Sau khi UBND TP.Hà Nội yêu cầu đóng cửa các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thuộc mặt hàng, nhu cầu thiết yếu, rất nhiều cửa hàng đã chuyển sang bán hàng online.
Nắm được nhu cầu tăng cao nên nhiều người trước kia vốn làm các công việc khác nhưng do ảnh hưởng của dịch đã chuyển sang nghề shipper mưu sinh. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Duy (ở Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội), anh vốn là nhân viên bán hàng nhưng do công ty khó khăn, cắt giảm nhân sự nên anh đã chuyển sang làm nghề shipper.
Các cửa hàng tạm đóng cửa, chỉ phục vụ giao hàng tận nơi và bán hàng mang đi.
“Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến lượng khách đi xe ít hơn nhưng lượng khách đặt đồ ăn, giao hàng qua app lại tăng lên nhiều. Đơn hàng gần như liên tục, chỉ khi tắt ứng dụng thì không có đơn còn đâu lúc nào cũng kín đơn”, anh Duy chia sẻ.
Cũng tạm thời thay thế công việc cũ để đi làm nghề giao hàng kiếm thêm thu nhập, anh Trần Bá Hùng (ở Hà Đông, Hà Nội) cho biết, công việc của anh là nhân viên tiếp thị, song trong bối cảnh hiện nay, anh kiêm thêm công việc shipper để có thêm thu nhập.
Theo anh Hùng, mỗi đơn hàng anh có thể đút túi khoảng 20.000-30.000 đồng/hành trình, tùy độ dài quãng đường.
“Có ngày tôi giao được 30 đơn hàng thành công, thu nhập khoảng 600.000 đồng, song cũng nhiều lúc tôi cũng phải đối diện rủi ro vì khách “bom" hàng”, anh Hùng kể.
Anh Nguyễn Văn Mạnh (23 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang là shipper tự do tại Hà Nội lại có nguồn thu nhập nhỉnh hơn. Theo anh Mạnh, dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, người dân ít đến nơi đông người nên công việc của người làm shipper tự do cũng nhiều hơn.
"Trước đây tôi làm giao hàng cho hai shop "ruột" và thỉnh thoảng nhận thêm đơn trên nhóm hội giao hàng.
Nhưng mấy hôm nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người ta hạn chế đi lại mà chủ yếu mua online nhiều nên số lượng đơn hàng tăng hơn rất nhiều so với trước đó. Hôm nào tôi cũng phải giao hàng từ sáng sớm đến tối mà vẫn chưa hết đơn. Công việc quá tải nhưng thu nhập của tôi lại tăng lên”, anh Mạnh nói.
Shipper quá tải đơn hàng vì các cửa hàng đóng cửa mùa dịch Covid-19.
Về phía các cửa hàng, nhất là đồ ăn, đồ uống, việc khách đến trực tiếp giảm nhiều song một số cửa hàng vẫn có thể duy trì nhờ lượng khách đặt hàng qua mạng.
Trao đổi với phóng viên VOV, chủ một quán trà sữa trên phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, hiện cửa hàng không phục vụ khách tới quán trực tiếp nhưng khách đặt qua các ứng dụng tăng lên đáng kể so với thời điểm trước: “Số lượng đơn hàng đặt mua qua mạng, giao tận nơi thông qua shipper của cửa hàng tăng mạnh khoảng 30 đến 40%.
Những ngày cuối tuần, lượng khách đặt online thường tăng cao hơn so với thời điểm trước. Chính vì vậy, chúng tôi đã chuẩn bị mọi phương án để có thể phục vụ khách tốt nhất".
Dù số lượng đơn hàng tăng, song theo ý kiến của một số chủ cửa hàng, khi người dân hạn chế đi lại thì các shipper lại phải làm việc với cường độ cao hơn, do đó, họ không quên nhiệm vụ phổ biến việc đảm bảo an toàn cho các nhân viên, phòng chống Covid-19.
Chị Phan Thanh Hương, chủ quán ăn trên phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, các nhân viên giao hàng buộc phải đeo khẩu trang, trước khi shipper nhận hàng, nhân viên buộc phải sát trùng tay bằng dung dịch sát khuẩn tại cửa hàng. Sau khi giao hàng cho khách xong cũng tiếp tục sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn mang theo.
Để phòng lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho khách và tài xế, Grab đã triển khai phương thức giao hàng gián tiếp (Contactless Delivery) với dịch vụ GrabFood, để giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa tài xế và khách hàng khi Covid-19 diễn biến phức tạp.
Cụ thể, khách hàng GrabFood có thêm tùy chọn điểm giao món là trước cửa nhà, tại quầy tiếp tân của toà nhà hay bất kỳ vị trí nào thuận tiện cho việc nhận món. Sau đó, tài xế sẽ đặt thức ăn tại vị trí đã được chỉ định, thông báo đơn hàng đã đến qua cuộc gọi hoặc tin nhắn và đứng chờ khách ở khoảng cách 2 - 3m.
Nếu khách hàng không có vị trí thuận tiện cho việc nhận món, tài xế sẽ đặt thức ăn trên túi GrabFood và lùi về sau khoảng 2-3m để đảm bảo an toàn. Đồng thời, Grab cũng khuyến khích khách hàng thanh toán trực tuyến để hạn chế tối đa sự tiếp xúc với tài xế.
Nếu thanh toán bằng tiền mặt, khách hàng có thể gửi lại phong bì tiền tại điểm giao món ăn. Tất cả tài xế được khuyến nghị cần thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng trước và sau khi giao nhận đơn hàng.