Sau khi sinh con, người phụ nữ bước vào giai đoạn ở cữ. Nhiều chị em kiêng khem rất nhiều từ việc ăn uống, vận động đến vệ sinh cá nhân… Khác với họ, chị Vân Anh (SN 1991, Hà Giang) lại có quan niệm ở cữ rất hiện đại, được gói gọn trong "4 không". Bà mẹ 3 con chia sẻ: " Quan niệm ở cữ 4 không của mình là: Không kiêng tắm gội, không nằm ì một chỗ, ăn uống không kiêng khem và không ăn đồ giàu chất béo".
Quan niệm ở cữ 4 không của bà mẹ hiện đại
Chị Vân Anh cho hay, ngày thứ 2 khi bắt đầu tập đi sau sinh mổ là chị vệ sinh cơ thể và gội đầu. Trước đây, nhiều sản phụ kiêng không tắm gội sau sinh, thậm chí có nhiều người còn kiêng 1 tháng - 3 tháng không để cơ thể tiếp xúc với nước. Theo bà mẹ trẻ Hà Giang, đó là 1 quan niệm sai lầm. "Mình không kiêng tắm gội bởi vì khi sinh con, sản dịch cũng như mồ hôi tiết ra rất nhiều. Đây là môi trường thuận lợi cho biết bao loại vi khuẩn phát triển, bên cạnh đó là mùi cơ thể. Sạch sẽ mới giúp chúng ta nhanh hồi phục hơn" - chị Vân Anh cho biết.
Tuy nhiên khi tắm gội, mẹ trẻ sử dụng nước ấm, tắm trong phòng kín và không để vết mổ bị đọng nước. Bởi nếu vết thương sinh mổ bị nhiễm nước sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng, rất khó lành.
Việc vệ sinh cơ thể sạch sẽ sau sinh cũng giúp bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.
Do đặc thù của công việc, chị Vân Anh hầu như ngày nào cũng tập gym và tập luyện đến sát ngày sinh con. Hiện tại, chị mới đẻ mổ được 25 ngày. Dù chưa quay lại chế độ luyện tập như lúc trước sinh, nhưng chị Vân Anh cũng không kiêng vận động mỗi ngày.
Bà mẹ 3 con chia sẻ: "Ở cữ với mình khác lắm. Mình vẫn làm các công việc phù hợp với sức khỏe của bản thân. Ví dụ như làm công việc nhà (nấu cơm, giặt giũ…). 1 phần do mình ở riêng, chỉ có 2 vợ chồng và 3 con, nhà cũng nhiều công việc, thêm nữa là có hoạt động thì mới nhanh khoẻ. Chị em sau sinh không nên nằm 1 chỗ. Như thế vết thương vừa lâu lành, người lại mệt mỏi.
Mình cần một tinh thần thoải mái để xử lý một lượng công việc rất nhiều trong ngày. Mình chọn ở cữ linh hoạt. Nghĩa là cứ làm sao mình thấy vui là được. Nhiều người bảo như thế có phải ở cữ đâu, vẫn ra ngoài bình thường mà. Ở cữ gì mà vẫn ra ngoài chơi, đi dạo... Thật sự là mình vẫn đang ở cữ đấy, nếu không ở cữ mình đã cùng các con đi du lịch rồi. Các mẹ nên lên lịch thời gian trong ngày hợp lý.
Chúng ta ai cũng thuộc lòng câu nói: "Muốn khỏe mạnh thì phải tập thể thao". Vậy tại sao mọi người lại nghĩ nằm im 1 chỗ vài tháng sẽ đổi lại được sức khỏe sau này. Điều này rất vô lý. Bản chất để có sức khỏe là tập luyện và chế độ dinh dưỡng. Không luyện tập, không vận động thì lấy đâu ra sức khoẻ".
Đến thời điểm hiện tại, cả hai mẹ con chị Vân Anh đều có sức khỏe tốt. Để được như vậy, mẹ trẻ không kiêng khem đồ ăn. Chị cho rằng cứ ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, ăn chín uống sôi là mẹ đủ sữa nuôi con.
"Sự khác biệt hoàn toàn của chế độ ăn truyền thống sau sinh và của mình, đó là 1 bên được khuyên ăn thật nhiều cơm và 1 ít thịt lợn rang nghệ hoặc trứng luộc, rau ngót nấu thịt… Chị em ăn triền miên vài tháng. Còn mình lại hoàn toàn ngược lại: chỉ 1 bát cơm nhỏ và nhiều thịt (nạc, không ăn mỡ và bỏ da), cá, tôm... luân phiên thay đổi cùng rau xanh và hoa quả theo sở thích.
"Sau sinh cứ ăn thật nhiều cơm vào cho nhiều sữa" - là câu mình được nghe nhiều nhất theo kinh nghiệm được truyền dạy. Nhưng không đúng đâu mọi người. Những năm tháng đầu đời của đứa trẻ là khoảng thời gian cần xây dựng cho con 1 hệ miễn dịch và đề kháng tốt nhất. Khi con chưa ăn được mà chỉ hấp thụ 100% qua sữa mẹ thì mọi người lại đi kiêng hết, kén chọn nhiều món ăn kể cả từ lúc còn bầu.
Các nguồn dinh dưỡng đến từ nhiều nguồn protein khác nhau như: Các loại thịt, tôm, cá... chứ không phải chỉ món thịt lợn. Trẻ sơ sinh không giống như người trưởng thành - đã có khoảng thời gian ăn đủ mọi thứ trước đó nên việc kén ăn, chỉ ăn 1 loại duy nhất của mẹ trong thời gian ở cữ có thể khiến trẻ dễ bị đi ngoài khi mẹ ăn bình thường trở lại. Ngoài ra còn có thể gây kén ăn sau này cho con.
Khác với đa số, mình không quan tâm sữa phải thật nhiều. Mình chỉ cần đủ theo nhu cầu của con nhưng quan tâm hơn đến chất lượng sữa. Nếu nghĩ như nhiều người, mẹ ăn gì con ăn nấy qua sữa thì việc ăn đa dạng thức ăn như mình vừa giúp trẻ đầy đủ dinh dưỡng, mẹ không stress trong ăn uống - ăn nạc và có áp dụng tính TDEE (tổng số năng lượng mà cơ thể bạn đốt cháy trong 1 ngày) giúp mình vừa giảm được mỡ mà vẫn đủ sữa cho con".
Sự khác nhau giữa cơm cữ truyền thống và cơm cữ của chị Vân Anh. Chị chọn ăn mọi thứ nhưng ăn thịt nạc bỏ da. Ăn ít cơm nhưng nhiều thịt, hoa quả theo sở thích.
Một bữa sáng giàu dinh dưỡng của mẹ Hà Giang gồm: yến mạch + thịt nạc (lợn, gà , bò,...) + trứng gà. Khác hẳn với cơm cữ truyền thống là trứng luộc + thật nhiều cơm.
Dù ăn đa dạng các loại thực phẩm nhưng chị Vân Anh lại kiêng không ăn thực phẩm giàu chất béo, đặc biệt là món móng giò - món ăn được nhiều mẹ truyền tai nhau là sẽ giúp sản phụ nhiều sữa.
"Cái món ăn mình loại bỏ đầu tiên sau sinh chính là móng giò hầm hoặc nấu cháo, luộc... Đây là món ăn gây ngộ nhận nhiều sữa lâu đời nhất được truyền từ bà sang mẹ, mẹ sang con đến cháu chắt...
Trong móng giò tuy giàu protein nhưng cũng cực nhiều chất béo. Nếu mẹ ăn thường xuyên còn dễ gây tắc tuyến sữa và là một trong những nguyên nhân chính làm mẹ tăng rất nhiều mỡ sau sinh.
Vẫn biết để đánh tan suy nghĩ cố hữu bao đời của các bà các mẹ trong 1 sớm 1 chiều là khó. Nhưng mình vẫn muốn chia sẻ để các chị em có thể tham khảo tiếp cận tốt hơn đến kiến thức mới, tránh phải sợ hãi sau sinh vì các món được nấu với móng giò. Chứ món ăn đó chỉ béo mẹ chứ chả béo con. Thậm chí còn có thể gây tắc sữa cho mẹ sau sinh" - chị Vân Anh quan điểm.