Ngày 23-3, thông tin từ Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM cho hay vừa ghi nhận một trường hợp nhiễm sán dây nhiều năm và tiến hành cho uống thuốc xổ ra một con sán dây dài 2m.
Trước đó, anh VVQ (41 tuổi, ngụ TP.HCM) đến Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng để kiểm tra sức khỏe.
Khai thác tiền sử, các bác sĩ được biết bệnh nhân có triệu chứng rối loạn tiêu hóa và đi cầu ra phân có đốt sán đã 10 năm, tuy nhiên chỉ tự mua thuốc uống tại các tiệm thuốc tây và cơ sở y tế tư nhân. Anh cho hay khi uống thuốc vài tháng thì không thấy đốt sán rơi ra nữa nhưng ngưng thuốc một thời gian thì lại thấy.
BS Chuyên khoa 2 Hồ Ngọc Quý, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM cho hay theo kinh nghiệm bằng mắt thường, loại sán người đàn ông nhiễm là sán dải heo , dân gian gọi chung là sán xơ mít.
Thuốc sổ giun định kỳ có tác dụng trên một số loại giun ký sinh ở ruột non của vật chủ là con người như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim… ít hoặc không có tác dụng đối với các loại ký sinh trùng ký sinh lạc chỗ như giun đũa chó mèo, sán chó, sán xơ mít…
Việc điều trị một số loại giun sán thường không khó khăn do đã có phác đồ của Bộ Y tế ban hành, người dân không nên hoang mang. Đối với sán dây trưởng thành, bác sĩ sẽ cho người bệnh tẩy xổ (thường chỉ trong ngày).
Khi thấy có các dấu hiệu ở đường tiêu hóa như khó chịu ở vùng vụng, đau bụng, ăn khó tiêu hoặc thấy có đốt sán rơi ra qua đường hậu môn ở quần áo hoặc đi cầu phát hiện thì nên đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm phân, nếu thấy phát hiện trứng sán thì sẽ được can thiệp điều trị.
Các loại sán dây được lấy ra từ cơ thể người. Ảnh: HL
Đối với ấu trùng, thời gian điều trị có thể kéo dài hơn tùy từng loại giun sán. Tuy nhiên, tỉ lệ ấu trùng sán đi vào các cơ quan khác (não, mắt,..) gây nguy hiểm thường chiếm tỉ lệ rất thấp.
Khi ấu trùng đi vào các cơ quan này thì sẽ có những triệu chứng chỉ điểm như đau đầu, mờ mắt, nổi u sần trên da. Do đó, người bệnh cần đi khám chuyên khoa và làm các xét nghiệm chuyên sâu để điều trị sớm.