Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Anh, bên cạnh Australia, nước này cũng muốn xem xét thỏa thuận tiềm năng với Ấn Độ, Nhật Bản và Canada. Đây được xem là một định hướng đáng chú trong chính sách "nước Anh toàn cầu" được chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đưa ra hồi tháng 3 năm nay.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters
Tham vọng thành lập những liên minh mới
Tuyên bố về việc nước Anh muốn xây dựng nhiều liên minh tương tự như AUKUS được tân Ngoại trưởng Anh Elizabeth Truss đưa ra trong Hội nghị của đảng Bảo thủ Anh tại thành phố Manchester hôm 3/10 và được coi là tuyên bố về chính sách đáng chú ý đầu tiên của bà Liz Truss trên cương vị mới.
Việc bà Liz Truss nêu tên các nước đồng minh quan trọng mà nước Anh muốn củng cố quan hệ liên minh như Nhật Bản, Ấn Độ, Canada cho thấy việc theo đuổi chính sách "Nước Anh toàn cầu – Global Britain" tiếp tục là ưu tiên lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Anh thời hậu Brexit.
Ưu tiên này thể hiện trước hết ở mặt hình thức, bởi Nhật Bản ở Đông Á, Ấn Độ ở Nam Á còn Canada ở Bắc Mỹ, đều là các khu vực rất xa về mặt địa lý với nước Anh, nhưng lại được chính phủ Anh đặt trọng tâm phát triển quan hệ, trong khi các đồng minh truyền thống, thân cận và gần gũi nhất về mặt địa lý là châu Âu thì hoàn toàn bị phớt lờ, không hề được nhắc đến.
Vì thế, điều này trước hết cho thấy nỗ lực có chủ ý của chính phủ Anh muốn thể hiện rằng sau Brexit, nước Anh đang hoàn toàn "dứt bỏ" châu Âu để tự do đi xây dựng các quan hệ chiến lược mới trên khắp thế giới, rằng Brexit là lựa chọn đúng của nước Anh.
Tất nhiên, đối với 3 nước Nhật Bản, Ấn Độ, Canada, nước Anh đều đã và đang có những chia sẻ tương đồng về lợi ích chiến lược. Ấn Độ từng được cả hai đời Thủ tướng Anh gần đây là bà Theresa May và ông Boris Johnson coi là đối tác hàng đầu tại châu Á thời hậu Brexit.
Ngay khi các đàm phán Brexit chưa chấm dứt, phía Anh đã ráo riết vận động ký Hiệp định tự do thương mại với Ấn Độ để bù đắp cho Brexit. Thủ tướng Anh Boris Johnson từng lên kế hoạch thăm Ấn Độ rất sớm nhưng phải hoãn vì đại dịch Covid-19 bùng phát tại Ấn Độ hồi đầu năm 2021. Hồi tháng 06/2021, Anh cũng đã mời Ấn Độ dự Thượng đỉnh G7 do Anh tổ chức.
Canada là đồng minh truyền thống lâu đời của Anh trong Khối Thịnh vượng chung và liên minh tình báo "Ngũ nhãn", nhờ sự tương đồng về lịch sử-văn hóa-ngôn ngữ-chủng tộc.
Còn Nhật Bản, với vai trò là cường quốc kinh tế trong G7, đồng minh chiến lược của Mỹ ở Đông Á, một trong 4 thành viên của nhóm "Bộ Tứ Kim cương" (Quad), là một đồng minh chiến lược tự nhiên của Anh. Cách đây không lâu, Anh cũng đã gửi hạm đội tàu sân bay thực hiện chuyến đi đến tận Biển Đông, tham gia diễn tập cùng quân đội Nhật Bản và một số đồng minh khác.
Các cuộc thảo luận chính thức về việc lập một dạng liên minh như AUKUS giữa Anh với Ấn Độ, Canada, Nhật Bản… chưa diễn ra nhưng tư duy hợp tác chiến lược giữa Anh với các quốc gia này trên thực tế đã tồn tại từ vài năm qua, được đặc biệt đẩy mạnh từ thời kỳ hậu Brexit.
Các ý tưởng này không phải vừa nảy sinh mà chỉ là sự tiếp nối của những chính sách mà chính phủ Anh thực thi từ trước, và giờ đang thành hình rõ nét hơn sau khi đã có một hình mẫu làm chuẩn là liên minh AUKUS.
Anh đang theo đuổi mô hình liên minh 3 bên, 4 bên
Sự ra đời của liên minh an ninh AUKUS giữa Anh, Australia và Mỹ là một chiến lược địa chính trị quan trọng nhất mà nước Anh thực thi kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Cốt lõi của liên minh an ninh này nằm ở việc chia sẻ một trong các công nghệ quốc phòng tuyệt mật, thuộc dạng nhạy cảm nhất của Mỹ-Anh, đó là tàu ngầm mang động cơ hạt nhân, kèm theo đó là các vũ khí tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa siêu thanh.
Việc chia sẻ công nghệ tuyệt mật này mới chỉ được Mỹ thực hiện một lần duy nhất là vào năm 1958 cho chính nước Anh và nay, Mỹ-Anh quyết định trợ giúp Australia. Vì thế, AUKUS có thể xem là liên minh gồm 3 nước đồng minh thân cận nhất của nhau trong khối Anglo-saxon, với quá nhiều điểm chung về lịch sử-văn hóa-ngôn ngữ-tư tưởng-chủng tộc.
Tuy nhiên, sự ra đời của AUKUS cũng đã và đang tạo ra quá nhiều chỉ trích, tranh cãi, không chỉ từ quốc gia đối thủ mà Aukus nhắm đến là Trung Quốc, hay từ các đồng minh châu Âu như Pháp, EU mà nó còn tạo ra một số hoài nghi nhất định từ chính các đồng minh thân cận của Anh-Mỹ như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc hay Canada.
Giới phân tích cho rằng, các nước này hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về việc liệu AUKUS có phải là một dạng phân chia thứ bậc cho thấy Mỹ-Anh chỉ coi duy nhất Australia là đồng minh tin cậy để chia sẻ các công nghệ quốc phòng cao nhất hay không? Liệu AUKUS có đồng nghĩa với việc sự tồn tại và vai trò của "Bộ Tứ Kim cương" chỉ còn là hình thức hay không?
Điều này càng thể hiện rõ hơn sau cuộc gặp không mấy thành công của lãnh đạo 4 nước Bộ Tứ là Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ-Australia tại Mỹ cách đây 2 tuần, cùng thái độ trở nên thận trọng hơn của Ấn Độ.
Ấn Độ rõ ràng không hoàn toàn vui mừng vì sự ra đời của AUKUS khi cảm thấy vai trò của "Bộ Tứ" bị suy giảm và động thái hai nguyên thủ Ấn Độ và Pháp, quốc gia bị thua thiệt nhất bởi AUKUS, tiến hành các thảo luận chiến lược ngay sau AUKUS, cho thấy điều đó.
Còn tại Canada, giới chính trị gia nước này đã lên tiếng về việc tại sao Canada lại không nằm trong AUKUS.
Do đó, nỗ lực của Anh trong việc tạo lập nhiều liên minh mới giống như AUKUS với Ấn Độ, Nhật Bản, Canada một mặt vừa có động thái xoa dịu sự bất mãn ngầm của các quốc gia này sau sự kiện AUKUS, mặt khác xây dựng các lớp liên minh khác nằm phủ bên ngoài AUKUS.
Nói cách khác, AUKUS sẽ là hạt nhân còn liên minh với Nhật Bản, Ấn Độ hay Canada sẽ là các vòng tròn rộng hơn, với mức độ chia sẻ thông tin tình báo, hợp tác quốc phòng nâng cao hơn nhưng không đến tầm chặt chẽ như AUKUS.
Mở rộng liên minh tác động ra sao đến chiến lược của Anh?
Nước Anh đang ráo riết theo đuổi chiến lược "Nước Anh toàn cầu – Global Britain" với ý muốn thể hiện rằng Vương quốc Anh vẫn là một cường quốc quân sự-kinh tế-ngoại giao có tầm ảnh hưởng toàn cầu chứ không chỉ bó hẹp tại châu Âu.
Sự ra đời của liên minh AUKUS là một thắng lợi cho nước Anh và là một thất bại đối với Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp, một quốc gia cạnh tranh ngang tầm với Anh bao năm qua, nói riêng.
Vì thế, chúng ta sẽ còn chứng kiến chính sách ngoại giao quốc phòng an ninh mạnh mẽ hơn của Anh tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trong thời gian tới, không chỉ trên lĩnh vực quốc phòng mà còn cả về kinh tế, với việc Anh cũng đã chính thức đàm phán xin gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP.
Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời là liệu nước Anh có đủ tiềm lực kinh tế-quân sự để theo đuổi và duy trì đến cùng chiến lược này hay không. Anh là một cường quốc nhưng không phải là một cường quốc toàn cầu và rất nhiều tiếng nói chỉ trích tại Anh cho rằng chính phủ Anh đang theo đuổi các tham vọng vượt quá thực lực của nước này.
Nhưng chính phủ Anh lại đáp trả rằng, chỉ có bằng cách vươn xa, xây dựng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu thì Anh mới gây dựng lại được sức mạnh kinh tế, thương mại của mình, giữ được lợi ích của Anh tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nơi được xem sẽ quyết định tương lai chính trị thế giới trong thế kỷ 21.
Việc nước Anh chuyển dịch nguồn lực sang Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng là chiến lược tương thích với ưu tiên dồn toàn bộ nguồn lực của Mỹ vào khu vực này, mà mục đích lớn nhất thì ai cũng biết, dù được che giấu bởi các ngôn từ ngoại giao, đó là để kiềm chế và bao vây sự vươn lên của Trung Quốc.
Những gì nước Anh đang thực thi là một phần của cuộc chơi lớn của thế kỷ 21, đó là cuộc cạnh tranh siêu cường Mỹ-Trung và mở rộng hơn là giữa Trung Quốc với phương Tây. Điều này tạo nên các bối cảnh rất khó đoán định cho môi trường địa chính trị tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Một mặt, các liên minh an ninh mới có thể tạo nên sự cân bằng sức mạnh, một sự răn đe cần thiết đối với những cường quốc muốn sử dụng vũ lực để giành lợi thế, nhưng mặt khác, nó cũng tạo nên một môi trường an ninh đầy bất trắc tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà tác động đầu tiên sẽ là các cuộc chạy đua vũ trang, nguy cơ bùng nổ xung đột, nguy cơ tạo thành các khối đối đầu như thời Chiến tranh Lạnh.
Do đó, tất cả các chiến lược này của các cường quốc như Anh đều phải được quan sát và theo dõi một cách cẩn trọng./.