Nỗ lực tăng quân của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib giờ đây không mang nhiều ý nghĩa.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu gửi quân đội và xe bọc thép vào tỉnh Idlib phía Bắc Syria để đáp trả bước tiến công ngày càng mạnh mẽ của quân đội Syria do Nga hậu thuẫn.
Tuy nhiên, động thái của Thổ Nhĩ Kỳ thời điểm này được cho là không có nhiều ý nghĩa, trong khi việc Mỹ rục rịch quay trở lại Syria để tạo thế cân bằng với Nga cũng được cho là quá muộn.
Chuyên gia phân tích Seth J. Frantzman trên tờ The Hill nhận định, nếu như không có sự sai lầm và chủ quan ngay từ đầu, Ankara đã hoàn toàn có thể tránh được cuộc khủng hoảng hiện tại, cũng như Mỹ sẽ được hưởng lợi lớn từ việc Ankara có sức ảnh hưởng lớn tại Syria.
Điều này xuất phát từ lý do nhiều năm qua Thổ Nhĩ Kỳ chỉ hành động ở Syria theo nhu cầu của chính mình, thay vì có tầm nhìn xa hơn theo đồng minh.
Sai lầm từ đầu
9 năm trước, khi quân nổi dậy Syria đứng lên chống lại chính quyền hợp pháp của Tổng thống Bashar al-Assad, chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ là "không quan tâm" đến vấn đề của người hàng xóm.
Khi cuộc chiến ở Syria nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nơi trú chân cho hàng triệu người Syria chạy trốn khỏi cuộc chiến. Ankara đã quản lý tốt cuộc khủng hoảng tị nạn, nhưng không quản lý được những chiến binh tình nguyện sang Syria tham gia vào cuộc chiến.
Các chiến binh này sau đó đã tham gia vào các nhóm khủng bố như IS, gây ra mối nguy hại lớn. Nhưng ngay cả khi IS đã tăng cường sức mạnh vào tháng 6/2014, kiểm soát phần lớn lãnh thổ Iraq và Syria, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không có các động thái cần thiết để đóng cửa biên giới.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tính toán sai lầm một cách có hệ thống các động thái của mình ở Syria, và các chính sách nửa vời của nước này đã khiến phiến quân họ hậu thuẫn ở Syria bị đánh bại. Những sai lầm trong quá khứ của Ankara là nguyên nhân dẫn đến hậu quả hiện tại.
Sự thiếu quyết đoán của Ankara đã dẫn đến không chỉ ngày càng có nhiều người tị nạn hơn mà là cả việc IS ngày càng lớn mạnh, lấn cả phiến quân Syria, khiến phe đối lập suy yếu.
Mỹ bắt đầu bước vào cuộc chiến từ năm 2014, với việc hỗ trợ phiến quân Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ sang chiến đấu với IS ở Iraq và Syria. Đồng thời, Mỹ cũng bắt đầu hợp tác với các lực lượng người Kurd ở miền Đông Syria để chống lại khủng bố.
Chỉ đến năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng mới quyết định hành động ở Syria - và họ quyết định làm như vậy không phải để chống lại chính quyền Tổng thống Assad mà là ngăn chặn các chiến binh người Kurd được Mỹ hậu thuẫn tiến qua sông Euphrates.
Lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ về Syria đã thay đổi một lần nữa vào năm 2017 khi họ ký hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga. Ankara cũng tham gia vào tiến trình hòa bình Astana do Nga hậu thuẫn, hợp tác với Iran và Nga để giảm căng thẳng ở Syria.
Điều này được cho là một động thái kỳ quặc bởi Thổ Nhĩ Kỳ đang hỗ trợ phiến quân Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ quan tâm đến vấn đề người Kurd ở Syria.
Ngay sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyển mộ quân cho lực lượng Quân đội Quốc gia Syria mới, được ra mắt vào tháng 1/2018. Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng đội quân này để tấn công người Kurd ở Afrin vào năm 2018 vì coi đây là mối đe dọa an ninh.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ khi đó nhấn mạnh, Quân đội Quốc gia Syria mà họ thành lập là để chiến đấu với IS cũng như người Kurd, chứ không phải chính quyền Syria.
Các chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria sau trận Afrin cũng đi theo định hướng này. Vào tháng 12/2018 và sau đó vào tháng 8/2019, Ankara đã mở ra một cuộc tranh cãi lớn với Mỹ khi đe dọa xâm chiếm miền Đông Syria, nơi người Kurd đang có sự hiện diện mạnh mẽ.
Vào tháng 10 cùng năm, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nỗ lực của mình khi Mỹ rút quân khỏi Syria. Một lần nữa họ sử dụng phiến quân Syria để chiến đấu với người Kurd.
Thổ Nhĩ Kỳ đã buông tay
Vậy mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib – thành trì cuối cùng mà phe đối lập Syria nắm giữ là gì?
Lo sợ rằng cuộc tiến công giành lại lãnh thổ của quân đội Syria do Nga hậu thuẫn ở Idlib năm 2018 sẽ khiến làn sóng tị nạn lớn chưa từng có đổ về Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã ký một thỏa thuận với Nga để ban bố lệnh ngừng bắn ở Idlib.
Nhưng ở Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ đã không sử dụng phiến quân mà họ hậu thuẫn để kiểm soát khu vực này, giống như ở các khu vực của người Kurd như Afrin. Thay vào đó, Ankara chỉ thiết lập các trạm quan sát, trong khi để mặc nhóm khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (HTS) thống trị, phớt lờ yêu cầu của Nga.
Cách tiếp cận sai lầm này đồng nghĩa với việc quân đội Syria sẽ tiếp tục tấn công Idlib vào năm 2019 và đầu năm 2020.
Trong một động thái càng cho thấy sự không quan tâm ở Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi 2.000 phiến quân Syria tới Libya, để tiếp tục chính sách của mình ở đó, thay vì giữ quân ở lại nhằm kiểm soát tình hình.
Kết quả cuối cùng là những gì đang diễn ra trong cuộc khủng hoảng Idlib. Trong động thái muộn màng không kém Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích cuộc tấn công của quân đội Syria, đồng thời ủng hộ nỗ lực tăng quân của Ankara.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Mỹ lúc này là quá ít và quá muộn. Thổ Nhĩ Kỳ đang hợp tác với Nga về các thỏa thuận phòng không và năng lượng. Ankara dường như cũng buông tay để mặc Idlib khi đưa phiến quân sang Libya thay vì ở lại chống cự.
Hiện tại, tất cả những gì mà Ankara có thể làm là chấp nhận sự thất bại ở Idlib và hy vọng có thể nắm giữ một phần nhỏ lãnh thổ gần biên giới khi Nga, Iran và Tổng thống Assad cùng nhau quyết định tương lai của Syria.