Cụ thể, các nhà khoa học tuyên bố rằng việc phân loại hai nhóm khủng long chính đã sai lầm trong hơn một thế kỷ qua.
Khủng long được chia làm hai nhóm chính. Nhóm đầu tiên là loài khủng long hông chim Ornithschia, bao gồm Stegosaurus, Triceratops và thú mỏ vịt.
Nhóm thứ hai là khủng long hông thằn lằn Saurischia, bao gồm khủng long chân thằn lằn như Brontosaurus và khủng long chân thú như Tyrannosaurus Rex, Velociraptors. Những loại khủng long này đã từng xuất hiện trên phim ảnh và được nhiều người biết đến.
Các loài khủng long được đặt vào một trong những nhóm này tùy thuộc vào cấu trúc xương hông của chúng. Nếu hông của chúng giống chim thì thuộc nhóm Ornithischian, ngược lại hông của chúng giống như thằn lằn thì thuộc nhóm Saurischian.
Tuy nhiên, giả thuyết trên bắt đầu lung lay khi một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature gây tranh cãi cho thấy, vị trí thực tế của những con khủng long đầu tiên có thể là không chính xác. Nghiên cứu mới chỉ ra và yêu cầu giới khoa học phải viết lại sơ đồ phả hệ của loài khủng long.
Sơ đồ cây phả hệ của khủng long cũ (hình trên) và cây phả hệ mới (hình bên dưới). Ảnh: Sciencealert
Đây là một vấn đề khiến không ít các nhà khoa học ngỡ ngàng bởi sơ đồ cách đây 130 năm đáng tin và có sức thuyết phục đến mức gần như không có gì nghi ngờ.
Sơ đồ phân chia khủng long thành hai loại đã có từ thế kỷ 19. Cụ thể, vào năm 1887, nhà nghiên cứu Harry Govier Seeley phát hiện ra sự khác biệt lớn trong xương chậu của một số loài khủng long.
Cây phả hệ cũ có cách đây 130 năm và chia làm 2 nhánh chủ yếu là Saurischia và Ornitschia. Ảnh: Internet
Theo Ed Young, một nhà nghiên cứu phát biểu: "Khi đọc nghiên cứu mới về khủng long của Matthew Baron lần đầu tiên, tôi thật sự kinh ngạc".
Mặc dù sơ đồ phả hệ của khủng long đã có cách đây 130 năm và được tin tưởng gần như tuyệt đối, nhưng Baron và các cộng sự của ông vẫn quyết định xem xét lại việc phân chia này.
Phát hiện bất ngờ, sách giáo khoa có nguy cơ viết lại
Nhóm nghiên cứu kiểm tra 74 loại khủng long và nhìn nhận 457 đặc điểm khác nhau nhằm tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt của chúng.
Dựa vào cách phân chia trên đặc điểm chính và 21 điểm đặc biệt về xương trên các hóa thạch, nhóm nghiên cứu cho biết có thể khiến cây gia hệ khủng long được phân chia theo cách mới.
Cụ thể, loài khủng long Theropods có liên quan chặt chẽ hơn với loài Ornithischia và nên chúng phải được xếp vào chung nhánh chứ không phải hai nhánh riêng biệt.
Điều này phân chia loài Sauropods (loài khủng long có chân thằn lằn), khiến chúng trở nên có quan hệ gần gũi với những con khủng long đầu tiên - loài Herrerasaurs (một loài khủng long ăn tạp, đi bằng hai chân).
Cây phả hệ mới dựa theo nghiên cứu mới của Matthew Baron. Ảnh: Nature
Thomas Holtz, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Maryland (Mỹ) nhận định: "Đây là một giả thuyết rất lớn và có thể khiến toàn bộ sách giáo khoa về cổ sinh vật học phải viết lại. Tuy nhiên đây mới chỉ là một phân tích nhưng nghiên cứu này cực kỳ kỹ lưỡng".
Nhà nghiên cứu Ed Young cho biết: "Nếu phân chia lại khủng long theo cách này, giống như việc có ai đó với bạn những con chó và con mèo mà bạn quen thuộc trước đây không phải như bạn nghĩ. Và những con vật bạn từng gọi là mèo thì hóa ra lại là chó".
Việc xây dựng lại cây phả hệ còn cho thấy khủng long có thể có nguồn gốc ở Bắc bán cầu chứ không phải ở khu vực Nam Mỹ (trước đây là lục địa Gondwana) như nghiên cứu trước đây.
Lịch sử cổ sinh vật học về loài khủng long có thể thay đổi nếu nghiên cứu này được chấp nhận. Ảnh: Theconversation
Nghiên cứu mới yêu cầu giới khoa học phải viết lại cây phả hệ của khủng long có thể sẽ mất một thời gian để cân nhắc và nhìn nhận lại cách phân chia.
Tuy nhiên, sự thay đổi "ngoạn mục" này có thể làm rung chuyển thuyết cổ sinh vật học hàng trăm năm về khủng long – một trong những vật khổng lồ từng tồn tại trên Trái Đất.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.
Nguồn: Sciencealert, Theconversation