Hiện ra trước mắt chúng tôi là một cơ ngơi khang trang, với đường băng được kéo dài hơn, những nhà vòm bề thế, những dãy nhà ở phi công như khách sạn, khu bảo đảm kỹ thuật, hậu cần đều được đầu tư xây mới. Và ấn tượng nhất vẫn là những chiếc Su-30MK2 được sơn màu rằn ri khỏe và hiện đại.
Máy bay Su-30MK2 của Trung đoàn 927 trở về hăng-ga sau ban bay huấn luyện. Ảnh: DƯƠNG TOÀN
Chuẩn bị đón mùa Xuân đầu tiên khi đơn vị được tiếp nhận máy bay mới trở về bản doanh sau gần ba năm đi học chuyển loại ở Trung đoàn 923, Trung tá Nguyễn Thế Huỳnh - Trung đoàn trưởng phấn khởi: "Được Đảng, Nhà nước, Quân đội và Quân chủng đầu tư, với mỗi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 927, đó vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm".
Nhớ lại hai mùa Xuân trước vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa đón Tết ở đơn vị bạn, Trung tá Nguyễn Thế Huỳnh không giấu được xúc động:
"Trong gần ba năm qua, chúng tôi đã được những cán bộ, chiến sĩ Đoàn Yên Thế tạo điều kiện tối đa để có thể học tập và huấn luyện trên vũ khí trang bị mới.
Ở đó, cả phi công và các thành phần bảo đảm của hai đơn vị đều cùng ăn, cùng ở, cùng huấn luyện và cùng thực hiện nhiệm vụ. Những kiến thức và kinh nghiệm khai thác, sử dụng máy bay Su-30MK2, chúng tôi đã được truyền lại một cách hiệu quả nhất".
Niềm vui bừng sáng trong ánh mắt người trung đoàn trưởng khi anh kể lại ban bay chuyển trường từ Sân bay Sao Vàng về căn cứ và ban bay cán bộ được thực hiện thành công không lâu sau đó.
Bên những chiếc Su-30MK2 oai phong trong mỗi nhà vòm, đang cùng các kỹ thuật viên chuẩn bị kỹ thuật cho một ban bay huấn luyện, Thiếu tá Phạm Văn Điệp - Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn cho biết:
"So với MiG, máy bay Su-30MK2 được tích hợp kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nên rất phức tạp trong việc nghiên cứu, sửa chữa.
Đặc biệt, quy trình công nghệ càng phải được thực hiện nghiêm ngặt. Trước yêu cầu đó, mỗi cán bộ, nhân viên kỹ thuật đều xác định, việc học tập để nâng cao tay nghề và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ là không bao giờ dừng lại".
Còn Trung tá Lê Văn Sơn - Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn thì giới thiệu với chúng tôi về mấy chục đầu xe, máy mà đơn vị mới tiếp nhận, từ hệ thống xe điện, xe khí, xe kéo dắt, cung cấp nhiên liệu đến các xe phục vụ khác như cứu hỏa, cứu thương, xe ca, xe cẩu…
Dường như, mùa Xuân này đã đem đến cho những cánh bay Lam Sơn thật nhiều niềm vui nhưng cũng còn thật nhiều lo toan phía trước.
Chỉ vào chiếc xe kéo dắt máy bay Su-30MK2, Trung úy CN Trần Văn Hiếu - Lái xe cho biết, so với xe kéo dắt MiG, nó to hơn rất nhiều. Hệ thống xe, máy bảo đảm cho máy bay Su-30MK2 có công suất lớn và các tham số đều có yêu cầu khắt khe. Thời gian phục vụ cho một ban bay, với Su, phải gần gấp ba lần với MiG-21 trước đây.
Khó khăn còn nhiều phía trước nhưng có mặt trong ngày chuyển trường từ cách đây vài tháng, mới cảm nhận hết được niềm vui của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn cũng như nhân dân quanh vùng khi "đàn chim" trở về.
Ông Đặng Đình Hoan - Phó Chủ tịch huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang phấn khởi nói với chúng tôi:
"Cán bộ, nhân dân chúng tôi ở đây mấy chục năm nay gắn bó với những cánh bay, hơn hai năm vừa qua không nghe tiếng động cơ, không nhìn thấy những con chim sắt mỗi buổi mai lên hay khi đêm về, cứ thấy cuộc sống của mình thiếu đi cái gì đó. Giờ thì các anh ấy trở lại rồi, vui lắm, và còn thấy yên lòng nữa, nhà báo ạ!".
Vẫn lâng lâng niềm vui về tình quân dân ấm áp và sâu nặng của những người lính sân bay, tôi cùng Trung tá Nguyễn Việt Phương - Chính ủy Trung đoàn bước vào phòng truyền thống.
Trước mắt tôi, bên mảng ảnh truyền thống, đã lấp lánh hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn, những phi công trẻ tươi cười khi được các thủ trưởng Quân chủng tặng hoa chúc mừng ngày thực hiện ban bay chuyển sân thắng lợi.
Câu nói của đồng chí Chính ủy Trung đoàn gieo vào trong tôi niềm tin thật to lớn trước mùa Xuân: "Được thực hiện nhiệm vụ trên máy bay Su-30MK2 trên những đôi cánh mới, lịch sử Đoàn Lam Sơn cũng lật sang trang mới. Song truyền thống 45 năm của một trung đoàn anh hùng sẽ nâng cánh chúng tôi bay".