Sau Qatar, đến Yemen, Kuwait và Libya bị tố có quan hệ với khủng bố

Hoàng Lê |

Căng thẳng vùng Vịnh leo thang lên cấp độ mới khi UAE ngày 4/10 nối dài danh sách đen các cá nhân và tổ chức có quan hệ với khủng bố.

Danh sách đen do Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) công bố lần này không chỉ bao gồm Qatar mà còn các cá nhân và tổ chức của Yemen, Kuwait và Libya. Động thái đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh tới nay vẫn trong tình thế bế tắc khi các bên không chịu nhượng bộ hay thỏa hiệp.

Sau Qatar, đến Yemen, Kuwait và Libya bị tố có quan hệ với khủng bố - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Qatar Abdulrahman Al-Thani cho rằng chính các nước Arab đang đẩy nước này về phía Iran. (Ảnh: Reuters)

Ngày 4/10, UAE công bố một danh sách mới gồm các cá nhân và tổ chức được cho là có quan hệ với khủng bố. Bản danh sách nêu tên 9 cá nhân, gồm ba công dân Yemen và các nước Qatar, Kuwait cùng Libya mỗi nước có 1 công dân.

Các tổ chức từ thiện như Balagh, el-Ehsan và al-Rahma đều có trụ sở tại Yemen cũng bị UAE liệt vào danh sách ủng hộ khủng bố. Danh sách cũng bao gồm một loạt tổ chức của Libya như Hội đồng Shura Benghazi, trung tâm truyền thông Al Saraya, hãng tin Boshra và kênh truyền hình vệ tinh al-Nabaa…

Khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh đã kéo dài trong 4 tháng qua mà không tìm được lối thoát. Tranh cãi căng thẳng giữa các nước bắt nguồn từ cáo buộc Qatar ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo và “đối thủ” Iran của các nước Vùng Vịnh.

Các nước Arab do Saudi Arabia dẫn đầu cắt dứt quan hệ ngoại giao với Qatar hồi đầu tháng 6, với cáo buộc Doha ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và thực thi các chính sách gây bất ổn trong khu vực. Nhóm bốn nước gồm Ai Cập, Saudi Arabia, UAEvà Bahrain đã tuyên bố 59 cá nhân và 12 tổ chức có liên hệ với Qatar vào danh sách khủng bố.

Đến nay, các phương Tây vốn có quan hệ tốt với các bên trong khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh, như Mỹ, Pháp, Đức đều ủng hộ các đồng minh Vùng Vịnh tự giải quyết những bất đồng của mình bằng con đường ngoại giao và đối thoại. Các nước đồng thời bày tỏ lo ngại căng thẳng kéo dài 4 tháng qua đe dọa ổn định khu vực, hủy hoại các nỗ lực tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng, và gây trở ngại cho các nỗ lực chung chống chủ nghĩa khủng bố.

Nhóm các nước Arab cũng đưa ra bản yêu sách gồm 13 điểm đối với Qatar, trong đó có việc yêu cầu Doha đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera và ngừng quan hệ với Iran, như một trong những điều kiện để hòa giải với các quốc gia Arab và vùng Vịnh. Tuy nhiên, Qatar vẫn cương quyết không thực thi bản yêu sách này, cho rằng các yêu cầu của bốn nước Arab là vi phạm chủ quyền của Doha.

“Họ cáo buộc Qatar rằng chúng tôi xích lại gần hơn với Iran và có quan hệ thân thiết với Iran. Và giờ đây, các biện pháp và thông điệp của họ đều đẩy Qatar đến với Iran”, Ngoại trưởng Qatar Abdulrahman Al-Thani chia sẻ trong chuyến thăm tới thăm Paris, Pháp, mới đây.

Ông nhấn mạnh: “Liệu đây có phải là mục đích của họ? thay vì xây dựng sự đoàn kết của Vùng Vịnh, thì họ lại đẩy một trong những thành viên sáng lập Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh tới gần Iran. Đây không phải là một hành động khôn ngoan”.

Qatar và bên còn lại vẫn không ngừng chỉ trích và lên án lẫn nhau, gây phương hại đến các nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế. Hành động tẩy chay của nhóm các nước Arab trong căng thẳng ngoại giao tại Vùng Vịnh đã gây tổn thất về kinh tế cho tất cả các nước liên quan./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại