Sẽ có 5 trường hợp được hoãn thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc?

Huệ Linh |

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư liên tịch về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, trong đó có 5 trường hợp được hoãn tử hình, tăng thêm 2 trường hợp so với Luật Thi hành án Hình sự 2019.

Theo Điều 81 Luật Thi hành án Hình sự 2019 có hiệu lực từ 1/1/2020, có 3 trường hợp được hoãn thi hành án tử hình:

- Người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự, gồm: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

- Có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;

- Ngay trước khi thi hành án người bị kết án tử hình khai báo những tình tiết mới về tội phạm.

Tuy nhiên, dự thảo Thông tư liên tịch về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc nêu rõ, Hội đồng thi hành án tử hình quyết định hoãn thi hành án tử hình quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 81 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 trong các trường hợp sau:

Có thông tin do người bị kết án hoặc người khác khai báo hoặc do Hội đồng thi hành án tử hình biết được từ những nguồn tin khác, mà xét thấy những thông tin này là có căn cứ và có thể làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án hoặc là chứng cứ để khởi tố vụ án mới, người phạm tội mới và nếu thi hành hình phạt tử hình đối với họ thì có thể gây khó khăn lớn cho việc giải quyết vụ án, việc mở rộng điều tra vụ án.

Hội đồng thi hành án tử hình nhận được yêu cầu của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc hoãn thi hành án tử hình.

Trường hợp gặp thiên tai, hỏa hoạn hoặc có trở ngại khách quan khác, không thể thực hiện được việc thi hành án tử hình hoặc trên đường áp giải người bị thi hành án tử hình bị tai nạn phải đưa đến bệnh viện;

Trang thiết bị, dụng cụ thi hành án tử hình bị hư hỏng; không lấy được tĩnh mạch; thuốc thi hành án tử hình không đúng chủng loại, chất lượng, số lượng hoặc các điều kiện khác bảo đảm cho việc thi hành án tử hình không đáp ứng được;

Đã thi hành án tử hình theo đúng quy định của pháp luật nhưng người bị thi hành án không chết.

Về kinh phí thi hành án tử hình, theo dự thảo, kinh phí mua thuốc tiêm phục vụ cho thi hành án tử hình do ngân sách Nhà nước cấp trong dự toán ngân sách hằng năm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Công an cấp tỉnh), cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương (gọi chung là cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu).

Theo đó, Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm chi trả bồi dưỡng cho những người tham gia thi hành án tử hình theo quy định.

Về việc ra quyết định thi hành án tử hình, trường hợp trong một vụ án có nhiều người bị kết án tử hình thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền phải ra quyết định thi hành án đối với từng người bị kết án tử hình trong vụ án đó.

Trường hợp một người bị kết án tử hình nhiều lần do nhiều Tòa án khác nhau tuyên án, thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm lần cuối cùng đã tuyên án tử hình có trách nhiệm ra quyết định thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình đó.

Xem bài gốc Tại Đây

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại