Sự việc này xảy ra từ năm 2022. Song mới đây nó tiếp tục được chia sẻ trở lại và thu hút sự chú ý của nhiều người.
Vào hồi tháng 5/2022, anh Tần (thành phố Hoài An, Trung Quốc) đã đặt mua một bộ quần áo 250 NDT (khoảng 800.000 đồng) trên sàn thương mại điện tử. Đã quá ngày giao hàng, người đàn ông này không nhận được bất kỳ thông tin gì. Đang trong lúc định nhắn tin hỏi cửa hàng, anh bất ngờ nhận được số điện thoại lạ.
Ở đầu dây bên kia, người này tự xưng là shipper giao hàng. Anh trình bày đã làm thất lạc đơn hàng của anh Tần nên muốn bồi thường bằng tiền. Tuy nhiên, trước khi nhận được khoản đền bù, người này yêu cầu anh kết nối qua Wechat để hướng dẫn cách thức nhận tiền. Làm theo yêu cầu, anh được chuyển đến một đường link website. Tại đây, anh buộc phải nhập các thông tin theo hướng dẫn gồm: Họ tên, ảnh một số giấy tờ tùy thân, số thẻ ngân hàng, ngày cấp…
Ban đầu, anh có cảnh giác về việc phải cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân như vậy. Tuy nhiên, qua Wechat, shipper khẳng định đây là yêu cầu của sàn thương mại điện tử nên khách hàng muốn nhận tiền đền bù buộc phải làm theo. Nghe thấy vậy, anh Tần yên tâm thực hiện các thao tác và còn cẩn thận chụp lại màn hình gửi cho shipper khi đã hoàn thành.
Tuy nhiên, ngay sau đó chỉ chừng 3 phút, anh Tần thấy thông báo biến động số dư ở tài khoản ngân hàng. Tưởng rằng nhận được tiền đền bù, anh mở ứng dụng ngân hàng thì bất ngờ phát hiện toàn bộ số tiền 60.000 NDT trong tài khoản (khoảng hơn 200 triệu đồng) bị trừ sạch.
Chưa hiểu chuyện gì xảy ra, anh nhanh chóng liên hệ ngân hàng để khóa tài khoản. Đồng thời, anh Tần cũng gọi điện cho shipper để làm rõ. Tuy nhiên, anh gọi đến 10 cuộc nhưng không có người nhấc máy ở đầu dây bên kia.
Biết mình đã bị lừa, anh Tần lập tức báo cáo vụ việc cho cảnh sát địa phương nhằm tìm sự giúp đỡ. Sau khi tiếp nhận, cảnh sát cho biết trong khoảng 3 tháng trở lại đây, họ tiếp nhận được rất nhiều các trường hợp tương tự. Lực lượng chức năng đang tiến hành điều tra làm rõ.
Sau khoảng 1 tuần, anh Tần được gọi lên trụ sở cảnh sát. Tại đây, cảnh sát thông báo vụ việc đã được phanh phui. Qua điều tra, cảnh sát cho biết nhóm đối tượng lừa đảo này có hơn 50 người.
Chúng cấu kết để mua được thông tin của những khách hàng đặt đơn hàng qua các sàn thương mại điện tử. Khi nằm được thông tin, chúng dễ dàng tìm kiếm, theo dõi quá trình vận đơn và dựa vào đó để thực hiện hành vi phạm pháp của mình.
Nhóm đối tượng sẽ giả mạo shipper để gọi điện cho khách hàng nhằm thông báo đơn hàng bị thất lạc và yêu cầu nạn nhân cung cấp hàng loạt các thông tin cá nhân để nhận đền bù. Ngay sau khi khách hàng cung cấp thông tin, chúng sẽ tìm cách chiếm được quyền sử dụng tài khoản ngân hàng và thực hiện giao dịch, chiếm đoạt tiền.
Tại trụ sở cảnh sát, kẻ chủ mưu của đường dây lừa đảo này khai nhận đã thực hiện trót lọt hơn 100 trường hợp, chiếm đoạt số tiền lên đến 3 triệu NDT (khoảng 10 tỷ đồng).
Ngay sau khi vụ việc này bị phát giác, cảnh sát đã phát đi thông báo về việc người dân cần hết sức cảnh giác với các yêu cầu truy cập đường link từ người lạ. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng, giấy tờ tùy thân… trên các trang web khi chưa xác định chính xác mức độ uy tín.
Nếu nghi ngờ hay đã trở thành nạn nhân của trường hợp lừa đảo trên, người dân hãy báo cáo ngay cho cơ quan chức năng hoặc cơ quan điều tra để được hỗ trợ và xử lý theo pháp luật.
Theo 163