Theo ông Kashin, sau khi dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận, Mỹ có thể sẽ bắt đầu cung cấp máy bay vận tải quân sự và máy bay tuần tra cho Việt Nam.
"Vũ khí đầu tiên sẽ được cung cấp cho Việt Nam sau khi dỡ bỏ lệnh cấm vận là máy bay tuần tra P-3 Orion. Nga đã ngừng sản xuất các loại máy bay tuần tra cơ bản vào những năm 1990, vì thế chúng ta không có sản phẩm nào trong lĩnh vực này để giới thiệu với Việt Nam.
Vũ khí thứ 2 sẽ là máy bay vận tải C-130 Hercules. Chúng ta không còn sản xuất bất cứ máy bay nào thuộc dòng tương tự bởi đã có máy bay hạng nặng hơn là IL-76" - ông Kashin nói với hãng tin Sputnik hôm 24/5.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3
P-3 Orion (do tập đoàn Lockheed sản xuất) là máy bay trinh sát chống ngầm, có khả năng phát hiện và tấn công tàu ngầm đối phương, cũng như tác chiến chống tàu mặt nước.
Trong khi đó, C-130 Hercules (cũng của Lockheed) là máy bay vận tải quân sự nhưng còn có thể được vũ trang để thực hiện nhiệm vụ tấn công trên không.
Máy bay vận tải C-130
Mặc dù vậy, ông Kashin tin rằng Nga - nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự chủ lực cho Việt Nam bấy lâu nay, sẽ không mất đi thị phần đáng kể trên thị trường này về tay các nhà sản xuất Mỹ.
"Cuộc cạnh tranh kinh doanh trên thị trường Việt Nam đã diễn ra ngay cả khi Mỹ chưa ra quyết định.
Việt Nam đang thực hiện chính sách đa dạng hóa các mối quan hệ. Hà Nội đang hợp tác với Israel, một số nước EU và đang phát triển quan hệ với Ấn Độ. Đối với Nga, quyết định của ông Obama không dẫn tới nhiều thay đổi" - ông Kashin cho hay.
Nhu cầu nhập khẩu vũ khí của Việt Nam đang tăng lên. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIRPI), trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn thứ 8 trên thế giới. Trong đó, theo ông Kashin, vũ khí Nga chiếm tới 90% các đơn hàng này.
Sức mạnh máy bay tuần tra chống ngầm P-3C