Thước phim về ngọn núi linh thiêng và cuộc sống của người dân Triều Tiên dưới góc nhìn Mỹ

Việt Hương |

“Tôi muốn đến xem đất nước đã đối địch với Triều Tiên trông như thế nào. Mâu thuẫn giữa người Mỹ và Triều Tiên là gì?", một nông dân Triều Tiên đưa ra câu trả lời bất ngờ cho CNN.

Will Ripley, Tim Schwarz và Justin Robertson, ba phóng viên của hãng tin CNN đã đến Triều Tiên vào tháng 6/2017 và dành 15 ngày ở lại đây. Dù luôn bị giám sát bởi những người của chính quyền Triều Tiên nhưng họ đã tiếp cận được đời sống tại đất nước này ở mức độ chưa từng thấy trước đó, không chỉ Bình Nhưỡng mà còn cả những vùng đất hẻo lánh khác.

Dưới đây là những ghi chép của Ripley về chuyến hành trình khám phá đất nước được cho bí ẩn này - phần hai.

Nông nghiệp và báo chí

Thước phim về ngọn núi linh thiêng và cuộc sống của người dân Triều Tiên dưới góc nhìn Mỹ - Ảnh 1.

Nông dân Triều Tiên canh tác lúa nước. Ảnh CNN

Tỉnh North Hwanghae, nằm cách Bình Nhưỡng 40 dặm về phía nam, là khu vực nông nghiệp với những cánh đồng và xóm làng yên tĩnh.

Nếu so với Wonsan – thành phố gắn liền với các vụ thử vũ khí hay khu vực DMZ căng thẳng nhưng việc xin giấy phép đến đây lại rất khó và người hướng dẫn đi cùng liên tục nhắc nhở nhóm của Ripley phải cẩn thẩn khi phỏng vấn người dân ở đây.

Lý do là vì canh tác nông nghiệp là một trong những chủ đề nhạy cảm nhất tại quốc gia vẫn còn phải vật lộn với vấn để lương thực cho người dân.

Những dãy núi bao trùm cả vùng đất, rất ít đất canh tác. Và vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi Triều Tiên đang phải chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong suốt hai thập kỷ.

Với hầu hết người dân ở đây, thịt gà, thịt bò, thịt lợn là những thứ xa xỉ. Thực phẩm chủ yếu là những món cơ bản như kim chi, gạo hay cháo.

Khi nhóm phóng viên CNN đến, những cánh đồng bị bỏ không và họ bắt đầu nói chuyện với một nông dân ở đây - Yun Myong Gum 38 tuổi.

Đôi bàn tay chai sần cháy nắng như dấu ấn của 10 năm lao động vất vả dưới cái nắng gay gắt. Cô có vẻ suy nghĩ rất nhiều về cuộc sống: “Có công việc nào là không vất cả? Với những người nông dân như tôi, điều yêu thích luôn là chăm sóc đất đai vườn tược”.

Ripley hỏi cô mong muốn đến nơi nào nếu một ngày cô rời Triều Tiên. Câu trả lời đã làm Ripley bất ngờ vì không người Triều Tiên nào từng nói với phóng viên này như vậy: “Tôi muốn đến Mỹ”.

Tôi muốn đến xem đất nước đã đối địch với Triều Tiên trông như thế nào. Mâu thuẫn giữa người Mỹ và Triều Tiên là gì?...", cô nói.

Yun Myong Gum giải thích: “Chúng tôi không nghĩ người Mỹ xấu, chúng tôi chỉ lên án chính phủ Mỹ”.

Sau đó, nhóm của Ripley được đưa tới tham quan nhà của một người nông dân vốn được lựa chọn cẩn thận cho chuyến thăm này.

Gia đình người nông dân này ăn trưa cùng với các phóng viên Mỹ. Thức ăn được làm từ thực phẩm sẵn có trong khu vườn trước cửa nhà với trứng vịt, đậu và cơm, gói cùng lá diếp, tỏi và gia vị. Đơn giản, lành mạnh và ngon miệng, Ripley chia sẻ.

Chủ nhà Kim Gyo Son cho biết, bây giờ thực phẩm không còn là vấn đề tại Triều Tiên nữa nhờ những thứ tự trồng.

Anh nói: “Chúng tôi có gạo và tiền hàng năm. Cũng như ngôi nhà này là miễn phí”.

Sau bữa trưa, Kim dẫn phóng viên Mỹ thăm một vòng quanh ngôi nhà hai tầng nhỏ nhắn. Ngôi nhà được xây bằng bê tông, mái tôn xanh với khu vườn và cái giếng nhỏ trước sân. Căn bếp đơn sơ và các phòng nội thất sơ sài.

Phòng khách có đầu DVD và ti vi, phát sóng những bộ phim, ca khúc hay chương trình về nấu ăn hoặc phong cách sống ở Triều Tiên.

Giống như tất cả những căn nhà ở Triều Tiên khác, bức chân dung hai lãnh đạo quá cố được treo trang trọng, trong đó có cả tấm hình về chuyến thăm của ông Kim Jong Il đến đây năm 2006 – điều này có thể lý giải tại sao căn nhà được chọn cho chuyến thăm của phóng viên CNN.

Hầu hết người Triều Tiên đều thích đọc Rodong Sinmun

Chủ nhà cũng chia sẻ về sở thích đọc báo của mình và đương nhiên đó là tờ Rodong Sinmun. Theo Kim Gyo Son vì đây là tiếng nói của đảng Lao động Triều Tiên nên mọi thông tin đăng tải đều là sự thật. Thực tế, mọi người dân Triều Tiên đều khẳng định điều này, Ripley cho biết.

Mua điện thoại di động tại Bình Nhưỡng

Thước phim về ngọn núi linh thiêng và cuộc sống của người dân Triều Tiên dưới góc nhìn Mỹ - Ảnh 6.

Thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh CNN

Trên con phố Ryomyong, nhóm phóng viên CNN tìm thấy phiên bản Triều Tiên của thương hiệu Apple. Thương hiệu Arirang được đặt theo tên ca khúc dân gian nổi tiếng của Triều Tiên. Người quản lý cửa hàng nói với Ripley, đây là thương hiệu hàng đầu trong ba nhà sản xuất điện thoại di động của Triều Tiên, với giá lên đến 350 USD.

Khi phóng viên Mỹ thắc mắc về khả năng tài chính của người Triều Tiên thì người quản lý này khẳng định, hiện mức sống của người dân đang tăng lên.

Khung cảnh một cửa hàng điện tử ở Triều Tiên

Ở một góc cửa hàng, một khách hàng đang nghe nhạc trên chiếc điện thoại mới và chơi trò chơi rất giống Angry Birds.

Cô ấy nói với Ripley rằng, cô thích chụp hình và chia sẻ những tấm ảnh với bạn bè. "Chúng tôi đã chụp một vài tấm cùng nhau, những tấm chụp bằng máy cô ấy nhìn còn đẹp hơn máy tôi", Ripley viết.

Người dân Triều Tiên có thể làm hầu hết mọi thứ như chúng ta vẫn làm trên điện thoại di động. Tuy nhiên, điều họ không thể là kết nối internet. Họ chỉ được sử dụng mạng nội bộ quốc gia với hệ thống kiểm duyệt chặt chẽ.

Và Triều Tiên cũng có một phiên bản Google của riêng nước này, có thể tìm kiếm hiển thị những nội dung đã được chính phủ cho phép. Cùng với các phương tiện truyền thông xã hội – phiên bản tương tự Facebook cũng xuất hiện. Quốc gia này cũng có những phòng chat, thậm chí là cả hẹn hò trực tuyến. Người nước ngoài rất khó để tham gia vào các phòng chat này.

Nhóm của Ripley tiếp tục đi đến một khu mua sắm. Hầu hết đều là các sản phẩm nội địa như bia Taedonggang và một số nhãn hàng Trung Quốc nhập khẩu.

"Chúng tôi dùng thử sữa và khoai tây chiên đựng trong túi màu đỏ vàng trông rất giống McDonald. Rất bất ngờ, chúng rất ngon", Ripley cho biết, Triều Tiên cũng có đồ ăn nhanh kiểu Mỹ.

Người dân Triều Tiên đi dã ngoại

Ripley còn chứng kiến khung cảnh cuộc dã ngoại của một nhóm công nhân Triều Tiên. Họ khá thoải mái và vui vẻ chia sẻ đồ ăn với nhóm phóng viên Mỹ.

Ngọn núi linh thiêng

Nhóm phóng viên CNN bắt chuyến bay hãng Air Koryo đến huyện Samjiyon, nằm cách Bình Nhưỡng 400 dặm về phía Bắc, cạnh biên giới với Trung Quốc. Huyện Samjiyon nằm cách không xa địa điểm Triều Tiên phóng tên lửa ICBM thứ hai vào tháng 7 vừa qua.

Thước phim về ngọn núi linh thiêng và cuộc sống của người dân Triều Tiên dưới góc nhìn Mỹ - Ảnh 9.

Ngọn núi Paektu với miệng núi lửa vẫn đang hoạt động. Ảnh CNN

Chiếc máy bay Antonov AN-24 do Nga sản xuất đã hoạt động khoảng 50 năm nhưng cabin vẫn còn mới. Đội ngũ tiếp viên đều là những cô gái trẻ đẹp tuổi từ 18 đến 25.

Tại Samjiyon có ngọn núi Paektu nổi tiếng. Đây là một núi lửa vẫn còn hoạt động và cũng là ngọn núi cao nhất trên bán đảo Triều Tiên. Ngọn núi này rất thiêng liêng với người dân Triều Tiên. Theo chính quyền Bình Nhưỡng, gia tộc nhà lãnh đạo Kim Jong Un mang “dòng máu núi Paektu” – được coi là nguồn gốc cao quý gắn liền với những vị vua huyền thoại xưa kia trên bán đảo Triều Tiên.

Ripley và các phóng viên CNN lái xe nhiều giờ trên con đường bụi bặm qua những vùng nông thôn Triều Tiên. Những chiếc xe tải hạng nặng và khu vực thi công xuất hiện cho thấy đang có đầu tư phát triển tại đây. Người hướng dẫn từ chối cho phóng viên CNN chụp ảnh.

Trung tâm của Samjiyon là một bức tượng cố Chủ tịch Kim Il Sung. Nhóm phóng viên Mỹ được dẫn đến một nơi rất linh thiêng với người Triều Tiên: một trại quân sự được cho là nơi ông Kim Jong Il chào đời. Nhiều câu chuyện về ông Kim Jong Il được hướng dẫn viên kể lại với các phóng viên CNN.

Hướng dẫn viên Triều Tiên kể về lãnh tụ quốc gia

“Đợt đó thời tiết rất lạnh và khác thương. Nhưng không hiểu sao vào ngày đó, gió mạnh bỗng ngừng thổi, mặt trời tỏa sáng khắp nơi. Mọi vật trở nên tươi sáng và thanh bình. Những bông hoa đua nhau nở và bầu trời xuất hiện vì sao sáng”, hướng dẫn viên Triều Tiên thuyết trình.

“Đó là một truyền thuyết hay chuyện thật vậy?", Ripley nghi ngờ.

Không phải một truyền thuyết. Vị lãnh tụ của chúng tôi là người được thiên đường gửi đến cho chúng tôi. Nên ngài có thể làm thay đổi thời tiết. Đó là câu chuyện có thật”, cô hướng dẫn viên quả quyết.

Sau đó, họ leo đến gần đỉnh núi. Gần đến đỉnh, họ nhìn thấy chữ ký của Kim Jong Il được khắc rõ nét trên núi.

Gần cuối chặng đường leo núi, gió rất mạnh nhưng khi lên đỉnh, gió lặng hoàn toàn. Không khí trong lành yên tĩnh và nhóm của Ripley đã chứng kiến một trong những cảnh quan ngoạn mục nhất trong cuộc đời: Miệng núi lửa giống như một hồ nước xanh ngọc bị đóng băng bao quanh bởi những đỉnh núi tuyết phủ sừng sững.

Tôi cho rằng, khi tận mắt chiêm ngưỡng cảnh tượng này, anh đã hiểu tại sao người dân Triều Tiên lại dành tình cảm sâu sắc cho nơi đây như vậy: "Ngọn núi tượng trưng cho cuộc sống người Triều Tiên – thử thách đầy chông gai chinh phục đỉnh núi cao và hi vọng về tương lại tươi sáng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại