S-500 không đáng gờm như vẫn tưởng, Mỹ cần "hồi sinh" vũ khí này để đẩy lùi mối đe dọa từ Nga?

Vy Lam |

Mặc dù chưa từng được triển khai nhưng trong số nhiều đề xuất khác nhau được đưa ra trong khuôn khổ SDI thì Brilliant Pebbles được đánh giá cao nhất.

Theo nhà phân tích Stephen Bryen trên tờ Asia Times, vũ khí siêu vượt âm đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với quân đội Mỹ. Để đối phó, Mỹ cần có công nghệ mới và cách tiếp cận mới.

Trong bài viết của mình, ông Bryen đề cập tới một dự án có khả năng hỗ trợ Washington thiết lập một mạng lưới phòng thủ đáng tin cậy.

Brilliant Pebbles

Brilliant Pebbles là một phần trong Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI) do Tổng thống Ronald Reagan khởi xướng năm 1983 và hủy bỏ năm 1994.

Ý tưởng của dự án là đưa vào không gian một hệ thống phi hạt nhân gồm các vệ tinh đánh chặn, sử dụng các quả đạn vôn-fram hình giọt nước nhưng với kích cỡ của một quả dưa hấu và có tốc độ rất cao, tương tự như các đầu đạn động năng.

Mặc dù chưa từng được triển khai nhưng hệ thống này đã được nghiên cứu sâu rộng và trong số nhiều đề xuất khác nhau được đưa ra trong khuôn khổ SDI thì Brilliant Pebbles được đánh giá cao nhất.

Lợi thế của các vệ tinh Brilliant Pebbles là chúng được thiết kế để phá hủy các ICBM mục tiêu một khi các ICBM này được phóng vào không gian và chưa kịp giải phóng đầu đạn.

Hiện không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào mà Mỹ đang triển khai có thể làm điều tương tự.

S-500 không đáng gờm như vẫn tưởng, Mỹ cần hồi sinh vũ khí này để đẩy lùi mối đe dọa từ Nga? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa dự án Brilliant Pebbles. Nguồn: Wiki

Do các vệ tinh Brilliant Pebbles sẽ phá hủy tên lửa mục tiêu ngay trong giai đoạn đầu của hành trình bay nên nó sẽ không có cơ hội để giải phóng phương tiện lượn siêu vượt âm (HGV) và tất nhiên, HGV này cũng sẽ bị phá hủy cùng với tên lửa.

Theo ông Bryen, Mỹ nên tái cân nhắc dự án Brilliant Pebbles. Phần nhiều công tác nghiên cứu (R&D) cần thiết cho dự án đã được thực hiện và Mỹ sẽ không tốn một khoản ngân sách khổng lồ để bắt đầu thử nghiệm thực tế hệ thống hoàn chỉnh.

Lý do phản đối dự án Brilliant Pebbles cũng tương tự như lý do phản đối chương trình SDI, đó là Mỹ nên dựa vào học thuyết Đảm bảo Hủy diệt Lẫn nhau (MAD) – đây được xem là phương thức tốt nhất giúp Washington tránh được một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện.

Tuy nhiên, ông Bryen cho rằng, nếu MAD hiệu quả thì Nga và Trung Quốc sẽ không liên tục tìm cách đạt được khả năng tấn công phủ đầu. HGV Avangard của Nga chính xác là hệ thống đang giúp Moscow thực hiện mục tiêu đó.

Nhà phân tích nhận định, MAD là lý do căn bản khiến Mỹ có năng lực chống tên lửa đạn đạo yếu ớt như vậy.

"Có nghĩa lý gì không nếu cứu tiếp tục đầu tư vào các hệ thống yếu kém như THAAD hay GBI trong khi chúng không đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ Mỹ?" – ông Bryen đặt câu hỏi.

Nhà phân tích cho rằng, việc Washington tiếp tục đầu tư nhiều tiền để phát triển tên lửa đánh chặn mới cho GBI là một sự lãng khí nguồn lực, trong khi nhiều giải pháp ưu việt hơn, như Brilliant Pebbles, có thể thay thế chúng.

Hệ thống phòng thủ siêu vượt âm chiến thuật

Nga thể hiện một cách khá thuyết phục rằng họ đã có trong tay một thế hệ tên lửa hành trình có khả năng hoạt động trong điều kiện tác chiến thực (như đã thấy trong các đợt phóng từ tàu ngầm/tàu mặt nước của Nga nhằm vào các mục tiêu tại Syria).

