Thành viên thiệt thòi
Có giả thuyết cho rằng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan muốn mua hệ thống S-400 do Nga sản xuất để bảo vệ mình khỏi một nguy cơ đảo chính khác, chứ không hẳn chỉ là tăng cường năng lực của các lực lượng vũ trang nói chung.
Điều này được cho là phù hợp với thuyết âm mưu cho rằng Mỹ có thể tắt mạng lưới phòng không bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ từ xa, do đó cho phép lực lượng đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ tấn công chính quyền Erdogan bằng máy bay.
Nhưng dù là vì lý do nào, thương vụ S-400 với Nga đã gây ra những hậu quả đáng kể cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, hai tác giả Peter Roberts và Seth Newkirk từ Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh RUSI (Anh) nhận định trong một bài viết mới đây.
Trong phản ứng đáp trả, Mỹ đã lên kế hoạch loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển F-35 - một động thái được nhiều thành viên Quốc hội ủng hộ.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump lại mang đến những thông điệp lẫn lộn, khiến nhiều người băn khoăn không biết ông muốn bênh vực hay ủng hộ trừng phạt Ankara.
Cuộc tranh cãi mới nhất giữa NATO và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là một trong những vấn đề khúc mắc lâu dài giữa hai bên. Từ lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ luôn đóng một vai trò quan trọng trong NATO nhưng thường không được công nhận và bị đánh giá thấp.
Thổ Nhĩ Kỳ có dân số lớn nhất trong số các thành viên NATO sau Mỹ và Đức, cũng như quân đội lớn nhất ở châu Âu. Mặc dù số lượng không phải lúc nào cũng đi đôi với chất lượng, nhưng sức mạnh của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không phải chỉ là hư danh.
Về mặt địa lý, Thổ Nhĩ Kỳ có một vị trí quan trọng trong lịch sử khi được coi là trung điểm giữa hai tổ chức đối đầu - Hiệp ước Warsaw và NATO, và gần đây được biết đến là cửa ngõ đi vào Trung Đông. Ngày nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nổi tiếng là ngã ba giữa Châu Âu và Châu Á.
Sẽ khó ai có thể bỏ qua vị trí địa chiến lược như vậy trong kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh giữa các quyền lực lớn. Thổ Nhĩ Kỳ rất cần thiết cho cả sứ mệnh của NATO trong việc kiềm chế Nga, mối quan tâm của EU trong việc kiểm soát người di cư vào châu Âu và là một góc khao khát của Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc.
Tầm quan trọng địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ đối với NATO được thể hiện bằng cơ sở hạ tầng quân sự thiết yếu đã được xây dựng tại quốc gia này. Căn cứ không quân Incirlik là ví dụ rõ ràng nhất. Đây là một trong sáu căn cứ không quân ở các nước NATO giữ sức mạnh hạt nhân chiến lược của Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tham gia vào nhiều yếu tố khác nhau trong cấu trúc chỉ huy quân sự của NATO và thường xuyên đóng góp cho các hoạt động quân sự của NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ cần được trân trọng hơn?
Mỹ nên tôn trọng quyết định mua vũ khí Nga của Thổ Nhĩ Kỳ?
Trong suốt lịch sử của mình, Nga đã tìm cách tiếp cận Địa Trung Hải và xa hơn nữa là vươn ra Biển Đen. Sự tiếp cận đó đòi hỏi phải đi qua vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ (hai khu vực Bosporus và Dardanelles), được quy định bởi Công ước Montreux.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia giám sát những nỗ lực gây dựng ảnh hưởng ở Biển Đen, và do đó, Ankara đóng vai trò cản trở mọi bước tiến của Nga trong khu vực cũng như có thể hạn chế khả năng của NATO chống lại các hoạt động của Nga ở Biển Đen, tùy ý muốn.
Chẳng hạn, nếu không có sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, NATO sẽ gặp khó khăn trong việc ngăn chặn một cuộc phong tỏa trong tương lai của Nga tại cảng Odessa, một bước đi có thể làm tê liệt nền kinh tế Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một vai trò không thể thiếu trong cuộc khủng hoảng di cư gần đây. Đất nước này hiện đang là nơi nương náu của 3,6 triệu người tị nạn.
Quan trọng hơn, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng gánh vác những người tị nạn giúp châu Âu tránh khỏi khủng hoảng. Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia quan trọng cả ở châu Âu và Trung Đông.
Bất chấp những yếu tố quan trọng kể trên, các đồng minh NATO thường không thừa nhận vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong cả NATO và khu vực, thông qua cả lời nói và hành động.
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã đụng độ nhau xoay quanh sự can dự của Washington tại Syria, đặc biệt là mối quan hệ với người Kurd. Các vấn đề giữa phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt nguồn từ Chiến tranh Iraq khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho quân đội Mỹ vượt qua biên giới vào Iraq.
Các quốc gia châu Âu tiếp tục chỉ trích Tổng thống Erdogan về nhiều thứ, trong đó có cách tiếp cận của ông đối với báo chí, kinh tế, hệ thống pháp luật mà họ cho rằng không đúng với các giá trị "dân chủ".
Đối với các quốc gia này, Thổ Nhĩ Kỳ đã không làm được như kỳ vọng của một quốc gia có thiện chí gia nhập các thể chế tự do (như EU) và trở thành một "thành viên tốt" của trật tự quốc tế.
Tuy nhiên, nếu các nhà ngoại giao phương Tây muốn thành công trong việc đạt được mục tiêu của mình, họ cần phải gia giảm các yêu cầu và quy tắc của mình đối với Ankara.
Theo đó, trong trường hợp không có sự thay thế nào đối với vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, những chiến thuật dằn mặt như vậy có thể có hiệu quả.
Nhưng với sự trỗi dậy của các quyền lực mới như Nga và Trung Quốc – Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đơn giản là xoay trục sang những đối tác mới – họ là những đối tác luôn tôn trọng và bình đẳng, đặc biệt là không ra lệnh cho Ankara.
Với sự trở lại của cuộc cạnh tranh giữa các quyền lực lớn, dù muốn hay không, NATO, EU, Mỹ và các nước khác phải thay đổi hành vi của họ. Mỹ nên tiếp tục cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ tiêm kích F-35, bất kể việc nước này có vận hành hệ thống S-400 hay không.
Những thay đổi như vậy có thể bao gồm cả trên mặt trận kinh tế, đặc biệt là khi quản lý tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang bị kiểm soát gắt gao và đồng tiền của nước này đã mất giá mạnh.
Khi Tổng thống Trump đối mặt với tranh chấp thương mại với Trung Quốc, Mỹ cần hợp tác với một quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ hơn bao giờ hết.
Và Mỹ hiện có cơ hội cho thấy rằng, bất kể sự khác biệt về các vấn đề quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ, họ có thể đưa ra các nỗ lực ổn định kinh tế của đất nước, bởi vì đó là lợi ích của tất cả các quốc gia thành viên NATO.