Sếp cần phải làm gì khi có nhân viên giỏi hơn?

Tiên Yên |

Trong trường hợp này, người sếp không nên lảng tránh những câu hỏi từ nhân viên.

1. Trung thực

Hãy thẳng thắn và thành thật khi cấp dưới hỏi bạn một vấn đề chuyên môn mà bạn không biết chắc chắn. Sự trung thực sẽ "cứu" được bạn ở tình thế khó xử cũng như giúp bạn nhận được sự tôn trọng vốn có từ đồng nghiệp. Nếu cố tình lảng tránh vấn đề thì chỉ khiến nhược điểm của cấp trên lộ rõ ra, như vậy chẳng khác nào tự mình làm giảm độ uy tín của bản thân.

Hơn nữa, một câu trả lời "hình thức" vừa chẳng trả lời đúng mục đích câu hỏi, lại vừa khiến bạn phải xấu hổ. Nếu thực sự làm như vậy thì bạn đang "đẩy" mình vào thế khó, bởi bạn sẽ phải tiếp tục nói dối vòng vo về trình độ chuyên môn của mình liên tục. Và, xin bạn cũng đừng "phóng đại" câu trả lời của mình nếu không biết câu trả lời thực sự.

Thay vào đó, bạn nên đưa ra phương án trả lời như sau: "Vì bản thân tôi không phải người đưa ra câu trả lời tốt nhất nên hãy đưa câu hỏi này tới nhân viên X để có câu trả lời tối ưu nhất". Tuy chỉ là một câu trả lời ngắn gọn nhưng bạn đã thể hiện được vai trò quản lí của mình khi nắm bắt được từng nhân tố dưới quyền, hơn nữa lại tìm được nhân viên có thể đưa ra phương án hợp lí nhất.

2. Học hỏi

Không phải ai cũng giỏi ngay từ đầu, vì thế bạn chẳng có việc gì phải ngại khi là một người chưa giỏi và vẫn luôn sẵn sàng học hỏi. Nếu cấp dưới của bạn là một người tài năng, hãy học hỏi họ với thái độ chân thành nhất. Điều quan trọng nhất là bạn đừng "dương oai giễu võ" trước một người thuần thục chuyên môn.

Nếu vẫn còn ngại ngùng, bạn có thể ngồi xuống với nhân viên, tâm sự, chia sẻ về những câu chuyện diễn ra hằng ngày, đặt câu hỏi về công việc để lắng nghe họ nhiều hơn. Đó cũng là một cách họ hỏi tốt hơn việc giấu giếm hay chỉ tự đọc lí thuyết trên mạng.

3. Yêu cầu phản hồi từ nhân viên

Những nhân viên kì cựu có thể giúp bạn có những đóng góp tốt nhất trong công việc. Nếu biết tận dụng, họ có thể trở thành nguồn lực tuyệt vời giúp bạn trở thành nhà quản lí hoàn hảo khi vừa thường xuyên cải thiện chuyên môn vừa biết lắng nghe những đóng góp của nhân viên. Tuy nhiên, nếu sử dụng "sai cách", tức là nhân viên của bạn chỉ biết than vãn khi được yêu cầu thì bạn sẽ chẳng chạm tới mục tiêu đề ra.

Sếp cần phải làm gì khi có nhân viên giỏi hơn? - Ảnh 2.

4. Tôn trọng nhân viên

Đã là một quản lí, bạn đừng nên mang tâm lí lo sợ và ghen tị với nhân viên. Nếu luôn giữ khư khư tâm lí rằng nhân viên có thể "giành chức" của mình một ngày nào đó thì bạn sẽ chẳng thể làm gì, chuyên môn không khá lên được, cũng chẳng chịu lắng nghe ý kiến nhân viên.

Thực ra, không phải ai cũng mong muốn trở thành quản lí bởi quản lí có rất nhiều những việc mà một nhân viên có khi chẳng muốn làm như báo cáo, họp hành, kiểm tra hiệu quả của nhân viên... Vì thế, khi giữ vai trò quản lí, bạn nên tôn trọng nhân viên của mình và luôn đánh giá hiệu quả làm việc của họ một cách công bằng, minh bạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại