"Con đẻ" Trung Quốc loay hoay thoát thế kẹt từ lệnh trừng phạt Triều Tiên

Hồng Anh |

Kinh tế thành phố Đan Đông thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đang có nguy cơ "rơi vực thẳm" sau khi các lệnh trừng phạt Triều Tiên được thực thi.

Các cửa hàng trống rỗng. Những công ty đối mặt nguy cơ đóng cửa. Và trong nhà hàng, vài nhân viên người Triều Tiên nhàn rỗi nhấp rượu cho qua ngày.

Theo CNN, tình trạng này đã trở thành quen thuộc trên những con đường thuộc thành phố Đan Đông – một thành phố bụi bặm và lạnh giá tọa lạc bên bờ sông Áp Lục, thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Con sông này nằm ngay giữa Trung Quốc và Triều Tiên.

Trong suốt nhiều thập kỉ, Đan Đông là trung tâm thương mại chủ chốt giúp cho Triều Tiên kiếm lợi nhuận từ sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, thành phố này đang "oằn mình" hứng chịu ảnh hưởng từ tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trước sự phát triển nhanh chóng của chương trình vũ khí hạt nhân của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Trump đã lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh "siết chặt" nguồn thu của Triều Tiên.

Con đẻ Trung Quốc loay hoay thoát thế kẹt từ lệnh trừng phạt Triều Tiên - Ảnh 1.

Vị trí thành phố Đan Đông. Ảnh: CNN.

Lệnh trừng phạt

Ông Liao, một thương nhân tại Đan Đông cho biết: "Ban đầu, tôi kinh doanh mặt hàng than nhập khẩu từ Triều Tiên. Nhưng năm ngoái chính phủ Trung Quốc đã cấm chúng tôi nhập khẩu từ Triều Tiên."

Đầu tháng 9/2017, Trung Quốc tuyên bố ngừng tiếp nhận các tàu chở than của Triều Tiên để áp dụng lệnh trừng phạt được thông qua bởi Hội đồng Bảo an LHQ hồi tháng 8/2017.

Ông Liao nỗ lực chuyển đổi sang mặt hàng khác để kinh doanh nhưng đều thất bại.

"Các khoáng sản, hải sản, nông sản – về cơ bản là tất cả các mặt hàng nhập khẩu đều bị cấm", ông Liao cho biết.

Danh sách các mặt hàng của ông Liao bao gồm một số mặt hàng chủ chốt cho Triều Tiên, đều bị 3 lệnh trừng phạt trong năm 2017 nhắm đến. Ngoài hàng hóa, lệnh cấm này còn áp dụng cho tất cả những thứ khác, từ lao động Triều Tiên, đến những doanh nghiệp liên doanh Triều Tiên.

Theo một số chủ doanh nghiệp, hiệu ứng "cộng dồn" ở Đan Đông diễn ra rất nhanh chóng.

Một người phụ nữ đã nhập các mặt hàng từ Triều Tiên hơn một thập kỉ cho biết: "Với tình hình hiện tại, tôi giống như bị ép phải nghỉ hưu. Có lẽ tôi sắp phải ngừng kinh doanh rồi."

Một chuỗi cửa hàng nhắm đến đối tượng khách hàng Triều Tiên tại Trung Quốc trước đây từng nhộn nhịp, hiện trở nên ngày càng đìu hiu trong vòng 2 năm trở lại đây, CNN cho biết.

Khu vực này có tên gọi là "Phố Cao Ly", tức tên triều đại trên bán đảo Triều Tiên thời phong kiến. Mới đây, nhiều người Triều Tiên đã đồng loạt rao bán nhà.

Một người chủ cửa hàng tại đây nói rằng: "Những người Triều Tiên đã biến mất."

Một cư dân Đan Đông có quan hệ mật thiết với các nhà ngoại giao thương mại Triều Tiên nói với CNN rằng hiện nay họ đang ở thế bí vì những khách hàng của họ đều buộc phải trở về nước.

"Hầu như cả ngày họ chỉ ngồi trong nhà hàng, chơi bài và ăn uống," người này nói. "Họ chẳng còn việc để làm."

Con đẻ Trung Quốc loay hoay thoát thế kẹt từ lệnh trừng phạt Triều Tiên - Ảnh 2.

Xe chở hàng trên cây cầu bắc ngang qua con sông nằm giữa Đan Đông và Triều Tiên. Ảnh: CNN.

Thay đổi chính sách

Trung Quốc từ lâu vẫn là đối tác thương mại lớn của Triều Tiên. Mỹ và nhiều quốc gia khác từng nhiều lần chỉ trích Trung Quốc vì không thực hiện nghiêm ngặt các chế tài trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã có một số biện pháp thắt lệnh trừng phạt với Triều Tiên hơn.

Ông Liao nói: "Lần này, Trung Quốc đang xem xét nghiêm túc các lệnh trừng phạt đó của Liên hợp quốc."

Cua Triều Tiên vẫn "tràn" vào Trung Quốc bất chất lệnh trừng phạt

Theo số liệu của Bắc Kinh trao đổi thương mại hàng hóa giữa Trung Quốc và Triều Tiên giảm hơn 50% hồi tháng 12 năm ngoái. Con số này có thể tiếp tục gia tăng trong năm nay.

Sự sụt giảm mạnh này là do thời hạn LHQ đưa ra để các quốc gia bắt đầu áp dụng các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên nhiều người vẫn nghi ngờ độ tin cậy của các dữ liệu do Trung Quốc cung cấp.

Vài năm trước, Trung Quốc đột ngột ngừng báo cáo lượng dầu thô bán cho Triều Tiên, dù nhiều người biết rằng nhiên liệu này vẫn chảy qua đường ống giữa 2 nước.

Một số doanh nghiệp vẫn né tránh các lệnh trừng phạt

Những người chỉ trích, trong đó bao gồm Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng Trung Quốc vẫn có thể thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn hơn để gây sức ép lên nền kinh tế Triều Tiên.

Ví dụ, Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn giải quyết các hoạt động buôn lậu thường diễn ra dọc biên giới dài hơn 1.400 km giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Nhiều người cho rằng chính phủ Triều Tiên thu được nhiều lợi nhuận từ các hoạt động này.

Tháng 9/2017, phóng viên CNN đã chứng kiến hải sản Triều Tiên nhập lậu được bày bán công khai trên các đường phố tại Hunchun, một thị trấn gần biên giới.

Và ở Đan Đông, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh, dù bị các lệnh trừng phạt nhắm đến.

Một loại hình liên doanh phổ biến của Trung Quốc – Triều Tiên là kinh doanh nhà hàng, với phần lớn nhân viên là người Triều Tiên.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, những nhà hàng này đem đến tối thiểu hàng chục triệu USD cho chính phủ Triều Tiên mỗi năm.

Hầu hết các nhà hàng Triều Tiên tại Đan đông đã phải ngừng hoạt động sau khi lệnh trừng phạt bắt đầu được áp dụng năm ngoái. Nhưng ít nhất vẫn còn một nhà hàng Triều Tiên được duy trì.

Một khách hàng nói rằng nhà hàng đó chỉ chấp nhận tiền mặt. Các ngân hàng Trung Quốc đã "bỏ rơi" những khách hàng có liên quan đến Triều Tiên và các giao dịch qua thẻ tín dụng có thể bị chính phủ truy dấu.

Các chuyên gia nhận định, ngay cả khi chính quyền Trung Quốc "đánh mạnh hơn" vào thương mại với Triều Tiên, thì điều đó chưa chắc có thể ép Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. Và các biện pháp trừng phạt có thể phải mất nhiều năm mới thực sự ảnh hưởng đến chính quyền Bình Nhưỡng nhưng công nghệ vũ khí của Triều Tiên lại đang nhảy vọt với tốc độ nhanh hơn trước đây rất nhiều lần.

Con đẻ Trung Quốc loay hoay thoát thế kẹt từ lệnh trừng phạt Triều Tiên - Ảnh 4.

Khủng hoảng khu vực

Tuy nhiên, đối với Đan Đông, những làn sóng trừng phạt được cho đã ập đến không hề đúng lúc. Khi ấy, toàn bộ khu vực vùng Đông Bắc Trung Quốc, bao gồm cả tỉnh Liêu Ninh, nơi Đan Đông tọa lạc, đang trong giai đoạn chuyển tiếp "đau đớn".

Các ngành công nghiệp nặng như thép đã bị ảnh hưởng nặng nề trong những năm gần đây. Các công ty nhà nước ngập trong nợ nần và gánh nặng bởi tình trạng dư thừa lao động. Chính phủ Trung Quốc đã phải cắt giảm hàng trăm nghìn công nhân lao động trong các ngành công nghiệp.

Đan Đông cũng chịu chung số phận với các thành phố thuộc khu vực này. Tuy là trung tâm thương mại nổi tiếng, nhưng ngành sản xuất vẫn là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất tại thành phố này. Năm 2016, chỉ số kinh tế Đan Đông đã giảm 2,2%.

Thay vì thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn, thì thương mại qua biên giới với Triều Tiên hiện đã trở thành tảng đá nặng kéo cả khu vực chìm xuống.

Mối liên kết giữa Đan đông và Triều Tiên càng khiến quan chức thanh phố này đau đầu hơn nữa. Năm ngoái, một trong những ngân hàng cho vay địa phương, Ngân hàng Đan Đông, đã bị Mỹ chọn để áp dụng lệnh trừng phạt.

Và một dấu hiệu khác cho thấy khu vực này đang khủng hoảng là công ty điều hành cảng của thành phố này đã không trả được nợ cuối năm ngoái.

Phóng sự của CNN về ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt Triều Tiên lên thành phố Đan Đông, Trung Quốc.

Số phận Đan Đông sẽ ra sao?

Trò chuyện với CNN, 7 chủ doanh nghiệp địa phương đã đưa ra những dự đoán khác nhau về viễn cảnh trong tương lai gần. Một số người, ví dụ như ông Liao, tỏ ra khá bi quan.

"Chẳng còn việc gì để làm nữa," ông này nói. "Công ty của tôi có lẽ cũng chẳng còn trụ lại được lâu nữa."

Những người khác lại hy vọng tình hình có thể cải thiện nhờ kết quả của các cuộc đàm phán gần đây giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, và thiện chí nhen nhóm trong Thế vận hội mùa đông sắp diễn ra tại Hàn Quốc.

Các chuyên gia nói rằng trước đây Trung Quốc từng áp đặt lệnh trừng phạt trong một khoảng thời gian để gửi thông điệp "răn đe" Triều Tiên, nhưng sau đó lại nới lỏng các lệnh trừng phạt này.

Nhưng một người dân Đan Đông có quan hệ với các nhà ngoại giao Triều Tiên lại nhận định cuộc khủng hoảng này nghiêm trọng hơn bất cứ điều gì bà này từng chứng kiến trước đây. Tuy nhiên bà đang chờ đợi và tìm cách tiếp cận.

"Có lẽ mọi chuyện sẽ bình thường trở lại nếu các cuộc đàm phán liên Triều có kết quả tốt đẹp," người phụ nữ nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại