Sẽ có 1 cơ quan quản lý chung các cửa hàng thực phẩm sạch?

Pha Lê |

Đại diện một cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội đặt ra câu hỏi, khi nào cơ quan Nhà nước sẽ thống nhất được chỉ 1 cơ quan quản lý các cửa hàng thực phẩm sạch?

Sáng 23/8, "Diễn đàn kết nối Doanh nghiệp - người tiêu dùng: ĐÓN SÓNG THỰC PHẨM SẠCH" lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam do Báo điện tử Trí Thức Trẻ, Soha.vn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng tổ chức.

Trong phiên thảo luận mở - bàn tròn phần đầu chương trình mang tên "Người sản xuất thực phẩm sạch phải đối mặt những thách thức nào từ chính sách và thực tiễn?", đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển đã nêu ra những bức xúc của doanh nghiệp này cũng như nêu lên tiếng nói chung của cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sạch tại thủ đô Hà Nội.

Một trong những vấn đề mà đại diện Sói Biển nêu ra là trong quá trình kinh doanh, có rất nhiều cơ quan kiểm tra, giám sát cửa hàng.

"Khi tôi mở một cửa hàng thực phẩm sạch thì rất nhiều các cơ quan từ Y tế, Công thương, Công an Môi trường, Công an Kinh tế, phường, cán bộ phường, cán bộ quận, thành phố... đến. Thực sự rất đau đầu.

Hiện tại, Sói Biển phải thuê 1 bạn sinh viên mới ra trường để đào tạo trong vòng 2 tháng để chuyên đi phụ trách các vấn đề này", đại diện Sói Biển bức xúc.

"Bao giờ các cơ quan Nhà nước sẽ thống nhất được chỉ 1 cơ quan quản lý các cửa hàng thực phẩm sạch?", vị đại diện này đặt câu hỏi.

Sẽ có 1 cơ quan quản lý chung các cửa hàng thực phẩm sạch? - Ảnh 1.

Đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường, Phó phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết: "Việc quản lý Nhà nước về Vệ sinh an toàn thực phẩm phân theo chuỗi nhưng quả thực là thuộc một số bộ như Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp cũng như về các cơ quan thuế hoạt động theo Luật Doanh nghiệp...

Về việc kiểm tra giám sát, chính sách thuế tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động phụ thuộc ngoài phạm vi của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mà thuộc phạm vi của Chính phủ. Nếu Chính phủ có những nghị định quy định về việc hộ trợ, chính sách kiểm tra giám sát như thế nào cho thống nhất thì việc thực hiện sẽ thuận tiện hơn", ông Cường nói.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của ông Cường, TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn cũng nhấn mạnh: "Ngay trong cuộc họp chiều 24/8, tôi sẽ trực tiếp báo cáo vấn đề này với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp va Phát triển để có giải pháp giải quyết".

Tranh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp là một trong những nội dung quan trọng trong kinh doanh. Việc thanh tra, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm tránh chồng chéo nhau, gây lãng phí, mất thời gian và tạo tâm lý không tốt cho doanh nghiệp.

Theo chia sẻ của ông Lê Mạnh Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, "hiện nay doanh nghiệp bị kiểm tra quá nhiều, thậm chí chúng tôi còn biết có loại doanh nghiệp bị kiểm tra hàng tuần".

Ông cũng cho hay, mỗi năm chỉ được thanh, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần, phấn đấu năm 2020, Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại