Sạt lở đèo Bảo Lộc: Có một phần đất rừng

ĐOÀN KIÊN |

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định diện tích bị sạt lở một phần nằm trong đất rừng.

Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai đã có báo cáo về tình hình quy hoạch khu vực trạm CSGT tại khu vực đèo Bảo Lộc (thuộc địa giới hành chính huyện Đạ Huoai).

Sạt lở đèo Bảo Lộc: Có một phần đất rừng - Ảnh 1.

Khu vực sạt lở một phần là đất rừng, một phần ngoài đất rừng

Về nguồn gốc đất, theo Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 1-9-1999 của UBND tỉnh Lâm Đồng, khu vực này thuộc đất lâm nghiệp do Lâm trường Đạ Huoai quản lý, đến năm 1999 bàn giao cho Ban Quản lý rừng Nam Huoai quản lý.

Đến năm 2008, phần diện tích khu vực trên (gồm trạm CSGT đèo Bảo Lộc, phần diện tích trồng sầu riêng bị sạt lở và một phần diện tích Miếu Ba Cô) là đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng (PV - rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) với diện tích khoảng 2,7ha.

Năm 2013, tỉnh Lâm Đồng tiến hành điều chỉnh 3 loại rừng thì phần diện tích từ trạm CSGT đến khu vực miếu Ba Cô khoảng hơn 0,6 ha (chiều rộng tính từ mép đường phía ta luy âm vào chân ta luy dương phía trạm sau CSGT đến miếu Ba Cô rộng khoảng 29m) là đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng và 2,1 ha đất còn lại thuộc quy hoạch 3 loại rừng (nằm trong khoanh vùng quản lý miếu Ba Cô).

Sạt lở đèo Bảo Lộc: Có một phần đất rừng - Ảnh 2.

Đến năm 2021, nơi đây đã xuất hiện các dấu hiệu tác động vào sườn đồi

Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai xác định: “Phần nhà chốt CSGT không thuộc phần diện tích quy hoạch 3 loại rừng. Diện tích đất bị sạt trượt bao gồm một phần diện tích nằm ngoài và một phần diện tích nằm trong quy hoạch 3 loại rừng thuộc 2 khoanh vùng quản lý miếu Ba Cô do Bà Đặng Thị Lộc canh tác cây nông nghiệp ổn định từ trước năm 1985 đến nay (hiện trạng là cây sầu riêng khoảng 3 năm tuổi)”.

Trước đó, Báo SGGP phản ánh, qua kiểm tra trên ứng dụng Google Earth, vào thời điểm đầu năm 2019 khu vực phía sau lưng cụm công trình trạm CSGT vẫn là mảng xanh mật độ thưa. Tuy nhiên, đến tháng 1-2021, nơi đây đã bị tác động, san gạt từ trên sườn đồi qua phía đối diện. Đến nay khu vực này đã được trồng sầu riêng khoảng 3 năm tuổi, với các cây cao từ 1-2m.

Ông Lê Bình Minh, Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) cho biết: "Ngay sau khi xảy ra vụ sạt lở, địa phương đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND huyện rà soát hồ sơ giao đất qua các thời kỳ để xác định cụ thể loại đất”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại