S-300 Nga cấp cho Syria hoàn toàn "vô dụng" trong chống tập kích đường không của Mỹ?

Chí Linh |

Sau trận tập kích bằng tên lửa hành trình do liên quân được Mỹ dẫn đầu nhằm vào các mục tiêu trên đất Syria, Nga cho biết sẽ sớm cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho đồng minh.

Thông tin Nga có thể sớm cung cấp hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 cho Syria đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của truyền thông quốc tế, hầu hết ý kiến đều nhận định rằng khi sở hữu vũ khí này thì Quân đội Syria sẽ đủ khả năng chống lại một cuộc tấn công tương tự trong tương lai.

Khi máy bay Mỹ và liên quân đang thực hiện nhiệm vụ oanh kích trên đất Syria, họ cho biết đã nhận thấy tín hiệu từ đài radar cảnh giới và radar hỏa lực của S-400 được Nga bố trí tại căn cứ không quân Hmeimim, nhưng rồi đã không có quả đạn nào phóng lên, đây là điều dễ hiểu vì Moskva chẳng có lý do gì để phải đối đầu trực tiếp với NATO.

Nhưng nếu như Syria nắm trong tay các tổ hợp S-300PMU-2 tính năng tiệm cận S-400, được tích hợp đạn đánh chặn tầm xa 48N6E2 tầm bắn 200 km thì mọi việc có thể sẽ rất khác, khi Damascus chắc chắn sẽ phóng đạn đánh trả tiêm kích đối phương.

S-300 Nga cấp cho Syria hoàn toàn vô dụng trong chống tập kích đường không của Mỹ? - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU-2 Favorit

Không thể phủ nhận rằng tên lửa S-300 sẽ giữ vai trò chủ lực của lưới lửa phòng không Syria, nó sở hữu tính năng kỹ chiến thuật vượt trội so với Buk, Kub hay Pechora... bởi vậy chẳng ngạc nhiên khi các bên liên quan, đặc biệt là Israel đã tỏ thái độ rất mạnh mẽ đồng thời đe dọa sẽ tiêu diệt S-300 của Syria ngay từ trong trứng nước.

Tuy nhiên bên cạnh đó lại có một luồng ý kiến khác cho rằng thực chất việc Nga giao S-300 cho Syria chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, rằng Moskva không bỏ rơi đồng minh trong thời khắc khó khăn nhất mà thôi, còn trong thực chiến nhất là khi phải chống lại cuộc tập kích bằng tên lửa hành trình như vừa diễn ra thì S-300 khó mà phát huy tác dụng nổi.

Đầu tiên cần xác định rằng đối tượng tác chiến của S-300 là tên lửa đạn đạo chiến thuật hay tiêm kích, máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không, máy bay ném bom... hoạt động ở độ cao lớn và trung bình.

Mặc dù Nga quảng cáo S-300 có thể giao chiến với mục tiêu bay thấp, nhưng việc S-300/400 của họ luôn cần có Pantsir-S1 đứng cạnh đóng vai trò cận vệ, bảo vệ nó trước tên lửa hành trình đối phương lợi dụng địa hình địa vật xâm nhập trận địa là câu trả lời rõ ràng nhất cho tính năng này. Thực tế đạn 48N6 hoàn toàn không được đánh giá cao ở khía cạnh đánh thấp.

Do vậy, nếu S-300 của Syria kịp đi vào biên chế và tham gia trực chiến, trường hợp phải đối diện với Tomahawk, AGM-158 JASSM hay Storm Shadows bay rất thấp thì vai trò của S-300 không thể bằng Pantsir-S1.

S-300 Nga cấp cho Syria hoàn toàn vô dụng trong chống tập kích đường không của Mỹ? - Ảnh 2.

S-300 Nga giao cho Syria bị nhận xét mang nhiều ý nghĩa biểu tượng hơn là tác dụng thực

Vậy trong khi không phải là vũ khí tối ưu để chống tên lửa hành trình bay thấp kiểu Tomahawk thì liệu S-300 có phát huy tốt vai trò nếu Syria sử dụng nó để bắn vào máy bay mang đạn không đối đất?

Đáng tiếc rằng trong trận tấn công trên, các chiến đấu cơ của Anh - Pháp - Mỹ đều sử dụng đạn tấn công từ ngoài tầm phòng không điểm, các loại tên lửa này đều có thể phóng từ cự ly lớn gấp vài lần tầm bắn của 48N6E2, khiến S-300 có phát hiện được máy bay đối phương từ xa cũng chỉ biết đứng nhìn và chịu trận khi cơn mưa tên lửa lặng lẽ bay tới.

Có lẽ rằng người Nga nên cấp tốc viện trợ cho Syria các tổ hợp Tor-M1 - vũ khí được tối ưu hóa cho nhiệm vụ đánh trả số lượng lớn tên lửa hành trình hoạt động ở độ cao cực thấp thì hơn là cung cấp S-300 cho Damascus.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU-2 Favorit của Quân đội Nga bắn đạn thật

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại