Không ít người trong số chúng ta đã từng nhìn vào văn phòng của sếp và ước rằng mình cũng có thể trở thành một người lãnh đạo tài giỏi như vậy. Bạn tự hỏi điều gì đã giúp họ thành công và thăng tiến trên con đường sự nghiệp, trong khi mình vẫn mãi chỉ là một nhân viên trung bình trong nhiều năm liền.
Dĩ nhiên, để ngồi được vào những vị trí quan trọng như quản lý, trưởng phòng, hay thậm chí là CEO là chuyện không hề dễ dàng. Đó phải là một cá nhân có năng lực vững vàng và phẩm chất xứng đáng. Chưa kể, “quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn” - khối lượng công việc mà họ phải giải quyết mỗi ngày nhiều vô kể.
Do đó, các lãnh đạo thường tự đề ra cho mình những nguyên tắc làm việc nhất định, vừa để đảm bảo hiệu suất công việc, vừa giúp phát triển bản thân trên con đường sự nghiệp.
(Ảnh minh họa)
Bản thân cũng là lãnh đạo, Shark Trương Lý Hoàng Phi hiểu rõ điều này hơn ai hết. Chị là founder của Trung tâm hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp BSSC, từng đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc của VinTech City, đồng thời giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM.
Mới đây, nữ doanh nhân này đã tiết lộ trên trang cá nhân 4 nguyên tắc quan trọng trong công việc của mình. Dù đang là lãnh đạo hay nhân viên bình thường, bạn hoàn toàn có thể áp dụng những chia sẻ hữu ích này vào thực tế để hoàn thiện bản thân và phát triển sự nghiệp.
1. Tôn trọng thời gian
Thời gian của mình, thời gian của người khác đều quý như nhau. Mình rất ngại khi có việc cần phải sử dụng đến thời gian của người khác hay vì họ quá quý mến, nhiệt tình nên sẵn sàng dành cho mình thời gian. Vì lý do này, mình luôn có sự chuẩn bị để biến quãng thời gian đôi bên dành cho nhau trở nên có ý nghĩa và “đáng” nhất.
2. Có kế hoạch rõ ràng
Mình có thể rất ngẫu hứng và đầy cảm xúc trong những tình huống chỉ ảnh hưởng bản thân mình.
Với tất cả những việc liên quan đến người khác, mình cố gắng có kế hoạch tốt nhất có thể để trao đổi với họ. Mình không muốn bị người khác đưa vào những tình huống bị động và mình nghĩ người khác cũng thế. Vậy nên mình luôn mong muốn có một kế hoạch và tuân thủ nó.
3. Đặt yêu cầu cao hơn sau mỗi cột mốc
Thời khắc mình chạm được “cột mốc” đặt ra cho một việc gì đó, sau niềm hân hoan thì sẽ là câu hỏi: liệu rằng có cách nào tốt hơn nữa không. Mình luôn đặt mình và team vào câu hỏi đấy.
Không hài lòng với những gì đạt được và chính bản thân mình phải có “sứ mệnh” tự phá đi những “kỷ lục” của mình. Hãy nghĩ về tinh thần thi đấu của một vận động viên chưa hề có chiếc huy chương, đó luôn là tâm thế của mình sau mỗi cột mốc.
4. Trân trọng “quý nhân”
“Quý nhân” là những người từng giúp đỡ mình. Họ có thể là bất cứ ai, người quý mến nói cho mình vài điểm tránh sai lầm, đối tác vẫn hỗ trợ mình khi không thuận lợi, là nhân viên bên cạnh mình khi mình khó khăn, hoặc là bất cứ ai đã dang tay khi mình còn “chập chững”.
Mình vẫn luôn dành một sự trân quý và ghi nhớ (ngay cả khi, chắc người ta cũng không nhớ). Mình tin là thế giới này, người giỏi siêu nhiều, giỏi hơn mình lại càng nhiều, nên việc có ai đó giúp mình thì rõ là mình thật may mắn.