Liên quan đến những thông tin không ngờ vụ ván sàn gỗ lim làm cầu đi bộ ở Huế rạn nứt , trưa 10/9, PV VTC News có buổi làm việc với ông Lê Văn Diễn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng (đơn vị cung ứng gỗ cho dự án) và ông Văn Viết Thành – Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng thuỷ lợi Thừa Thiên – Huế (nhà thầu thi công cầu đi bộ lát gỗ lim trên sông Hương).
Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Diễn cho biết, ngày 8/9, Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng đã có quyết định tạm đình chỉ chức vụ giám đốc công ty đối với ông Lê Trung, người cung cấp những thông tin không ngờ về nguồn gốc và chất lượng gỗ lim cho PV VTC News.
Quyết định tạm đình chỉ chức vụ giám đốc công ty đối với ông Lê Trung của Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng. (Ảnh: Nguyễn Vương)
Theo quyết định của Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng, lý do ông Lê Trung bị tạm đình chỉ chức vụ là do ông này còn thiếu năng lực trong việc điều hành công ty dẫn đến một số sai sót và vi phạm làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và uy tín của công ty.
Cũng tại buổi làm việc, ông Văn Viết Thành - Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng thuỷ lợi Thừa Thiên - Huế cho rằng, mọi vấn đề liên quan đến việc cung ứng ván sàn gỗ lim cho công trình cầu đi bộ trên sông Hương ở Huế, công ty chỉ ký kết với ông Lê Văn Diễn và theo hợp đồng ký kết, ông Lê Trung chỉ là người phụ trách mảng xẻ gỗ.
Theo ông Văn Viết Thành, do ông Lê Trung không phải là người trực tiếp ký hợp đồng với công ty nên những thông tin ông Trung cung cấp cho báo chí về nguồn gốc và chất lượng gỗ lim là những thông tin không chính xác, gây dư luận không tốt.
Ông Thành nhận định, có thể vì trình độ và năng lực có hạn nên ông Lê Trung đã cung cấp thông tin cho báo chí sai hoặc nói không rõ ràng gây ra hiểu lầm.
Trước thông tin ông Lê Trung nói gỗ lim Nam Phi nhưng được nhập khẩu qua các nước Nam Mỹ, ông Thành nói, việc này không quá quan trọng mà vấn đề chính là chất lượng gỗ nhập về đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của chủ đầu tư.
Người đứng đầu Công ty Cổ phần Xây dựng Thuỷ lợi Thừa Thiên - Huế cho rằng, lim Nam Phi nhưng nhập khẩu qua môt số nước khác cũng là điều bình thường.
Trong khi đó, ông Lê Văn Diễn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng khẳng định, 100% gỗ mà công ty ông cung ứng cho Công ty Cổ phần Xây dựng thuỷ lợi Thừa Thiên - Huế là gỗ lim có nguồn gốc từ Nam Phi được nhập khẩu qua cảng Hải Phòng, Đà Nẵng và Đồng Nai.
Theo ông Diễn, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng không phải đơn vị trực tiếp nhập khẩu gỗ từ Nam Phi về Việt Nam mà phải thông qua một đơn vị trung gian. Tất cả hồ sơ liên quan đến nguồn gốc gỗ đều rõ ràng.
Vị Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng cũng khẳng định, 100% ván sàn gỗ lim công ty này cung ứng cho nhà thầu thi công công trình cầu đi bộ trên sông Hương được nhập khẩu về Việt Nam từ năm 2017 chứ không có gỗ tồn kho nhập về cách đây 5-6 năm như ông Lê Trung cung cấp.
Ông Lê Văn Diễn cũng cho biết, giá gỗ lim thành phẩm mà công ty ông bán cho Công ty Cổ phần Xây dựng thuỷ lợi Thừa Thiên - Huế do ông Văn Viết Thành làm giám đốc là 36 triệu đồng/khối (sau thuế).
Ông Văn Viết Thành cho rằng, thông tin ông Lê Trung nói Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng bán gỗ lim cho công ty ông với giá 28 triệu đồng/khối là không chính xác.
Ông Thành tiết lộ, giá gỗ lim mà Công ty Cổ phần Xây dựng thuỷ lợi Thừa Thiên - Huế ký kết với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng được điều chỉnh theo 3 đợt do yêu cầu khắt khe về chất lượng gỗ từ phía đại diện chủ đầu tư.
Theo đó, ký kết ban đầu giá gỗ chỉ là 29 - 30 triệu đồng/khối nhưng sau đó điều chỉnh theo lần 2 và lần 3 lần lượt là 35 triệu đồng/khối và 36 triệu đồng/khối.
Trước đó, trả lời PV VTC News, ông Lê Trung - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng đã cung cấp nhiều thông tin không ngờ về chất lượng cũng như nguồn gốc gỗ lim phục vụ công trình cầu đi bộ siêu sang đang triển khai trên sông Hương (TP Huế).
Theo ông Trung, đến thời điểm hiện tại, công ty đã cung cấp cho nhà thầu thi công gần 100 khối gỗ lim thành phẩm qua 2 đơn hàng với khoảng 10 đợt. Theo hợp đồng, công ty sẽ cung ứng khoảng 160 khối gỗ lim thành phẩm cho nhà thầu thi công.
Ông Lê Trung tiết lộ, lý do công ty được chọn là nhà cung cấp gỗ lim là do đưa ra giá “tốt hơn” so với các công ty cung ứng gỗ khác.
Sau một hồi băn khoăn, ông Trung tiết lộ, công ty bán gỗ lim cho đơn vị thi công với giá khoảng 28 triệu đồng/khối. Trong đó, chi phí sấy, ngâm hoá chất và bảo quản gỗ thành phẩm do đơn vụ thi công tự chi trả.
Trước khi triển khai dự án, 10 mẫu gỗ lim được công ty này gửi cho chủ đầu tư và đơn vị thi công kiểm định chất lượng, chọn mẫu. Cùng với đó, việc kiểm tra tính pháp lí, nguồn gốc gỗ lim để phục vụ dự án cũng được đơn vị thi công giám sát chặt chẽ.
Ông Lê Trung cho hay, hầu hết gỗ lim phục vụ dự án cầu đi bộ đều được nhập khẩu về Việt Nam thông qua cảng Hải Phòng.
Tất cả gỗ lim đều có nguồn gốc từ Nam Phi nhưng khi nhập khẩu, một số được nhập qua các nước khác, trong đó có nước thuộc Nam Mỹ.
Ông Lê Trung thừa nhận, trong số gỗ lim đơn vị này cung ứng cho nhà thầu thi công cầu đi bộ có khoảng 60 – 70 khối gỗ chưa thành phẩm được công ty này nhập về cách đây khoảng 5 – 6 năm nhưng chưa có đơn đặt hàng.
Khi có hợp đồng với đơn vị thi công cầu đi bộ, số gỗ lim "tồn kho" nói trên được vận chuyển từ Đắk Lắk ra Huế và xẻ được khoảng 30 – 40 khối gỗ thành phẩm rồi cung cấp cho đơn vị thi công.