chi nhánh TP.HCM, Huyền Như đã lấy danh nghĩa cán bộ Vietinbank để đi huy động tiền gửi.
Huyền Như đã trực tiếp gặp, thỏa thuận với người môi giới, người đại diện của công ty Hưng Yên, An Lộc, Phương Đông, Bảo hiểm Toàn cầu và SBBS để các công ty này gửi tiền vào Vietinbank hưởng lãi suất cao vượt trần trái quy định.
Đánh thẳng vào lòng tham, muốn nhận lãi suất cao của một số cá nhân là người môi giới, đại diện các đơn vị gửi tiền có ý thức tư lợi cá nhân, Huyền Như đưa ra cam kết ngoài trả lãi suất theo quy định là 14%/năm, còn trả thêm phí cho người môi giới, tiền chênh lệch ngoài hợp đồng.
Để dụ các "con mồi" vào bẫy, Huyền Như sẵn sàng dùng tiền cá nhân để trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, phí môi giới... dẫn dụ các đơn vị này gửi tiền vào Vietinbank.
Huyền Như đã lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống, trực tiếp thao tác chuyển tiền từ các tài khoản của khách hàng đi trả nợ cá nhân cho mình.
Cáo trạng xác định, người đồng hành với Như là Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên Phó Giám đốc Vietinbank, chi nhánh Nhà Bè).
Tuấn đã cùng Như ra Hà Nội gặp đại diện của công ty Hưng Yên để giúp Như huy động tiền của công ty này.
Tuấn biết Như có hành vi gian dối như lấy tên giả, lấy danh nghĩa cán bộ của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè do Tuấn làm Phó giám đốc đi huy động vốn của công ty Hưng Yên, nhưng đã để mặc cho Như làm giả các hợp đồng tiền gửi của Vietinbank Nhà Bè với công ty Hưng Yên, làm cho công ty này lầm tưởng Vietinbank chi nhánh Nhà Bè huy động tiền gửi của họ nên đã chuyển tiền theo yêu cầu.
Bản thân Võ Anh Tuấn được Như chuyển cho 10 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định đây là số tiền Tuấn được hưởng lợi từ phi vụ lừa đảo mà Như giữ vai trò cầm đầu, chủ mưu.
Cáo trạng cho rằng, Như đã có ý thức chiếm đoạt tiền của 5 công ty ngay từ đầu khi các công ty chưa gửi tiền vào Vietinbank.
Và khi các công ty này gửi tiền vào Vietinbank theo dẫn dụ của Như thì đã bị "siêu lừa" chiếm đoạt. Đây chỉ là công đoạn tiếp nối, hoàn thành việc thực hiện hành vi phạm tội.
Huyền Như không phạm tội tham ô?
Từ tháng 5/2011 đến 9/2011, Như đã chiếm đoạt được hơn 1.000 tỷ đồng của 5 công ty; trong đó chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của công ty Hưng Yên, hơn 170 tỷ đồng của công ty An Lộc, 380 tỷ đồng của công ty Phương Đông, hơn 124 tỷ đồng của công ty Bảo hiểm Toàn cầu, hơn 209 tỷ đồng của công ty SBBS.
Hành vi của Như bị VKSND Tối cao cho rằng đã phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, bản án phúc thẩm số 2/2015/HSPT của TAND Tối cao tại TP.HCM nhận định: Hành vi Như chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng trên tài khoản gửi tiền của 5 công ty có dấu hiệu phạm vào tội tham ô tài sản.
Tuy nhiên, quá trình điều tra lại, trên cơ sở xem xét đầy đủ các yếu tố, cơ quan điều tra cho rằng, quá trình từ khi hình thành ý thức chiếm đoạt đến khi tội phạm hoàn thành, hành vi xuyên suốt vụ án của Như là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Không có căn cứ để thay đổi tội danh của Như từ lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang tội tham ô tài sản như bản án phúc thẩm đã đặt ra.