Samsung khoe quy trình " đập phá " máy giặt tại Việt nam

Thành Đạt |

Samsung vừa giới thiệu với giới truyền thông Việt Nam một số khâu trong quy trình kiểm tra độ bền của máy giặt tại tổ hợp sản xuất ở khu công nghệ cao Quận 9, TP.HCM (SEHC).

Đại diện Samsung SEHC cho biết, với máy giặt, Samsung có 150 bài để thử thách độ bền nhưng vì thời gian có hạn nên chỉ tuyển chọn 10 bài kiểm tra khó nhất mà lâu nay người tiêu dùng chỉ được nghe nói mà chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy. Theo nguyên tắc, Samsung yêu cầu kiểm tra với mức độ gấp từ 2 – 10 lần so với thực tế, để kiểm chứng máy có bền hay không.

Vì lý do bảo mật sản phẩm trong khâu sản xuất nên Samsung không cho phóng viên chụp hình/quay phim trong nhà máy, do vậy toàn bộ hình ảnh sau đây đều do Samsung cung cấp.

Bài kiểm tra đầu tiên mà Samsung giới thiệu là thử thách khi vận chuyển (Shake test + Drop test). Bài test này sẽ mô phỏng quy trình vận chuyển trong thời gian 2 tiếng đồng hồ. 

Với đóng gói hoàn chỉnh, những chiếc máy giặt Samsung được đặt trên hệ thống giả lập rung lắc cường độ cao và hệ thống nâng cũng như thả rơi sản phẩm tự do. Máy giặt sẽ bị thả rơi nguyên thùng từ độ cao khoảng 40cm đến 1m sau đó được kiểm tra lại xem có hư hại nào không.

Samsung khoe quy trình  đập phá  máy giặt tại Việt nam - Ảnh 1.

Máy kiểm tra rung lắc (shake test)

Samsung khoe quy trình  đập phá  máy giặt tại Việt nam - Ảnh 2.

Máy kiểm tra thả rơi (drop test)

Theo thông tin từ Samsung, một máy giặt phải đảm bảo chịu được ít nhất 5 lần test mới được phép xuất xưởng. Bài test này nhằm đảm bảo những chiếc máy giặt Samsung chống chịu lại được với những rung lắc, va đập mạnh từ khi được sản xuất tại nhà máy, vận chuyển đến đối tác kinh doanh, và cho đến khi lắp đặt tại nhà người dùng.

Bài test thứ 2 mô phỏng khâu xếp dỡ để kiểm tra mức độ chịu lực của một chiếc máy giặt. Thường các máy giặt khi để trong kho sẽ được đặt trong một khung xốp cứng và xếp chồng lên nhau. Về lý thuyết, một chiếc máy giặt có thể chịu lực "đè" của 3 chiếc máy xếp chồng phía trên. 

Trong khi đó, tại khâu kiểm tra này, Samsung cho máy chịu lực đè khoảng 1056Kg (tương đương áp lực của 12 chiếc máy giặt) bằng một máy nén chuyên dụng. Có thể nghe rõ âm thanh của các miếng xốp kêu răng rắc khi phải chịu áp lực lớn tuy nhiên chiếc máy giặt Samsung vẫn an toàn, không bị móp mép.

Samsung khoe quy trình  đập phá  máy giặt tại Việt nam - Ảnh 3.

Máy kiểm tra độ chịu lực, đè nén

Bài kiểm tra tiếp theo mang tên Slam test sẽ test độ bền của phần cửa máy giặt cùng các nút bấm. Ở khâu kiểm tra này, đại diện SEHC dùng một thiết bị chuyên dụng để đóng mở phần cửa máy giặt với lực rất mạnh để kiểm tra độ bền của cửa. 

Thông thường, với máy giặt, mỗi năm người sử dụng sẽ đóng mở cửa khoảng 400 lần nhưng trong bài test này, Samsung cho biết họ thực hiện việc đóng mở cửa khoảng 20.000 lần.

Samsung khoe quy trình  đập phá  máy giặt tại Việt nam - Ảnh 4.

Máy kiểm tra độ bền của phần cửa và các nút bấm

Tiếp đó, đại diện Samsung chuyển sang phòng kiểm tra độ ồn (Noise Test). Đây là căn phòng đặc biệt được thiết kế với độ ồn dưới 15dB. Với diện tích chỉ chừng vài chục mét vuông nhưng theo Samsung số tiền đầu tư lên tới 2 triệu USD. 

Phòng được trang bị 8 bộ giảm sốc ở dưới nền để triệt tiêu toàn bộ rung lắc. Phần tường được cách âm bằng các tấm xốp đặc biệt nhằm hạn chế tối đa âm thanh vọng lại.

Samsung khoe quy trình  đập phá  máy giặt tại Việt nam - Ảnh 5.

Phòng kiểm tra độ ồn (noise test)

Ở trong căn phòng này, có thể nghe thấy cả nhịp thở, tiếng tim đập, bụng sôi. 10 microphone được nhập từ Đức với giá trên 50 triệu đồng/chiếc với khả năng thu âm độ nhạy cao. Theo đại diện Samsung, tiêu chuẩn độ ồn cho phép của một chiếc máy giặt Samsung từ 59 – 65dB, tương đương với mức nói chuyện thông thường.

Một chiếc máy giặt được đặt trong căn phòng này, sau đó cho chạy ở chế độ mà người dùng hay sử dụng. Âm thanh phát ra sẽ được chuyển về phòng phân tích âm thanh kế bên để các chuyên gia phân tích, đánh giá cường độ âm thanh của thiết bị, từ đó điều chỉnh độ ồn của từng khâu: giặt: 42 – 45dB, vắt: 59 – 62dB.

Bài kiểm tra cuối cùng với máy giặt tại SEHC là phòng sốc nhiệt với nhiệt độ dao động từ -30 độ C cho đến 60 độ C để đo sức chịu đựng của linh kiện, vỏ máy… Nguyên tắc sốc nhiệt của căn phòng là từ -30 độ C đột ngột tăng lên 60 độ C (hoặc ngược lại) trong 3 tiếng đồng hồ.

Samsung khoe quy trình  đập phá  máy giặt tại Việt nam - Ảnh 7.

Phòng kiểm tra mức độ chịu nhiệt

Theo Samsung, có tới 80% số máy giặt sản xuất tại nhà máy Samsung ở TP.HCM được xuất khẩu. Cho tới nay hãng đã xuất sang thị trường Mỹ được 3 triệu chiếc máy giặt. 

Đại diện Samsung cho biết, trải qua những bài test kể trên, máy giặt Samsung có hệ thống mô tơ Inverter đã đạt được chứng chỉ VDE DIT (Hiệp hội Điện tử và Thông tin Đức – Verband Deutscher Elektrotechniker), chuyên kiểm tra và thẩm định chất lượng sản phẩm, chứng nhận khả năng vận hành trong 23 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại