Sau 3 năm kể từ khi 'nghỉ ốm hàng loạt' vì lương thấp, thu nhập phi công Vietnam Airlines vẫn chỉ bằng 2/3 Vietjet

Hà My |

Báo cáo của Vietjet Air cho biết, thu nhập bình quân phi công hãng này là 180 triệu đồng/tháng, cao gấp rưỡi so với các đồng nghiệp bên Vietnam Airlines.

Cách đây hơn 3 năm, trong dịp Tết dương lịch 2015, khoảng 100 nhân viên Vietnam Airlines từng báo ốm hàng loạt, trong số đó có cả phi công, điều hành khai thác bay và bộ phận bảo dưỡng kỹ thuật.

Không những vậy, số lượng phi công nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động cũng tăng vọt, và báo cáo của Vietnam Airlines khi đó đánh giá, việc này gây xáo trọn lịch bay, ảnh hưởng đến tư tưởng của đội ngũ phi công và uy hiếp an toàn khai thác máy bay.

Nguyên nhân khiến các phi công báo ốm và xin nghỉ việc không gì khác ngoài câu chuyện lương thưởng. Theo đó, các phi công nhận định rằng, lịch bay dày đặc khiến họ mệt mỏi, trong khi thu nhập thì thua xa so với đồng nghiệp bên Vietjet Air.

Hơn 3 năm trôi qua, câu chuyện phi công xin nghỉ việc vì lương thấp lại nóng trở lại. Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, chỉ trong tháng 5 vừa qua, đã có 7 phi công nộp đơn xin thôi việc.

Không những vậy, một nhóm phi công của Vietnam Airlines cũng đã gửi kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền, phản ánh những bất cập trong Thông tư 41 và Thông tư 21 của Bộ GTVT đang gây khó dễ cho những phi công muốn xin thôi việc, như thời hạn báo trước 120 ngày và phải bồi hoàn chi phí đào tạo quá lớn nhưng không có hóa đơn hợp lể để chứng minh.

"Đã 3 năm qua, từ 2015, chúng tôi đã đối thoại rất nhiều lần với Vietnam Airlines nhưng không nhận được bất kỳ sự hợp tác nào.

Với một môi trường làm việc không bảo đảm, có sự áp bức bóc lột lao động và gây những bức xúc trong công việc cần bảo đảm sự an toàn tuyệt đối, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của Phi công chúng tôi, đến những chuyến bay, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp liên quan", nhóm các phi công viết trong đơn kiến nghị.

Thực tế, theo số liệu của hãng hàng không Vietnam Airlines, năm 2013, thu nhập bình quân của các phi công là 74,8 triệu đồng/tháng và đến năm 2015, con số này đã tăng lên mức trên 100 triệu đồng/tháng.

Sang năm 2016, thu nhập phi công tiếp tục tăng khoảng 15%. Tuy nhiên, năm 2017 vừa qua, mức tăng chỉ đạt khoảng 5%, lên 121 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, số liệu của Vietjet Air cho thấy, thu nhập bình quân của phi công hãng này là 180 triệu đồng/tháng, cao gấp rưỡi so với Vietnam Airlines. Có thể thấy, dù đều đặn tăng lương cho phi công nhưng với tốc độ tăng hiện nay, sẽ rất lâu thu nhập phi công Vietnam Airlines mới có thể đuổi kịp phi công Vietjet Air.

Sau 3 năm kể từ khi nghỉ ốm hàng loạt vì lương thấp, thu nhập phi công Vietnam Airlines vẫn chỉ bằng 2/3 Vietjet - Ảnh 1.

Theo số liệu của VnExpress, thu nhập của phi công Vietnam Airlines đang thấp nhất trong 3 hãng Vietnam Airlines - Jetstar Pacific - Vietjet Air.

Cơ phó Vietnam Airlines chỉ nhận 50-70 triệu đồng/tháng, trong khi phi công tại các hãng khác đều trên trăm triệu mỗi tháng. Ngoài ra, cơ trưởng Vietnam Airlines thu nhập chỉ ngang cơ phó tại Vietjet Air.

Sau 3 năm kể từ khi nghỉ ốm hàng loạt vì lương thấp, thu nhập phi công Vietnam Airlines vẫn chỉ bằng 2/3 Vietjet - Ảnh 2.

Số liệu: VnExpress

Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines, phi công được nhà nước đầu tư đào tạo thì có trách nhiệm bồi hoàn khi chấm dứt hợp đồng. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines là doanh nghiệp Nhà nước, thuộc quản lý của Bộ Giao thông Vận tải, nên điều chỉnh lương cần phải có lộ trình.

Liên quan đến thời hạn báo trước khi xin thôi việc, vị này cho rằng, hàng không là ngành đặc thù, nên quy định báo trước 120 ngày là để hãng có thể tìm và sắp xếp nguồn nhân lực thay thế, bởi phi công không giống các nghề khác, không phải cứ nghỉ là có người bù đắp ngay được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại