Kết quả khảo sát thị trường các tháng đầu năm 2020 do Kantar Worldpanel thực hiện cho thấy dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng và tác động làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, không phải ngành hàng nào hay nhà bán lẻ nào cũng đều chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Dữ liệu nghiên cứu của Kantar cho thấy tăng trưởng FMCG có phần chậm lại trong 2 tháng đầu năm 2020. Hành vi mua sắm thực tế của người tiêu dùng cũng có sự thay đổi khi dịch bùng phát.
Các ngành sữa, thực phẩm đóng gói và chăm sóc cá nhân đã cố gắng duy trì tăng trưởng, trong khi đồ uống đã bị suy giảm.
Người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến những loại thực phẩm dinh dưỡng trong mùa dịch Covid-19.
Người tiêu dùng Việt Nam tại các thành phố lớn có xu hướng tích trữ ba nhóm hàng hóa: vệ sinh cá nhân và gia đình để giữ sạch, tiêu diệt vi trùng; thực phẩm tiện lợi và dụng cụ nấu ăn cũng tăng đột biến trong đợt bùng phát; thực phẩm đông lạnh, thực phẩm đóng hộp, mì ăn liền và dầu ăn cũng có mức tăng trưởng ấn tượng. Các sản phẩm dinh dưỡng và tăng cường miễn dịch, đặc biệt là cho người cao tuổi và trẻ em có nguy cơ cao hơn, cũng được người tiêu dùng tìm kiếm nhiều hơn trong mùa dịch.
Trong khi đó, tiêu thụ đồ uống (bao gồm cả đồ uống có cồn và các loại không cồn) do người tiêu dùng cắt giảm những sản phẩm này ra khỏi giỏ hàng của mình.
Ông David Anjoubault, Tổng Giám đốc Worldpanel Division Vietnam, cho hay thay đổi không chỉ trong giỏ hàng của người tiêu dùng mà còn trong lựa chọn kênh của họ trong đợt bùng phát virus. Mua sắm trực tuyến chiếm ưu thế và bùng nổ đáng kể nhờ số lượng giao dịch ngày càng tăng. Nhiều người mua sắm trực tuyến hơn bình thường, thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu FMCG trực tuyến lên mức ba chữ số chỉ trong một tháng.
"Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong những tháng tới, đặc biệt là khi đã có lời khuyên từ chính quyền địa phương là mua sắm trực tuyến để tránh đám đông và tiếp xúc thân thể" – ông David Anjoubault dự đoán.