Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, học viện Báo chí và Tuyên truyền) sau khi cúng ông Công ông Táo (ngày 23 tháng Chạp) xong vùng nông thôn Bắc Bộ, gia chủ thường lấy vôi bột rắc và vẽ thành hình cung, tên ở cửa ngõ xung quanh nhà.
Gia đình nào cũng làm vậy để thay ông Công ông Táo trấn ải vùng đất của họ trong 7 ngày Táo quân vắng mặt.
Sau đó, các gia đình sẽ dọn dẹp, tẩy uế bàn thờ. Bởi cuối năm, bất kỳ gia đình nào cũng hạ bát hương xuống để làm việc bao sái bàn thờ (dọn dẹp bàn thờ). Nhưng việc làm này cũng cần chọn người cẩn thận, tỉ mỉ để tránh va đập.
"Thông thường sau khi cúng ông Công ông Táo xong chủ nhà sẽ xin phép sửa sang lại bàn thờ đón Tết. Vì trong một năm, ban thờ có thể bị bụi, bẩn.
Các gia đình có thể tháo ban thờ để lau rửa. Dụng cụ để lau rửa ban thờ phải là khăn sạch, nước sạch. Bàn thờ gia tiên sạch sẽ là thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và mong muốn một năm mới an lành", PGS.TS Phạm Ngọc Trung chia sẻ.
Những điều cần làm sau khi cúng ông Công ông Táo các gia đình nên nhớ.
Sau khi dọn dẹp bàn thờ xong, việc tiếp theo các gia đình tỉa chân hương và có thể thay tro bát hương nếu cần thiết, vì một năm qua bát hương sẽ đầy sau những ngày cúng giỗ, rằm.
Sau khi ban thờ đã sạch sẽ, khang trang để chào đón thần linh, các gia đình cần làm lễ an vị Táo quân, an vị Thần linh.
Theo đúng quan niệm dân gian thì lễ mời an vị Táo quân và Tất niên phải làm đúng vào trưa 30 Tết. Nhưng hiện nay, nhiều gia đình thường cúng sớm hơn vì phải về quê hoặc đi xa.
Việc cần chú ý cuối cùng là cần trang hoàng nhà cửa và mở cửa, bật đèn đón sinh khí từ đất trời để rước lộc về nhà và đón chào một năm mới an khang thịnh vượng.