Bên cạnh đó, Moscow tuyên bố rằng hệ thống phòng không mới của họ - S-500 Prometey (phiên bản kế nhiệm của S-400) sẽ có đủ khả năng đánh chặn và phá hủy tên lửa hành trình siêu vượt âm.

S-500 đang trong giai đoạn phát triển cuối cùng, và nó sẽ sử dụng tên lửa 77N6-N1. Theo các nguồn tin từ Nga, tên lửa 77N6-N1 sẽ mang đầu đạn động năng (tương tự như các hệ thống của Mỹ hay tổ hợp Arrow 3 của Israel), và đánh chặn mục tiêu với tốc độ 7km/s.

S-500 không đáng gờm như vẫn tưởng, Mỹ cần hồi sinh vũ khí này để đẩy lùi mối đe dọa từ Nga? - Ảnh 2.

Các thành phần của hệ thống phòng không S-400. Ảnh: The Drive

Hiện vẫn có nhiều nghi ngờ về hệ thống S-500 của Nga và năng lực sản xuất tên lửa 77N6-N1 của Moscow ngay cả nếu tên lửa đánh chặn này có hiệu quả, bởi Nga từng đưa ra nhiều tuyên bố nhưng chúng thường được thổi phồng so với thực tế.

Theo ông Bryen, đôi lúc, một số hệ thống mà họ tuyên bố hùng hồn lại gặp thất bại trong thử nghiệm, tương tự như sự cố gần đây nghi xảy ra với tên lửa hành trình sử dụng năng lượng hạt nhân Burevestnik.

Nga cho biết họ có kế hoạch triển khai S-500 quanh Moscow, về cơ bản nó sẽ giữ vai trò hệ thống chống tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả, S-500 cần phải được tích hợp chặt chẽ với các tổ hợp S-400 hiện nay.

Bên cạnh đó, không chỉ tên lửa đánh chặn cần được tối ưu hóa để đối phó với tên lửa hành trình siêu vượt âm chiến thuật, mà các cảm biến của hệ thống cũng cần phải phát hiện được mục tiêu đủ nhanh để tên lửa đánh chặn có thời gian triển khai và bắn chính xác (tạm chưa xét tới yếu tố cơ động).

Nga tuyên bố S-500 sẽ chỉ mất khoảng 4 giây để phát hiện mục tiêu và phóng tên lửa, giảm đáng kể thời gian so với S-400 (mất 8-10 giây). Sau đó tên lửa của hệ thống sẽ mất thêm vài giây để đạt tốc độ đánh chặn siêu vượt âm.

Ông Bryen cho rằng, cơ hội đánh chặn của S-500 sẽ bị hạn chế bởi cơ chế và năng lượng của vụ phóng, cũng như việc các cảm biến của hệ thống có thể phát hiện mục tiêu đủ sớm hay không.

Do có kích cỡ nhỏ nên tên lửa đánh chặn siêu vượt âm có tầm bắn tương đối ngắn. Trong khi các cảm biến hiện nay còn rất xa mới đủ khả năng đối phó với tên lửa hành trình siêu vượt âm. Nếu những tên lửa này có thêm lớp phủ tàng hình thì vấn đề thậm chí sẽ lớn hơn nữa.

Theo nhà phân tích, đây là lĩnh vực mà đáng lý Cơ quan Dự án nghiên cứu Quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Mỹ nên tập trung nhưng họ lại không làm điều đó.

Do Trung Quốc và Nga sẽ triển khai các tên lửa hành trình chiến thuật và có thể sẽ bắt đầu xuất khẩu chúng (như bán cho Iran hoặc Triều Tiên) nên việc có được các hệ thống phòng thủ tên lửa hành trình siêu vượt âm đáng gờm đang trở thành nhu cầu cấp thiết đối với Mỹ.

Song, có vẻ đây chưa phải là ưu tiên của Washington ở thời điểm hiện tại.

Theo ông Bryen, mặc dù đúng là Mỹ có thể tấn công các tàu chiến Nga bằng tên lửa hành trình siêu vượt âm nhằm vô hiệu hóa chúng trong chiến tranh nhưng với sự phổ biến của loại vũ khí mới này thì trong tương lai, phương án đó không đủ để bảo vệ các căn cứ và tàu chiến của Mỹ.

Hệ thống phòng không S-400 Nga trong một cuộc tập trận. Nguồn: Ruptly

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại