Đây có thể coi là bước tiến lớn của hệ thống phòng không-phòng thủ vũ trụ Nga, khi được trang bị tổ hợp vũ khí mới vừa có khả năng phòng không, vừa có khả năng đánh chặn tên lửa ở giai đoạn cuối. Với S-500, năng lực phòng không và phòng thủ tên lửa của Nga sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
S-500 Prometheus được cho là có khả năng bắn hạ mục tiêu bay ở khoảng cách 600km; đánh chặn được tên lửa đạn đạo tầm trung, liên lục địa của đối phương ở pha bay cuối.
Ngoài khả năng tấn công cùng lúc vào 20 mục tiêu, S-500 còn có khả năng kết nối các tổ hợp S-300 và S-400 vào hệ thống chiến đấu hợp nhất giúp tăng cường năng lực ngăn chặn mục tiêu của đối phương.
Tới thời điểm hiện tại, những hình ảnh chính thức của S-500 vẫn chưa được tiết lộ.
Theo những thông tin được công bố, các cơ sở lắp ráp S-500 của Tập đoàn Almaz-Antey tại Kirov và Nizhny Novgorod đã đi vào hoạt động và sớm cho xuất xưởng tổ hợp S-500 đầu tiên.
Vũ khí phòng thủ tên lửa mới của Nga
Dù các thông tin về S-500 mới chủ yếu thông qua các tuyên bố của giới chức quân sự Nga và rò rỉ từ Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga, nhưng với kinh nghiệm và công nghệ Nga tích lũy được và áp dụng trên tổ hợp tên lửa phòng không mới, S-500 rõ ràng có năng lực đánh chặn tên lửa ưu việt hơn so với tổ hợp THAAD hay Aegis Ashore của Mỹ.
Tuy nhiên, S-500 có dải nhiệm vụ hoạt động rộng hơn nhiều so với các tổ hợp tên lửa đánh chặn của Mỹ.
S-500 vượt trội so với các tổ hợp phòng thủ tên lửa nước ngoài ở dải nhiệm vụ rộng và tính cơ động.
Đối với quốc gia có lãnh thổ rộng lớn như Nga, việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng bảo vệ toàn bộ đất nước là điều không thể. Chính vì thế, S-500 được thiết kế với mục tiêu bảo vệ các khu trung tâm công nghiệp, vị trí chiến lược khỏi các đợt tập kích đường không, bao gồm cả từ quỹ đạo Trái Đất.
Chính vì yếu tố này, S-500 ngoài chức năng phòng không, còn là “cánh tay nối dài” khả năng phòng thủ tên lửa của các hệ thống đã triển khai trước đó tại Moscow như A-135 Amur hay trong tương lai là A-235 Nudol. Sự kết hợp này tạo ra ô phòng thủ tên lửa bảo vệ các khu trung tâm công nghiệp ở miền Trung và phần châu Âu của nước Nga.
Điểm khác biệt lớn nhất của S-500 so với các tổ hợp vũ khí phòng không trước đây của Nga là khả năng tích hợp sâu vào hệ thống chỉ huy chiến đấu hợp nhất. Khi tác chiến độc lập, S-500 có thể là trung tâm chỉ huy phòng không, phòng thủ tên lửa cấp chiến thuật với việc điều phối hoạt động của các tổ hợp tên lửa phòng không khác.
Trong khi đó, khi được tích hợp vào hệ thống phòng không quốc gia của Nga, S-500 lại trở thành một thành tố tạo nên ô phòng không, phòng thủ tên lửa đa tầng của Nga. Khi cần, S-500 còn có khả năng bắn hạ vệ tinh đối phương hoạt động ở quỹ đạo địa tĩnh thấp.
Nền tảng công nghệ của S-500 đã được phát triển từ những năm 1960
Theo các nguồn tin từ Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga, các công nghệ lõi áp dụng trên S-500 đã được phát triển, kế thừa và hoàn thiện liên tục từ những năm 1960 tới nay. Năm 1969, Liên Xô đã có ý tưởng về việc phát triển tổ hợp tên lửa phòng không hợp nhất S-500U trang bị cho hải-lục-không quân.
Những công nghệ lõi này tới những năm 1970 được áp dụng trên các biến thể S-300P dành cho phòng không-không quân, S-300F – hải quân và S-300V cho lục quân Liên Xô.
Công nghệ áp dụng trên S-500 đã được ứng dụng và hoàn thiện trên các tổ hợp tên lửa phòng không trước đó của Liên Xô và Nga.
Quá trình áp dụng và hoàn thiện công nghệ dành cho S-500 được tiến hành liên tục trên các biến thể tổ hợp S-300 và S-400 Triumph sau này. Kết quả cuối cùng là Nga đã hoàn thiện công nghệ để cho ra mắt S-500 đáp ứng đủ các chức năng từ phòng không, phòng thủ tên lửa và cả khả năng bắn hạ mục tiêu ở quỹ đạo Trái Đất vào đầu những năm 2000.
Với tiến độ hiện tại, Quân đội Nga sẽ nhận các tổ hợp S-500 đầu tiên trong năm 2019 và chúng sẽ được triển khai trước tiên để bảo vệ Thủ đô Moscow tương tự như các tổ hợp tên lửa S-300PT, S-400 trước đây. Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga, tới năm 2020, sẽ có tới 10 sư đoàn S-500 mới được bàn giao cho quân đội.
Tiềm năng xuất khẩu rất lớn
Ở thời điểm hiện tại, S-500 rõ ràng không có đối thủ cạnh tranh vì đơn giản không có tổ hợp tên lửa phòng không nào đa năng như vậy.
Xét về khả năng phòng thủ tên lửa, S-500 có nhiều nét tương đồng với THAAD, Aegis Ashore và Arrow (Israel), nhưng tổ hợp tên lửa phòng không Nga lại vượt trội hơn các sản phẩm từ phương Tây ở khả năng phòng không và bắn hạ mục tiêu trên quỹ đạo.
S-500 sẽ tiếp tục truyền thống "đắt hàng" ở phân khúc vũ khí phòng không của Nga trên thị trường thế giới.
Đánh giá về S-500, giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định, S-500 chính là tổng hòa các công nghệ của Liên Xô và Nga trong hoàn cảnh luôn phải đối phó với nguy cơ bị tập kích đường không quy mô lớn.
Chính điều này đã ảnh hưởng tới thiết kế tổng thể của các tổ hợp tên lửa phòng không Nga. Điều này có thể thấy rõ ràng, các tổ hợp tên lửa phòng không Liên Xô và Nga gần đây đều được thiết kế có khả năng cơ động cao (đặt trên khung gầm xe dã chiến), thời gian triển khai và thu hồi ngắn, tự động hóa cao và đặc biệt là vùng tác chiến gối lên nhau.
Sự kết hợp này tạo và vùng phòng thủ đa tầng, đa lớp đáp ứng khả năng đối phó với các cuộc không tập quy mô lớn. Tư duy phát triển này rất phù hợp với nhiều quốc gia trên thế giới có nhu cầu tăng cường khả năng phòng thủ trước nguy cơ bị tập kích đường không quy mô lớn từ các quốc gia hay tổ chức quân sự.
Với tiềm năng tác chiến của mình, dù chưa ra mắt, nhưng S-500 đã được nhiều quốc gia trên thế giới để mắt. S-500 đang có tiềm năng “đắt hàng” cùng với nhiều khí tài quân sự hiện đại khác của Nga đã có màn thể hiện ấn tượng tại Syria. Tuy nhiên, có thể chắc chắn việc xuất khẩu S-500 sẽ không sớm diễn ra và giá thành của nó không rẻ!