Thi hành tiêm thuốc độc theo quy trình 3 bước
Theo Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực từ 1/7/2011, Việt Nam áp dụng duy nhất một phương thức thi hành án tử hình là tiêm thuốc độc, thay cho xử bắn trước đó. Cũng giống như các tử tù trước đây, tử tù Nguyễn Hải Dương cũng sẽ thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc với các bước theo quy định tại Nghị định số 47/2013/NĐ-CP.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Chánh án TAND tỉnh Bình Phước cho biết, ngày 17/11, tử tù Nguyễn Hải Dương sẽ được di chuyển từ trại giam ở tỉnh Bình Phước xuống tỉnh Bình Dương để thi hành án.
Về trình tự theo quy định thì tử tù Nguyễn Hải Dương sẽ được cảnh sát áp giải đến nơi làm việc của Hội đồng thi hành án tử hình tại Bình Dương. Sau đó, cán bộ chuyên môn sẽ kiểm tra danh bản, chỉ bản, đối chiếu với hồ sơ, tài liệu có liên quan... báo cáo Hội đồng thi hành án tử hình về kết quả kiểm tra.
Trước giờ thi hành án, cơ quan chức năng phải chuẩn bị đủ 3 liều thuốc, mỗi liều bao gồm 3 loại là thuốc dùng để gây mê, thuốc dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp và thuốc dùng để ngừng hoạt động của tim (trong đó có 2 liều dự phòng).
Việc bàn giao thuốc phải được lập biên bản giao, nhận, niêm phong, quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật.
3 bị cáo gây ra vụ thảm án 6 người ở Bình Phước (Từ trái qua: Dương - Tiến - Thoại)
Bên cạnh đó, người bị đưa ra thi hành án tử hình được hưởng tiêu chuẩn ăn, uống bằng 5 lần tiêu chuẩn của ngày Lễ, Tết quy định đối với người bị tạm giam.
Người thân nạn nhân: "Tôi hận, rất hận thằng Dương"
Mặc dù đã hơn 2 năm trôi qua, nhưng nỗi đau của những người thân 6 nạn nhân trong vụ thảm án ở Bình Phước vẫn còn hiện hữu. Ông Nguyễn Dinh (74 tuổi, ông ngoại của nạn nhân Linh) vẫn không tin chuyện 6 người thân của mình ra đi chỉ trong một đêm và càng không thể tin được hung thủ lại là gã thanh niên mà mình vẫn quý mến, coi như con cháu trong nhà.
Khi được hỏi về việc thi hành án tử đối với Nguyễn Hải Dương, ông Dinh tỏ ra bất ngờ vì không hề biết thông tin. Suốt 2 năm qua, phải trải qua nỗi đau quá lớn nên ông Dinh không còn thời gian để quan tâm Dương bị giam ở đâu nữa.
"Hiện tại tôi vẫn chưa thể nào quên được cái ngày xảy ra biến cố lớn nhất trong gia đình mình. Mỗi lần nhìn di ảnh các con, các cháu tôi lại nhớ đến lúc trước, lúc chúng còn sống... Nếu thằng Dương bị thi hành án bằng thuốc độc thì quá nhẹ nhàng rồi, chỉ tiêm thuốc mà chết chứ có đau đớn gì đâu so với nỗi đau mất 6 người thân chúng tôi", ông Dinh đau buồn nói với phóng viên báo Thời Đại.
Ông Dinh và vợ là người thường xuyên hương khói cho những người nhà (Ảnh: Tứ Quý/Thời đại)
Được biết, ngôi biệt thự hiện tại không ai ở, chỉ có người trông coi bên ngoài còn ông Dinh ở gần đó hàng ngày qua lại hương khói cho người thân. Chỉ đến khi có giỗ chạp thì họ hàng mới tụ họp về căn biệt thự này.
Cháu Na (cháu ngoại ông Dinh), nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ thảm án hiện nay đã hơn 4 tuổi được một người họ hàng đón lên TP HCM để chăm sóc.
"Tôi hận, rất hận thằng Dương. Hai năm rồi, tôi nhớ con, nhớ cháu lắm. Nhưng mà rồi sao? Chết cũng đã chết rồi. Giờ có đào sâu vào tội lỗi thì cũng chỉ làm con cháu đời sau thêm uất hận", ông Dinh nói trên trang Zing.
Vì bị gia đình ông Lê Văn Mỹ, chủ doanh nghiệp gỗ Quốc Anh, ngăn cản tình cảm với Lê Thị Ánh Linh (con gái ông Mỹ) nên Dương nảy sinh ý định giết cả nhà ông Mỹ để trả thù.
Dương rủ Thoại tham gia rồi chuẩn bị hung khí. Sau hai lần đến nhà ông Mỹ thám thính tình hình để thực hiện cùng Dương, Thoại bất ngờ từ chối tham gia gây án một ngày trước đó.
Dương tiếp tục lôi kéo Tiến hỗ trợ nhưng nói dối Tiến là đến đòi nợ vợ chồng ông Mỹ và hứa cho Tiến một khoản tiền lớn.
Rạng sáng 7/7/2015, Dương và Tiến đột nhập vào biệt thự nhà ông Mỹ, lần lượt sát hại sáu người trong gia đình ông Mỹ rồi cướp điện thoại, iPad, laptop, tiền mặt... trị giá khoảng 50 triệu đồng.
Riêng bé Na (18 tháng tuổi, con út ông Mỹ) lúc đó đang khóc, được Dương dỗ ngủ trước khi bỏ trốn.
Vì sao có những tử tù sau hơn chục năm vẫn chưa bị thi hành án? (Nguồn: VTC14)
(Tổng hợp)