Khi kinh doanh sản phẩm nào, Masan sẽ phải là công ty đứng đầu thị trường đó, chiếm ít nhất 51% thị trường - Đó là một trong những tuyên bố khá ấn tượng từ lãnh đạo của "ông trùm" hàng tiêu dùng Masan.
Với tư tưởng như vậy, khi bước chân vào lĩnh vực bia với nhãn hiệu mang tên Sư tử trắng, Masan cũng đặt tham vọng trở thành "vua bia" ở Việt Nam bất chấp thị trường này đã có những tên tuổi lớn như Sabeco, Habeco, Heineken...
Tuy nhiên, tiếng gầm của Sư tử trắng đã không tạo nên uy lực như mong muốn. Và năm nay, "ông trùm" lại bắt đầu cuộc chơi mới với loại bia có tên Red Ruby (Viên Ruby đỏ).
Cú ngã của vua Sư Tử
Năm 2013, Masan đã mua lại Công ty cổ phần Bia và Nước giải khát Phú Yên (sau đó trở thành Masan Brewery) và tung ra thương hiệu Sư Tử Trắng nhắm tới phân khúc bia trung cấp. Tập trung vào thị trường chính là khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh phía Nam, Masan kỳ vọng bia Sư tử trắng sẽ trở thành một thương hiệu bia Quốc gia.
Trong năm đầu tiên hoạt động đầy đủ, nhà máy vận hành nhưng không đủ để bán ra thị trường. Bia tiêu thụ mạnh nhờ chiến lược giá rẻ và các chương trình quảng cáo hấp dẫn.
Masan ngay sau đó rót tiền xây nhà máy mới ở Hậu Giang với công suất gấp 4 lần. Doanh thu năm 2015 của Masan Brewery đã đạt hơn 706 tỷ đồng với sản lượng tiêu thụ đạt 45 triệu lít. Bộ phận kinh doanh này tiếp tục ghi nhận tăng trưởng hai con số trong năm 2016.
Tham vọng "vua bia" càng khiến thị trường hồi hộp khi vào năm 2016, hãng bia Thái Lan Singha đã rót 600 triệu USD để đầu tư.
Tuy nhiên, đến năm 2017, Sư tử Trắng không còn gầm nữa. Doanh thu nửa đầu năm 2017 sụt giảm tới 15 lần so với cùng kỳ khi công ty mạnh tay tăng chiết khấu cho nhà phân phối để giải phóng hàng tồn kho.
Những năm sau, Masan không còn nhắc đến Sư tử trắng. Lãnh đạo công ty trong cuộc gặp gỡ tháng 10/2019 thừa nhận không thể làm tốt như Sabeco, và họ lỗ khoảng 15 triệu USD với mảng bia. Masan đồng thời cũng tính chuyện rút lui nếu không có sản phẩm mới đủ khả năng cạnh tranh trong vòng 18 tháng tới.
Mới đây, tham vọng bia lại được Masan nhắc lại khi họ vui mừng thông báo mảng bia tăng trưởng tới 60% trong quý 2/2020 nhờ việc ra mắt nhãn hiệu bia mới Red Ruby bất chấp ngành bia nói chung bị ảnh hưởng bởi quy định trong Nghị định 100 và đại dịch Covid-19.
Sở hữu Vinmart, giấc mơ Vua bia với Red Ruby liệu có bớt xa vời?
Về phía người tiêu dùng, một số ý kiến cho rằng sản phẩm bia vốn tập trung vào đàn ông nhưng cái tên "Red Ruby" lại mang tính nữ nhiều hơn.
Anh Tiên Lâm (Hà Nội) nói, một trong những lý do khiến anh không thích Red Ruby chính vì cái tên.
"Nó không phải là cái tên thích hợp để đặt cho một loại bia. Tôi chỉ mua bia này vì người bán hàng tại Vinmart ra sức thuyết phục rằng nó rất ngon, rất nhiều người uống. Tuy nhiên, tôi thấy vị của nó bình thường" - Anh Tiên Lâm đánh giá - "Đấy là ý kiến cá nhân, còn có thể những người quan tâm đến giá cả thì sẽ chọn mua".
Anh Nguyễn Quốc Thành (sống tại TPHCM) cho biết, anh từng uống bia Red Ruby trong một dịp liên hoan với bạn bè gần đây. Theo anh, bia là thức uống đặc biệt, phải đúng gu uống mới "đã". Cảm nhận của cá nhân anh Thành, Red Ruby khá nhạt và có thể do anh chưa quen với vị của loại bia này.
Trong khi đó, anh Trịnh Mão (Hà Nội) - một người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật lại cho rằng, màu đỏ của Red Ruby khá hấp dẫn. Thói quen của anh khi đi Vinmart là nhặt mỗi loại bia một lon, cho nên anh vẫn mua Red Ruby dù đánh giá là vị bia không có gì đặc biệt.
Ông Hoàng Tùng, chuyên gia thương hiệu cho rằng, Masan cho ra đời thương hiệu Sư Tử Trắng nhằm thể hiện vai trò cạnh tranh đối nghịch với bia Tiger (vốn là hình con hổ).
Tuy nhiên Sư Tử Trắng sau đó đã không cạnh tranh được trên thị trường. Theo ông Tùng, việc Masan trở lại với nhãn bia Red Ruby tại thời điểm hiện tại là chín muồi hơn rất nhiều.
Thứ nhất, trước đây Sư Tử Trắng có vẻ chỉ là bước thử vì nhãn này chỉ làm sản phẩm đóng lon chứ không làm sản phẩm đóng chai, cho thấy kể cả với tiềm lực của Masan thì ông lớn này vẫn rất thận trọng.
Thứ hai, trước đây Sư Tử Trắng thất bại chủ yếu do không chen chân được vào các hệ thống phân phối và bán lẻ, điều đó khiến cho loại bia này không tiếp cận được đến người tiêu dùng…
“Tại thời điểm hiện tại, sở dĩ tôi nói Masan với nhãn Red Ruby chín muồi hơn vì bên cạnh cổ đông chiến lược Singha Asia Holding - một thương hiệu bia rất nổi tiếng, có kinh nghiệm và tiềm lực để đẩy mạnh Red Ruby, thì Masan đã có hệ thống bán lẻ lớn nhất cả nước là VinMart. Do đó yếu tố rào cản về hệ thống phân phối giờ đã không còn, Red Ruby hoàn toàn có thể tiếp cận người tiêu dùng một cách dễ dàng”, ông Tùng nhận định.
Cuối cùng, theo báo cáo của Masan thì Red Ruby có vẻ là nhãn được tung ra sớm và có sự đầu tư mạnh mẽ. Với lợi thế hiện tại về kinh nghiệm, khả năng bán lẻ và cú vấp Sư Tử Trắng, ông Hoàng Tùng tin rằng Red Ruby sẽ có được những thuận lợi nhất định để có thể trở thành nhãn bia mới thành công trên thị trường.