Shark Vương: Chia tay SAM Holdings sau 1 năm "lột xác", thích Zombie và chi đến 26 tỷ cho Shark Tank 2017

Tri Túc |

Tính đến nay, chỉ sau 1 năm SAM Holdings đi vào hành trình "lột xác" và chưa có được nhiều niềm tin từ cổ đông, Shark Vương lại rời thuyền, để lại những lời hứa sẽ dang dở?

Tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam 2017 với phong cách hài hước, chịu chi, vị cá mập Trần Anh Vương trở thành cái tên được khai thác khá nhiều trong báo giới. Hoạt động kinh doanh bên ngoài của ông cũng được để ý, đặc biệt tại SAM Holdings và Xuất nhập khẩu Tổng hợp I (TH1) khi cả hai đơn vị đang đi vào giai đoạn không mấy khả quan.

Trong đó, do làm ăn liên tục thua lỗ (giai đoạn 2015-2017), tổng lỗ lũy kế đến 31/12/2017 hơn 276 tỷ, vượt vốn điều lệ thực góp nên toàn bộ hơn 13,5 triệu cổ phiếu TH1 đã chính thức bị hủy niêm yết trên HNX từ 20/4/2018.

Và SAM Holdings, sau thời gian dài khá ì ạch, năm 2017 Công ty chính thức tái cơ cấu hoạt động, đổi tên, chuyển đổi trụ sở lên Tp.HCM, tập trung mảng đầu tư tài chính… mang lại một vài kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, Công ty cũng chỉ mới trong năm đầu tái cơ cấu nên hoạt động vẫn còn nhiều bất cập, riêng quý 2/2018 lợi nhuận giảm gần 70% do mảng đầu tư chịu ảnh hưởng từ đà giảm chung của thị trường chứng khoán.

2018 – Năm của chia tay!

Bước sang năm 2018, trong khi việc ông Vương chia tay chương trình Shark Tank mùa hai còn để lại nhiều câu hỏi trong dư luận, thì mới đây vị cá mập này chính thức rút sạch vốn đồng thời từ nhiệm khỏi SAM Holdings – đơn vị mà gắn liền với tên tuổi của ông nhiều năm. Không những vậy, trước đó ông Vương cũng cũng vừa có đơn từ nhiệm khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT TH1.

Một trong những nguyên nhân cho động thái trên có lẽ do hiện Shark Vương đang nắm vị trí lãnh đạo tại khá nhiều doanh nghiệp, kể tên có Dược Việt Nam (DVN), Đầu tư BVG (BVG), Nhựa Đồng Nai (DNP)… Một số ý kiến cho rằng việc rút khỏi TH1 hay những đơn vị kinh doanh chưa hiệu quả là cần thiết để tập trung phát triển những đơn vị tiềm năng hơn.

 Shark Vương: Chia tay SAM Holdings sau 1 năm lột xác, thích Zombie và chi đến 26 tỷ cho Shark Tank 2017  - Ảnh 1.

Song, đối với SAM Holdings, sau nhiều năm liền kinh doanh không hiệu quả, lợi nhuận giảm mạnh giai đoạn 2013-2016. Chưa hết, hiệu suất kinh doanh ghi nhận sụt giảm mạnh, từ mức biên lợi nhuận hơn 12% (năm 2013) đến cuối năm 2016 chỉ còn vỏn vẹn 1,4%. Bước sang năm 2017, với quyết tâm mạnh mẽ của ban lãnh đạo "lột xác" hoàn toàn Công ty, SAM (tên cũ) chính thức đổi tên thành SAM Holdings, tập trung vào mảng đầu tư tài chính.

Theo quan điểm người đứng đầu, năm 2017 Nhà nước đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa là thời điểm thích hợp cho các nhà đầu tư nhanh nhạy. Với hai định hướng đầu tư ngắn hạn và dài hạn, chi phối hoặc không chi phối, SAM Holdings đặt mục tiêu trở thành đơn vị đầu tư hàng đầu Việt Nam tương lại không xa.

Cùng với đó, Công ty cũng thông qua việc chuyển trụ sở kinh doanh từ Đồng Nai lên Tp.HCM nhằm tiện lợi để thương thảo, làm ăn. Với những luận điểm trên, năm 2017 đánh dấu một năm SAM Holdings ghi nhận kết quả tăng trưởng trở lại, đóng góp chính là mảng đầu tư tài chính cùng với mảng cốt lõi là dây cáp. Cụ thể, Công ty thu về doanh thu 2.228 tỷ doanh thu và hơn 109 tỷ lợi nhuận sau thuế. Đáng kể nhất, biên lợi nhuận đã ghi nhận bước hồi phục mạnh, tăng 3,5 điểm phần trăm lên gần 5%.

 Shark Vương: Chia tay SAM Holdings sau 1 năm lột xác, thích Zombie và chi đến 26 tỷ cho Shark Tank 2017  - Ảnh 2.

Tiếp đà tăng trưởng, SAM Holdings đặt kế hoạch kinh doanh cho năm 2018 tăng 26% lợi nhuận lên 180 tỷ, đồng thời kế hoạch phát hành tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trăn trở từ phía cổ đông, liên quan đến mảng bất động sản, đến khẩu bị đầu tư khá mạo hiểm, cũng như vấn đề phát hành cổ phiếu "khủng" tăng vốn.

Lời hứa sẽ dang dở?

Trước những nghi vấn này, phát biểu mạnh mẽ tại 2 mùa ĐHĐCĐ, ông Vương nhắn nhủ cổ đông hãy tin tưởng Công ty sẽ hoạt động hiệu quả thời gian tới.

Điển hình, tại Sacom Tuyền Lâm, ông Vương cho biết dự án đã đầu tư 1.000 tỷ đồng, nếu bán chắc chắn có lãi. Hay với mảng dây và cáp, Tổng Giám đốc này cũng trấn an SAM Holdings chỉ cần bán một nửa vốn thì có lãi ngay 250 tỷ đồng, tuy nhiên phải phân cân nhắc có nên làm điều đó hay không.

Tại mảng đầu tư tài chính với những khoản lỗ như Dược Việt Nam (DVN), ông Vương nhấn mạnh giọng năm 2018 khi Bộ Y tế sẽ thoái hết vốn, hoạt động tại "ông lớn" dược này sẽ rõ ràng hơn và giá cổ phiếu không có lý do gì không trở lại mức cao đã từng. Đồng thời, ROE năm 2017 của DVN khoảng 4,5-4,6% là khá thấp, kế hoạch 2018 khoảng 180 tỷ, tương ứng ROE trên 6%. Vậy DVN đã phát huy hết tiềm năng Công ty chưa?, ông Vương đặt dấu hỏi.

Liên quan đến động thái phát hành cổ phiếu tăng vốn quy mô hơn 1.000 tỷ với giá phát hành tối thiểu 10.000 đồng/cp, cao hơn so với thi giá cổ phiếu, nhiều cổ đông lâu năm đặt vấn đề "nếu Công ty đảm bảo giá SAM tăng hơn 10.000 đồng thì có lẽ chúng tôi mới tham gia mua". Cũng Tổng Giám đốc Vương khẳng định SAM Holdings sẽ cố gắng để nâng thị giá cổ phiếu trên thị trường thông qua thúc đẩy kết quả kinh doanh thời gian tới.

Đến nay, chỉ sau 1 năm SAM Holdings đi vào hành trình "lột xác" và chưa có được nhiều niềm tin từ cổ đông, ông Vương lại rời thuyền, để lại những lời hứa sẽ dang dở? Chưa kể, theo lộ trình cơ cấu SAM Holdings phải đến năm 2020.

Kinh doanh nửa đầu năm không quá tốt, cổ phiếu SAM trên thị trường cũng giao dịch tương đối lình xình, hiện vẫn dưới mức mệnh giá. Chốt phiên 31/8 tại mức 7.150 đồng/cp.

 Shark Vương: Chia tay SAM Holdings sau 1 năm lột xác, thích Zombie và chi đến 26 tỷ cho Shark Tank 2017  - Ảnh 3.

Biến động cổ phiếu SAM 1 năm qua.

Chi hơn 26 tỷ, ôm gần phân nửa số lượng deal của Shark Tank mùa 1

Trở lại với câu chuyện làm "cá mập" của ông Vương, tham gia chương trình cùng với SAM Holdings, được biết hạn mức tối đa cho startup của Công ty chỉ dừng lại ở mức 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thống kê mùa 1 thì con số quyết định đầu tư của Shark Vương đã vượt 26 tỷ đồng, với 10 deal (tổng 2 thương vụ) gọi vốn thành công trên chương trình. Hiện, Shark Vương đứng top 3 trong số nhà đầu tư chịu chi cho startup, xếp sau Shark Thái Vân Linh và Shark Phú.

Điểm tên, Shark Vương tuyên bố chi 11 tỷ đồng nhằm mua bản quyền dự án Power Rings, hợp tác với Shark Thủy chi 5,7 tỷ cho startup Umbala, bắt tay cùng Shark Hưng dự chi 4,4 tỷ cho dự án Farmtech, cùng với Shark Linh rót hơn 3 tỷ cho dự án Transform Studio… Đến nay, ông Vương đã chính thức đưa vào thực tế dự án Emwear – khởi nghiệp về thời trang đồ lót, hiện mở rộng ra thị trường Hà Nội.

Nhìn lại quãng đường Shark Tank mùa 1, tiêu chí quyết định đồng hành của startup của Shark Vương là con người, không quan trọng lĩnh vực của dự án. Cùng với đó, khẩu vị của người cầm trịch SAM Holdings còn được nhắc đến với hai chữ "xác sống". Tức, Shark Vương khẳng định không phải doanh nghiệp đang hoạt động tốt thì sẽ tốt, mà có những doanh nghiệp đang thua lỗ… vẫn còn tiềm năng tăng trưởng, đó chính là "xác sống"!

Còn nói về lý do chia tay vị trí "cá mập" mùa 2 này, Shark Vương chỉ cho biết vẫn hết mình với Shark Tank tuy nhiên sẽ trên vai trò ban tổ chức. Người thay thế vị trí của ông Vương chính là Shark Louis Nguyễn, hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Saigon Asset Management (SAM).

 Shark Vương: Chia tay SAM Holdings sau 1 năm lột xác, thích Zombie và chi đến 26 tỷ cho Shark Tank 2017  - Ảnh 4.

Nguồn: BCTN năm 2017 của SAM Holdíngs.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại