"Vị thánh từ Gujarat" Mahatma Gandhi, tên thật là Mohandas Karamchand Gandhi, là tượng đài bất tử, người anh hùng tử vì đạo của Ấn Độ. Ông được người dân Ấn Độ đời đời nhớ ơn vì đã giải phóng cho nửa tỉ dân khỏi đế quốc Anh mà không hề tốn bất kì viên đạn nào.
Ông đã trở thành biểu tượng hòa bình toàn cầu nhờ những cống hiến của ông cho nền hòa bình dân tộc, cùng với những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng và công lý. Ngoài ra, ông cũng là nguồn cảm hứng cho các phong trào tự do dân quyền ở Ấn Độ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Có ý kiến cho rằng Ấn Độ do chính Gandhi giải phóng đã dần lãng quên lý tưởng của ông. Vậy, nếu Mahatma Gandhi còn sống đến ngày nay, liệu ông sẽ thấy tự hào hay thất vọng về Ấn Độ hiện tại? Liệu ông có thể tự hào về di sản mình đã để lại cho dân tộc hay không?
Trả lời CNA, ông Tushar Gandhi, cháu nội Mahatma Gandhi cho rằng người ông quá cố của mình có lẽ sẽ không cảm thấy hài lòng nếu như ông còn sống và chứng kiến tình hình đất nước ngày nay.
"Tôi nghĩ nếu Bapu (trong tiếng Ấn Độ nghĩa là 'vị Cha già dân tộc') vẫn còn sống đến ngày nay, Người sẽ không để cho mọi chuyện vượt xa tầm kiểm soát đến thế. Sự chênh lệch giữa khi đó và bây giờ quả thật quá lớn", ông Tushar cho biết.
Ông Tushar cũng tin rằng ông nội mình chắc chắn sẽ phát động một phong trào khác để giải phóng nông thôn Ấn Độ, và thức tỉnh họ hành động nhằm thay đổi chính quyền.
Nhà sử học và tác giả sách Ramachandra Guha cũng đồng ý với nhận định trên: "Nếu Mahatma Gandhi được tái sinh làm công dân Ấn Độ ngày nay, tôi nghĩ ông sẽ thấy bối rối [trước tình hình hiện tại]."
Nền kinh tế phát triển nhanh chóng đã giúp Ấn Độ vươn lên vị trí cường quốc lớn mạnh hiện tại, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 7% trong vòng hai thập kỷ qua, thậm chí nước này từng vượt Trung Quốc trong năm 2014.
Kinh tế Ấn Độ hiện xếp thứ 7 trên toàn thế giới, và dự báo sẽ vươn lên vị trí thứ 3 vào năm 2030. Tuy nhiên quá trình toàn cầu hóa và chú trọng phát triển công nghiệp nặng đã đem đến cho Ấn Độ cái giá đắt mà chắc chắn Gandhi không bao giờ muốn trả.
"Tự nguyện đói nghèo"
Ấn Độ đã dần trở thành một xã hội tiêu thụ, với các thành phố đều sở hữu các trung tâm thương mại hướng đến đối tượng khách hàng là tầng lớp trung lưu. Với con số ước tính khoảng 50 triệu người, tầng lớp này hiện đang phát triển nhanh chóng và có sức mua sắm khổng lồ.
Nhà kinh tế học Sudarshan Iyengar đã chỉ ra rằng, trước đây Gandhi từng tranh luận về việc chấp nhận tiêu chuẩn kinh tế thấp hơn dành cho tất cả mọi người, hay còn được ông gọi là ‘nghèo đói tự nguyện", để lượng của cải trong nước được phân chia công bằng cho tất cả mọi người.
Hình ảnh đường phố Ấn Độ. Ảnh: CNA.
Đồng thời, sự gia tăng không kiểm soát của tầng lớp giàu có cũng là mối bận tâm lớn của Gandhi khi ấy. Hiện nay điều này được thể hiện rõ ràng trong xã hội Ấn Độ.
Theo tổ chức từ thiện chống đói nghèo Oxfam, năm ngoái, hơn 670 triệu dân Ấn Độ thuộc tầng lớp nghèo nói rằng thu nhập của họ được tăng lên 1%. Ngược lại, chỉ 1% thu nhập của người giàu nhất Ấn Độ đã bằng 73% thu nhập quốc gia này.
"Đó chính là lí do bạn thường bắt gặp những người vô gia cư, hay thậm chí chết đói ở Ấn Độ", nhà hoạt động nhân quyền Nikhil Dey, người sáng lập nhóm MKSS (Tổ chức vì quyền của người lao động và nông dân), nói với Al Jazeera.
Người nghèo không có cơ hội làm việc. Đất đai của họ bị thu hồi, họ không có việc làm, và các trường học thì đang dần bị tư nhân hóa.
Sự phân chia thành thị - nông thôn ngày càng sâu sắc hơn, và cuộc sống của 700 triệu người dân nông thôn dần lâm vào bế tắc. Ngày càng nhiều dân làng phải tìm đường lên thành phố với hy vọng thoát khỏi cảnh nghèo đói, nợ nần.
Tiến sĩ Iyengar nói: "Hàng triệu người nghèo tại Ấn Độ đang cần được xóa nghèo… và chính phủ nhà nước có vai trò vô cùng quan trọng để thực hiện điều đó".
Kì thị tôn giáo
Có lẽ điều khiến Gandhi, người từng thành công trong công cuộc chống lại sự bất công về chủng tộc và đoàn kết dân tộc, phải thấy khiếp sợ tại Ấn Độ ngày nay là thái độ kì thị tôn giáo của người dân.
Lòng tin tưởng tôn giáo mù quáng đã gia tăng đỉnh điểm trong giai đoạn từ 1989 đến 2004, sau khi một nhà thờ hồi giáo ở Ayodhya bị san bằng năm 1992. Vụ việc này đã khiến hàng loạt các cuộc bạo loạn tôn giáo nổ ra trên khắp mọi miền đất nước, khiến gần 2.000 người thiệt mạng.
Sự kiện này đã giúp đưa Đảng Bharatiya Janata (BJP) lên nắm quyền ở nhiều tiểu bang. Sau khi lãnh đạo đảng BJP Narendra Modi đã trở thành Thủ tướng hồi năm 2014, đảng cánh hữu càng chiếm nhiều ưu thế tại Ấn Độ.
Ảnh: CNA.
"Chắc chắn Gandhi sẽ thất vọng trước các xu hướng phát triển đa đảng hay phong trào coi những người theo đạo Hindu là công dân hạng nhất, còn những người theo đạo Hồi và Thiên Chúa là công dân hạng hai", tiến sĩ Guha nói.
"Người lập luận... rằng một Ấn Độ tự do phải dựa trên nền tảng chính trị hòa bình và dân chủ. [Nền chính trị này] phải thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo, xóa bỏ đẳng cấp, xóa bỏ phân biệt giới tính và phải duy trì sự tự chủ về kinh tế".
Nói về triết lý của ông về tình yêu và hòa bình, Gandhi cũng nỗ lực đấu tranh vì quyền lợi của người Dalit, những người được coi là thành phần hạ đẳng trong hệ thống cấp bậc
Tuy nhiên những hành động tàn ác chống lại người Dalit vẫn tiếp diễn tại nhiều vùng miền trên đất nước Ấn Độ. Quê hương của Gandhi – Gujarat – chính là một trong những nơi phải chứng kiến tình trạng này nhiều nhất: năm 2016, đã có hơn 1.300 vụ việc trong đó người Dalit bị dân tộc khác tấn công.
Tháng 10/2017, một người đàn ông Dalit đã bị treo cổ dã man bởi những người thuộc cộng đồng cấp cao Patel chỉ vì đến xem garba, một điệu nhảy truyền thống của Gujarat. Trong một vụ tấn công khác cũng tại làng này, các thanh thiếu niên Dalit đã bị những người Rajput đánh đập dã man chỉ vì để râu.
Nếu như Gandhi còn sống, hẳn ông sẽ thấy thất vọng trước những vụ việc này. Sinh thời, Gandhi từng mơ ước về một xã hội phi giai cấp. Ông từng đổi tên người Dalits thành Harijan, tức "những đứa con của Chúa".
Ông Tushar, hiện là một nhà báo, cho biết: "Bapu có khát vọng đồng hóa các giai cấp. Người muốn những người Hindu hòa nhập vào một xã hội phi giai cấp".
Quyền phụ nữ
Gandhi cũng từng lên tiếng chống lại tình trạng tảo hôn, bạo hành phụ nữ, tục lệ của hồi môn, và tình trạng trẻ em gái không được đến trường. Tuy những điều đó đã được cải thiện, nhưng nhiều định kiến, bất công và tư tưởng cổ hủ vẫn xuất hiện cuộc sống thường nhật, và những người phụ nữ Ấn Độ ngày nay vẫn thường xuyên phải chịu nhiều ấm ức.
Năm 2013, một tòa án tại Ấn Độ đã kết án tử hình 4 bị cáo nam vì tội hiếp dâm tập thể và sát hại một nữ sinh tại thành phố Delhi. Vụ án này đã châm ngòi nhiều cuộc biểu tình ở Ấn Độ, khiến các nhà lập pháp phải đưa ra những luật lệ mới về tội hiếp dâm.
Những người phụ nữ Ấn Độ biểu tình. Ảnh: CNA.
"Tất nhiên trong quá khứ cũng có những vụ việc như vậy. Chỉ là bây giờ mọi người chú ý hơn thôi… nhưng điều quan trọng là, ngay cả khi những tội ác này đang hoành hành, bạn vẫn nghe thấy người ta tìm cách đổ lỗi cho người phụ nữ vì số phận của họ", ông Tushar nói.
Trong thời gian gần đây, quyền lực của người phụ nữ trong xã hội Ấn Độ cũng dần được củng cố hơn. Nhiều người bắt đầu làm đảm nhiệm những công việc trước đây từng được coi là chỉ dành cho đàn ông, và lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn dài.
Theo tiến sĩ Guha: "Tỉ lệ nam giới và nữ giới trong Quốc hội không phản ánh chính xác tỉ lệ nam nữ trong dân số Ấn Độ. Mặc dù những người phụ nữ chiếm một nửa dân số, nhưng chỉ có 10 hoặc 15% đại biểu Quốc hội là phụ nữ".
Tuy nhiên, nhiều tổ chức đã bắt đầu đổi mới. Ví dụ, Hiệp hội Phụ nữ Tự doanh (SEWA), một doanh nghiệp công đoàn liên doanh với hơn 1,8 triệu thành viên, đã khởi xướng một cuộc cách mạng của riêng họ.
Tổ chức được thành lập năm 1972 này đã thúc đẩy quyền lợi của những người lao động nữ có thu nhập thấp, và đưa những nhóm lao động nữ này đến các nước trong khu vực Nam Á.
"[Gandhi] nói rằng người phụ nữ có tố chất lãnh đạo bẩm sinh… và tôi cũng nghĩ như Người," nhà sáng lập SEWA cho biết.
"SEWA đã đem lại nhiều thay đổi về mặt chính trị, kinh tế, lao động, và thay đổi chính những người phụ nữ. Và những thành quả này cũng là nhờ vào sự lãnh đạo của người phụ nữ."
Truyền cảm hứng cho các thế hệ
Gandhi không chỉ truyền cảm hứng đến những cựu binh hay những người thuộc thế hệ cũ.
Lý tưởng Gandhi về cách sống bền vững đã truyền cảm hứng cho một nhóm người trẻ ở Bengaluru thành lập một trung tâm văn hóa tên là Ragi Kana. Dự án này thường xuyên tổ chức các hội chợ vào ngày Chủ nhật để những người nông dân bày bán và giới thiệu nông sản của mình cho những người dân thành thị.
Ông Tushar Gandhi, cháu nội của Mahatma Gandhi. Ảnh: CNA.
Theo ông Tushar, tầm nhìn của Gandhi về một đất nước Ấn Độ độc lập là "giải phóng những người nghèo nhất, những người không có học thức, và những người bị tước đoạt quyền lợi – tức những người ở đáy xã hội Ấn Độ, và để họ tự định đoạt quyền lợi và số mệnh của mình.
Theo ông Vikas Talya, thành viên tổ chức phi chính phủ Gram Seva Sangh, dự án Ragi Kana đã áp dụng tầm nhìn này của Gandhi.
Tổ chức phi chính phủ này đã lo ngại rằng những người dân làng sẽ bỏ công việc đồng áng, hay sản xuất thủ công, để đến những thành phố lớn và làm những công việc vất vả hơn. Trong bối cảnh ấy, hội chợ cuối tuần của Ragi Kana đã trở thành nơi để họ được làm đúng chuyên môn của mình, hơn nữa còn thu được lợi nhuận.
Theo ông Talya, "Gandhi tin tưởng vào sự phát triển của nông thôn. Ông đã đề xuất mô hình 'gram swaraj' (làng tự trị), nơi các ngôi làng tự sản xuất những sản phẩm của riêng họ, kiểm soát kinh tế và sự bền vững của làng".
Cũng như tổ chức ông Talya, nhiều người dân Ấn Độ cũng hy vọng gìn giữ ngọn lửa Gandhi. Tại thủ đô Delhi của Ấn Độ, trong đài tưởng niệm Raj Ghat, một ngọn lửa vẫn luôn cháy như lời nhắc nhở về những lý tưởng của Gandhi.
Nhiều người Ấn Độ vẫn hy vọng có ngày tình yêu, sự thật và hòa bình sẽ trở thành những biểu tượng của Ấn Độ.