Chúng ta là những cá thể riêng biệt, chúng ta nhìn nhận mọi việc khác nhau, có những trải nghiệm khác nhau và cũng không có cùng một xuất phát điểm.
Việc bạn so sánh mình với người khác cũng ấu trĩ như việc so sánh con cá với con khỉ trèo cây.
Tôi vẫn nhớ hồi tôi sáu tuổi, một ngày anh trai tôi từ trường trở về nhà với cây bút highlight có hai màu mực khác nhau ở hai đầu.
Ngay giây phút ánh mắt tôi chạm phải cây bút, tôi không muốn điều gì hơn ngoài việc được sở hữu nó cho riêng mình. Rõ ràng là với một đứa trẻ 6 tuổi, tôi không có nhu cầu sử dụng đến bút highlight nhiều, chỉ là tôi muốn có được nó.
Vốn là đứa trẻ hay ăn vạ, tôi khóc lóc, gào thét khản cổ cho đến khi bố tôi bắt anh trai phải đưa cây bút cho tôi.
Tôi hí hoáy tô vẽ với cây bút trong chưa đến 5 phút, mọi chuyện lại ầm ĩ khi tôi bắt gặp anh trai đang rút một chiếc hộp bút mới khỏi cặp sách.
Thật lòng mà nói thì anh trai tôi từng vô cùng khó chịu với tính cách đó của tôi. Bất cứ thứ gì anh có, tôi đều đòi bằng được.
Đó không chỉ là tính cách trẻ con tôi sở hữu khi còn là một đứa bé. Có vẻ như nó còn theo tôi đến tận khi tôi đã trưởng thành. Tôi phát hiện mình muốn quá nhiều thứ mà người khác có.
Không chỉ những vật hữu hình, phần lớn thời gian tôi thấy mình thèm khát cả những nét tính cách, kỹ năng thậm chí trình độ học vấn của ai đó. Ai có thứ gì tôi cũng muốn có bằng được.
Vấn đề không chỉ dừng ở câu chuyện về cây bút highlight, tôi còn cảm thấy buồn phiền và khó chịu vì không thể hiểu tại sao mình lại không có nó hay tại sao mình không có đủ khả năng có được nó.
Những câu hỏi nghi ngờ bản thân bắt đầu ào đến: Mình đã đủ tốt chưa? Tại sao mình không thể làm chuyện đó?
Liệu mình có thể đạt được những điều người khác dễ dàng đạt được hay không? Tại sao hạnh phúc đến với mình khó khăn mà đến với người khác lại dễ dàng thế?
Điều buồn cười là việc so sánh bản thân với người khác là việc ai trong chúng ta cũng đôi khi làm hay từng làm ít nhất một lần trong đời.
Bạn có nhớ ngày còn đi học, bạn trở về nhà với bài kiểm tra điểm 9 và câu đầu tiên cha mẹ thường hỏi (bên cạnh câu “1 điểm còn lại đi đâu rồi?”) thường là “Các bạn khác được mấy điểm không?”.
Có vẻ như việc chúng ta được điểm tuyệt đối hay không không quan trọng. Mấu chốt vấn đề luôn nằm ở sự so sánh.
Trên thực tế, các sở giáo dục so sánh các trường học, thầy cô so sánh các học sinh, nhà tuyển dụng so sánh các ứng viên. Đó là cách thế giới vận hành. Việc chúng ta bị ảnh hưởng cũng là điều khó tránh.
Ở cấp độ cá nhân, khi đi dự các buổi họp lớp, kỷ niệm 10 năm ra trường… chúng ta thường có thói quen đánh giá những thành công mà bạn bè đồng lứa đã đạt được.
Tan tiệc, khi lái xe về nhà thì lại hậm hực, băn khoăn không hiểu cuộc đời mình đã rẽ sai từ bao giờ.
Chuyện còn tệ hơn khi bạn dùng Facebook. Mạng xã hội đã tạo ra một sân chơi toàn cầu để sự so sánh diễn ra từ ngày này sang ngày khác.
Giờ thì chúng ta dễ dàng biết bạn bè mình đang nằm phơi nắng trên bãi biển nào trong khi mình làm việc mướt mải 8 tiếng một ngày.
Chúng ta thấy bạn bè kết hôn và không thể ngăn suy nghĩ tại sao đến giờ mình vẫn chưa ổn định.
News Feed Facebook ngập tràn ảnh của các cặp đôi với em bé mới chào đời, chúng ta băn khoăn không biết có phải mình đã bỏ lỡ cơ hội có một gia đình.
Bản chất câu chuyện không phải lúc nào cũng như vẻ ngoài mọi người nhìn thấy. Điều đó khiến cho việc so sánh ít có cơ sở.
Có câu “Ai cũng có trận chiến của riêng mình”. Một cô bạn từng nói với tôi rằng, nhìn bên ngoài, tôi có cuộc sống như công chúa.
Lúc nào tôi cũng nở nụ cười trên môi. Tôi trêu đùa mọi người và dường như không có bất kỳ mối bận tâm nào làm tôi lo lắng.
Tiếp xúc và hiểu nhau hơn, cô ấy nói cô ấy không thể tưởng tượng ra được những rắc rối mà tôi phải trải qua trong quãng thời gian đó.
Tôi nhận ra mình sẽ chẳng thu được lợi ích gì khi so sánh bản thân với người khác. Về mặt cảm tính, việc đó chỉ khiến tôi buồn phiền và về mặt lý tính, nó khiến đầu óc tôi bất động.
Chẳng việc gì ra hồn nếu cứ giam bản thân trong trạng thái tê liệt ấy.
Vậy làm cách nào để dừng thói quen độc hại đó? Mời bạn tham khảo 5 điều tôi đúc rút được sau đây.
1. Trân trọng những gì bạn có
Ngày xưa, chưa một lần tôi từng nghĩ có thể ngoài kia cũng có ai đó đang nhìn tôi, khao khát những gì tôi đang có.
Khi bạn ngụp lặn trong thế giới của sự so sánh, bạn chỉ tập trung vào việc phân tích, đánh giá người khác. Bạn quên là mình cũng có hàng tỉ thứ để cảm thấy biết ơn.
2. So sánh là cuộc chơi không công bằng
Eistein từng nói, “Ai cũng là thiên tài. Nếu bạn đánh giá con cá qua cách nó trèo cây, nó sẽ sống cả đời với suy nghĩ mình kém cỏi.”
Chúng ta là những cá thể riêng biệt, chúng ta nhìn nhận mọi việc khác nhau, có những trải nghiệm khác nhau và cũng không có cùng một xuất phát điểm.
Việc bạn so sánh mình với người khác cũng ấu trĩ như việc so sánh con cá với con khỉ trèo cây.
3. Không phải lúc nào mọi chuyện cũng như vẻ bề ngoài của nó
Vì lý do nào đó, chúng ta có xu hướng phán xét người khác dựa trên vẻ ngoài họ thể hiện.
Trước mặt bạn có thể có hai người cùng làm việc tại một tập đoàn, bạn đánh giá họ, ao ước có được vị trí họ đang nắm giữ nhưng bạn không biết rằng một người có được công việc hiện tại nhờ mối quan hệ của bố cô ấy trong khi người kia phải mất 20 năm đi lên từ con số 0.
4. Nếu phải so sánh, hãy so sánh bạn với chính bản thân mình
Một số người lấy việc so sánh làm động lực. Nếu việc đó đem lại lợi ích cho họ, họ nên tiếp tục duy trì. Nếu thành công của ai đó thôi thúc bạn làm điều tương tự thì đó là việc đáng mừng.
Tôi cũng thường làm việc này. Tuy nhiên, tôi tin rằng người phù hợp nhất để bạn so sánh với mình là chính bản thân bạn. Hãy so sánh bạn ở hiện tại với bạn trong quá khứ.
Thang đo sẽ trở nên công bằng và tâm trí bạn cũng được nhẹ nhõm hơn
5. Chấp nhận những điều không thể thay đổi và thay đổi những điều không thể chấp nhận
Tiếp nối tips ở trên, hãy thay đổi những điều bạn muốn và khi đã làm được điều đó, so sánh mình với ngày xưa để xem liệu đó có là quyết định đúng đắn.
Với những điều bạn không thể thay đổi, bạn nên chấp nhận nó, chung sống với nó và học cách yêu nó.