Thượng đỉnh Mỹ-Triều không đạt kết quả do... hiểu nhầm?
Cuộc gặp thượng đỉnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đột ngột kết thúc khi đôi bên không đạt được bất cứ thỏa thuận nào đã khiến cả thế giới sững sờ.
Một số ý kiến cho rằng, có thể hai nhà lãnh đạo đã hiểu nhầm những tín hiệu của đối phương từ những cuộc đàm phán trước đó nên mới dẫn tới kết quả này.
Tuy nhiên, theo ông Zhu Zheng, Trợ lý Giáo sư tại Đại học Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc, thì vấn đề mà Chủ tịch Kim phải đối diện trong cuộc gặp trên có thể chỉ là "sai người, sai thời điểm". Có thể mọi chuyện đã rất khác, nếu như hai ông Trump-Kim gặp gỡ nhau tại một thời điểm khác, trong một hoàn cảnh khác...
Trong bài xã luận được đăng tải trên trang CGTN (Trung Quốc), ông Zheng cho biết, việc hai ông Trump-Kim không thể đạt được thỏa thuận, có lẽ bắt nguồn từ cuộc gặp đầy những tín hiệu tích cực trước đó (thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất tại Singapore).
Theo ông này, có thể hai nhà lãnh đạo đã hiểu nhầm rằng đối phương đang khao khát có được một thỏa thuận, nhưng thực tế lại không diễn ra đúng như kỳ vọng của họ.
Tại thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1, ông Kim đã hứa hẹn về một tương lai phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên, và dường như ông Trump đã hiểu lời hứa này là Triều Tiên sẽ đơn phương thực hiện toàn bộ việc giải trừ vũ khí hạt nhân trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, phi hạt nhân hóa không phải là điều có thể được hoàn thành trong một sớm một chiều. Đến cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2, hai phía Mỹ-Triều đã buộc phải "bước đi" khỏi bàn đàm phán mà không đạt được thỏa thuận nào, bởi những bất đồng chưa thể giải quyết về điều kiện gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Triều Tiên.
Những điều được hai bên tiết lộ sau cuộc gặp không trùng khớp với nhau. Trong khi Tổng thống Trump và các quan chức Mỹ tuyên bố rằng Washington không thể đáp ứng điều kiện xóa bỏ hoàn toàn cấm vận của Bình Nhưỡng, thì phía Triều Tiên cho biết họ chỉ yêu cầu Mỹ gỡ bỏ 5 lệnh trừng phạt ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế, đổi lại là việc phá hủy tổ hợp hạt nhân Yongbyon - cơ sở được coi là "trái tim" của chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Ngày 25/5/2018, Triều Tiên đã cho phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên quốc tế. Ảnh: VCG.
Một số nhà bình luận cho rằng hai ông Trump-Kim đã đi quá xa và quá nhanh trong một thời gian ngắn, và điều này chưa hẳn đã có lợi cho cả đôi bên.
Hiện có quá nhiều bất định, quá nhiều biến số trong mối quan hệ của hai nước Mỹ-Triều nói chung và của hai ông Trump-Kim nói riêng. Liệu họ có thể làm lành với nhau hay không, vẫn là một câu hỏi đầy ẩn số đối với dư luận thế giới.
Chuyện "sai người, sai thời điểm" và sự thiếu may mắn của Chủ tịch Kim
Ông Zheng cho biết, dù kết quả cuối cùng có ra sao, thì cuộc gặp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội vẫn mang ý nghĩa lịch sử. Không có sự hiểu nhầm của hai nguyên thủ (nếu như giả thuyết ấy là thật), không có những lục đục chính trị ở quê nhà của ông Trump... thì có lẽ cuộc gặp này đã không diễn ra.
Nhìn từ phía nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Zheng nhận định rằng ông Kim vừa may mắn, lại vừa thiếu may mắn trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2.
Nhà nghiên cứu chính trị học người Trung Quốc cho rằng Bình Nhưỡng may mắn vì đã tiếp tục duy trì mối quan hệ mật thiết với Bắc Kinh, dù mối quan hệ ấy cũng từng trải qua không ít sóng gió. Ông nhận định rằng Bắc Kinh, trong vai trò người đảm bảo an toàn, vẫn có một vị trí không thể thay thế trong tiến trình đàm phán về tương lai của bán đảo Mỹ-Triều.
Thế nhưng, thật không may cho Chủ tịch Kim, khi mà cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lại diễn ra đúng vào thời điểm khá tệ đối với Tổng thống Trump - người đang phải đối mặt với nguy cơ bị luận tội. Đúng lúc cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra, thì cựu luật sự Michael Cohen đã tiết lộ những điều bất lợi đối với ông Trump trong phiên điều trần của đảng Dân chủ.
Những tiết lộ chấn động của Cohen có thể khiến Quốc hội Mỹ và FBI quyết định mở một cuộc điều tra mới về Tổng thống Trump, và điều đó đã trở thành sức ép buộc ông Trump phải ghi được một bàn thắng ngoạn mục ở Hà Nội, hoặc không đạt được thỏa thuận nào cả, nhằm chứng tỏ sức mạnh và vị thế của mình tại quê nhà.
Phe Dân chủ được cho là đã cố tình tung ra quân bài Michael Cohen đúng vào thời điểm ông Trump sang Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: VCG.
Vì lí do này, nên ông Trump sẽ không thể nào chấp nhận một thỏa thuận nhỏ với Triều Tiên. Đối với vị Tổng thống Mỹ, thì chỉ riêng tổ hợp lớn nhất và lâu đời nhất của Triều Tiên thôi vẫn chưa đủ, mà ông còn yêu cầu phía Bình Nhưỡng đóng cửa toàn bộ các địa điểm bí mật do tình báo Mỹ phát hiện, để đổi lấy việc giảm bớt các đòn cấm vận.
Và tất nhiên phía Mỹ đã quá tham vọng khi mong đợi cái gật đầu nhanh chóng của Triều Tiên. Cũng như nhiều chuyên gia đã nhận định, đây không phải là chuyện có thể giải quyết xong xuôi trong một sớm, một chiều.
Hơn nữa, cũng có thể nói rằng Chủ tịch Kim đã kém may mắn khi người ngồi vào bàn đàm phán với ông là Tổng thống Trump.
Rất hiếm vị Tổng thống Mỹ tiền nhiệm của ông Trump tuân thủ chặt chẽ và thực hiện những lời cam kết trong quá trình tranh cử như vị Tổng thống thứ 45: ông Trump không chỉ loại bỏ chương trình Obamacare hay kí lệnh ngăn chặn người nhập cư trái phép, mà còn tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc nhằm thực hiện cam kết "chỉnh đốn" lại mức thâm hụt thương mại, như ông đã hứa trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016.
Điều quan trọng nhất, theo ông Zheng, đó là Tổng thống Trump đã cam kết sẽ tham gia đối thoại với Triều Tiên, đồng thời gây sức ép để khiến Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Quả thật, kể từ sau khi nhậm chức, ông Trump đã thực hiện những lời hứa của mình, chẳng hạn như chiến thuật gây áp lực tối đa đối với Triều Tiên, do đó rất khó có khả năng ông Trump sẽ từ bỏ lời hứa của mình, dù kết quả cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội là gì.
Một điều đáng chú ý là trong cuộc họp báo công bố kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội, ông Trump đã trả lời phóng viên rằng ông sẽ không gia tăng thêm trừng phạt đối với Triều Tiên vì nghĩ đến những người dân nước này. Đồng thời, vị Tổng thống Mỹ cũng khẳng định đang có mối quan hệ "rất tốt" với Chủ tịch Triều Tiên.
Về phần mình, Chủ tịch Kim cũng bày tỏ sẵn sàng tiếp tục đối thoại với phía Mỹ. Do đó thế giới hoàn toàn có thể mong đợi những thay đổi, tiến triển lạc quan hơn trong mối quan hệ Mỹ-Triều trong thời gian tới.