Con phố Trần Hưng Đạo (TP. Huế) nhộn nhịp những ngày đầu tháng 8 âm lịch. Các nhóm trẻ em, thanh niên đến đây để chọn cho mình những chiếc đầu lân Huế thật đẹp. Tại đây có bán tất cả những vật dụng liên quan đến múa lân như áo quần, trống, đầu ông Địa, Tôn Ngộ Không...
Màu sắc rực rỡ của những chiếc đuôi lân.
Trống là vật dụng không thể thiếu của một đoàn múa lân.
Sắc màu rực rỡ một góc phố tại TP. Huế.
Thời điểm này, các con phố bán đầu lân ở Huế cũng bắt đầu nhộn nhịp. Nhiều bậc cha mẹ đi chọn đầu lân cho con chơi trong đêm rằm, còn các thanh thiếu niên tụ họp nhau lại mua lân để múa kiếm tiền trong dịp này. Trong trung tâm thành phố, đường Trần Hưng Đạo và chợ Đông Ba là nơi tập trung nhiều cửa hàng bán đồ chơi Trung thu nhất, trong đó có đầu lân Huế.
Đầu lân xứ Huế được bán dao động từ 600.000 đồng đến 2,5 triệu đồng tùy loại. Đầu lân Huế đặc biệt đều được vẽ bằng tay nên có được nét đặc trưng riêng biệt. Mỗi chú lân mang biểu cảm khác nhau tùy bàn tay mỗi người thợ.
Mùa Trung thu bước vào con ngõ nhỏ ở gần cầu Phú Xuân, du khách như lạc vào một thế giới cổ tích.
Những mặt hàng phục vụ dịp Trung thu như đầu ông Địa, trang phục Tôn Ngộ Không... có mặt khắp nơi, nhưng sẽ được bán hết khi đến sát ngày Trung thu.
Theo thợ làm đầu lân, để làm ra con lân hoàn chỉnh cần trải qua rất nhiều công đoạn như tạc khuôn, xẻ đầu lân khỏi khuôn, phun lót sơn, phủ bằng sơn Bạch Tuyết… Đối với một đầu lân cỡ vừa, người thợ thông thường chỉ làm được 1 cái trong vòng 2 ngày. Những người làm nghề lâu năm thì 1 ngày có thể làm đến 2 đầu lân. Còn với những chú lân nhỏ, có người thợ làm được 5 đến 7 sản phẩm trong vòng 1 ngày.
Mới sáng sớm, các cửa hàng tại TP. Huế đã tấp nập khách đến lựa chọn đầu lân.
Ngoài những chiếc đầu lân lớn dành cho việc múa lân kiếm tiền trong mùa Trung thu, các cửa hàng còn bày bán loại đầu lân nhỏ xinh hơn cho các em thiếu nhi.
Một cửa hàng đầu lân có truyền thống lâu năm ở Huế. Sự miệt mài của các nghệ nhân đã góp phần “giữ lửa” cho một ngành nghề truyền thống đặc sắc, thấm đượm hồn cốt Cố đô.